Hướng về cõi Phật, cùng chiêm ngưỡng cuộc đời và tử vi của Đức Phật Thích Ca

Với bất cứ một tôn giáo nào, người kiến lập cũng là một tấm gương sáng cho tín đồ soi chung cho đến muôn đời.

Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca chính là biểu hiện sinh động giáo lý nhà Phật, rất cao sâu kỳ diệu nhưng cũng thật giản dị, gần gũi đời thường. Nhân ngày lễ Phật đản, chúng ta hãy cùng hướng về cõi Phật, chiêm ngưỡng cuộc đời và tử vi của Ngài.

Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca chính là biểu hiện sinh động giáo lý nhà Phật, rất cao sâu kỳ diệu nhưng cũng thật giản dị, gần gũi đời thường

Trọn đời vì tình thương con người

Đức Phật Thích Ca được giáng sinh ở nước Nêpal, trong dãy núi Himalaya cao nhất và được coi là “mái nhà của thế giới”, nơi phát khởi và truyền linh khí đến muôn nơi trên quả địa cầu này.

Tra cứu trong tàng thư Phật học, Ngài sinh năm Mậu Tuất (năm 563 trước Công Nguyên), ngày 8/4 vào lúc chính Ngọ. Ngài là Hoàng tử của vua Tịnh Phạn – vị vua thuộc dòng Thích Ca đã mấy mươi đời nối nghiệp.

Nhà vua cùng với Hoàng hậu Maya đều là người có đức hạnh và lòng nhân ái với muôn dân. Theo các ghi chép trong cổ sử Phật giáo, trong ngày đản sinh Ngài cả thành Ca Tỳ La Vệ cảnh vật thật là kỳ diệu: Hào quang chiếu sáng muôn nơi, chim chóc ca vang ríu rít, cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa trổ trái.

Nhà vua vui mừng khôn xiết, mời các vị tiên tri khắp nơi xem nhân tướng và đoán định về Ngài. Họ đều thấy rằng Ngài hội đủ “tam thập nhị hảo tướng” (đủ 32 tướng tốt) và trong tương lai tu hành sẽ trở thành một vị Thánh. Nhưng điều này lại làm đức Vua không vui vì chỉ muốn con mình nối nghiệp làm vua sau này mà thôi.

Trở thành một vị Thái tử văn võ song toàn, thông minh xuất chúng, lại có địa vị cao sang tột bậc nhưng Ngài luôn khoan hòa, từ ái, thương xót những thần dân còn đói nghèo, đau khổ; cả những loài vật ăn thịt lẫn nhau trong cõi sinh tồn… và nuôi chí tu hành xuất gia tìm đạo.

Vua cha thì chỉ muốn ràng buộc Ngài, ngăn trở việc xuất gia. Ông đã tìm mọi cách trói chân Ngài bằng cuộc sống vương đế xa hoa sang trọng, lại ép Ngài cưới vợ ngay từ năm 16 tuổi.

Người vợ là một công chúa con vua nước láng giềng, nổi tiếng về đức hạnh và tài sắc, một lòng yêu thương và sinh hạ cho Ngài một cậu con trai đĩnh ngộ. Với một đời người, một bậc đế vương quyền uy như thế, nếu Ngài chỉ biết nghĩ cho mình thì nhân gian đã không có một Đức Phật Thích Ca!

Sống trong cung đình, nhưng ngài vẫn luôn nặng trĩu bao nỗi xót xa khi chứng kiến cuộc đời cơ cực của người dân, chăm chỉ đến lao lực mà vẫn nghèo đói, thiếu cơm ăn áo mặc.

Ngài thấy ngoài đồng lũ chim tranh nhau ăn tươi nuốt sống con giun đang giãy giụa, đâu biết người thợ săn đang giương cung ngắm bắn. Rồi ở bụi rậm sau lưng, lũ hổ báo lại đang rình rập vồ bắt chính người thợ săn ấy! Than ôi, chỉ vì miếng ăn để sống mà con người và muôn vật tìm đủ mọi phương kế để giết hại lẫn nhau, không phút giây nào ngừng… Như thế khác nào đời là kiếp nạn, là bể khổ!

Giáo lý Phật giáo do Ngài sáng lập chủ trương bình đẳng trong nhân quần, với những con người có máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, hết thảy các “pháp” đều là vô ngã…

Sách kinh nhà Phật còn lưu truyền rằng: Khi đi thăm thần dân, lúc ra cửa Đông thành, Ngài gặp một ông già đói khổ, răng rụng mắt mờ tai điếc, còng lưng dò dẫm trên đường lầy; ra cửa Nam, Ngài gặp một người mắc trọng bệnh, khóc than kêu la vì đau đớn nằm bên lề đường; đến cửa Tây, Ngài thấy một người chết nằm giữa chợ mà chẳng ai đoái hoài, ruồi nhặng bu bám đầy xung quanh.

Ba cảnh tượng: “già, đau, chết” ấy đã tác động rất mạnh vào tâm trí, làm Ngài đau buồn, thương xót chúng sinh vô cùng. Cơ duyên chợt đến khi một hôm ra cửa Bắc, Ngài gặp một vị tu sỹ đi ngang qua với vẻ thanh thản, an nhiên tự tại.

Đàm đạo cùng nhau, người ấy nói rằng:“Tôi tu hành là quyết dứt bỏ mọi sự ràng buộc của cõi đời, cho mình khỏi khổ và thành chính giác để phổ độ chúng sinh đều được giải thoát như mình” làm Ngài chợt tỉnh.

Bốn cảnh ngộ ấy chính là những cảnh tượng do cõi cao xanh thị hiện để nhắc nhở Ngài đến lúc lên đường tu học Phật quả; ba cảnh tượng đầu là sự “khổ” của nhân thế và hình ảnh vị tu sỹ chính là bóng hình và chí hướng của Ngài.

Năm 29 tuổi, Ngài lén rời cung cấm, lên đường hành hương, kết giao với nhiều nhà hiền triết, đạo sư khắp nơi để học đạo. Ngài đã trải qua bao cảnh ngộ, kiếp nạn nhiều năm sau trong đời tu hành.

Đến năm 35 tuổi, một hôm Ngài ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ Đề và hốt nhiên đại ngộ. Tâm trí Ngài khai thông tuệ giác, thấy rõ cả quá khứ của mình trong tam giới, thấy được bản thể của vũ trụ muôn vật và cách thức dứt trừ khổ đau của cõi người…

Ngài đã đắc quả thành Phật. Bài giảng đầu tiên của Đức Phật là thấu hiểu “sự khổ”: nhân – duyên – quả và tình thương chúng sinh với tất cả cõi đời, vạn vật. Giáo lý Phật giáo do Ngài sáng lập chủ trương bình đẳng trong nhân quần, với những con người có máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, hết thảy các “pháp” đều là vô ngã… với mục đích tối thượng là chấm dứt sự đau khổ và phiền muộn để đạt đến sự chứng ngộ bất tử.

Với bất cứ một tôn giáo nào, người kiến lập cũng là một tấm gương sáng cho tín đồ soi chung cho đến muôn đời. Cuộc đời của Ngài chính là biểu hiện sinh động giáo lý nhà Phật, rất cao sâu kỳ diệu nhưng cũng thật giản dị, gần gũi đời thường.

Chiêm ngưỡng Đức Phật từ góc nhìn Dịch lý

Những lúc giảng Phật pháp, khi nói đến sự hiện diện của Đức Phật Thích Ca trên cõi nhân gian, các vị Đại đức thường dùng các chữ “đản sinh” (nghĩa là sự ra đời hân hoan, vui vẻ); “thị hiện” (hiện ra như bằng xương bằng thịt, con mắt trần có thể thấy được) hay “giáng sinh” (được sinh ra từ một nơi cao, ban xuống cõi trần này). Được duyên may kính ngưỡng bản Tử vi của Ngài là một diễm phúc của người nghiên cứu Dịch lý như tôi.

Ngài sinh năm Mậu Tuất, cung Mệnh (trùng cung an Thân) đóng ở cung Hợi, ứng với quẻ thuần Càn – tượng là Trời, là Vua, cha, thủ lĩnh, như người đã có sứ mệnh dìu dắt nhân quần. Đây là cung Thủy, dưỡng Mộc mệnh, lại thêm thế “cục” là Thủy cũng sinh mệnh nên Ngài từ bé đã sống trong nhung lụa, cầu được ước thấy, khi vào đời thì luôn đắc thành sở nguyện - ấy là được “địa lợi”.

Nhìn cách số này của Ngài, mới thấy giáo lý “sắc sắc, không không” của nhà Phật thật là cao sâu vi diệu

Tam hợp Mệnh – Quan Lộc - Tài Bạch thuộc Mộc (Hợi – Mão - Mùi) đồng hành với bản Mệnh - ấy là thuận “thiên thời”. Nhưng phân tích các yếu tố thuộc “nhân hòa” của Ngài mới thật đặc biệt:

Cung Mệnh có chính tinh Thiên Phủ (được ví như kho của Trời) - là người tài năng, ôn lương, đức độ, hay thương người, ấy là phần tinh thần, tình cảm. Còn về vật chất, Thiên Phủ lại gặp Thiên Không, trong sách Tử Vi gọi là cách “Phủ phùng Không”, là trống rỗng, không màng danh vọng tiền của.

Nhìn cách số này của Ngài, mới thấy giáo lý “sắc sắc, không không” của nhà Phật thật là cao sâu vi diệu. Nói kỹ hơn, sao Thiên Không ở đây thật là đặc biệt, cho thấy người có cách số này đầy lòng tự trọng, luôn có ý thức nghiêm khắc với mình và khoan hòa với người đời.

Hơn thế, còn ngộ được cái lẽ thường hằng, công bằng của tự nhiên: cứ “muốn” là sẽ “khổ”, hễ “vay” thì ắt phải “trả”, có “nhân” là sinh “quả”, mọi sự vật đều là “không”…Tất cả không gì là không biến, “sinh sinh, diệt diệt”, luân hồi bất tận đến vô cùng.

Tuệ giác, trí thông minh của Ngài là ở sao Thái Dương rạng sáng ở cung Dần, hội cùng Thiếu Dương tại mệnh, được đủ bộ Đào Hoa - Hồng Loan - Thiên Hỷ trợ lực, lại ở cung Càn (Trời) nên luôn sáng suốt, như liên thông được với cõi Thiên - Địa.

Sao Cô Thần đóng chính cung Mệnh, như thường nói “nam kỵ Cô, nữ kỵ Quả” cũng làm nên tính cách tu hành của Ngài. Ngài chọn lối sống cô quạnh, rời xa cha mẹ, vợ con ruột thịt để có ích cho mọi người, cho mọi kiếp tha nhân. Vậy là “có” cũng như “không”, “không” vẫn là “có”.

Có sao Cô Thần, nhưng Ngài đâu có lẻ loi, muôn đời vẫn sống trong khối óc, con tim nhân loại. Với đủ bộ “Tứ Đức” (Thiên Đức, Nguyệt Đức, Phúc Đức, Long Đức), Ngài với mọi người, dẫu nay kiếp này, mai kiếp khác vẫn như nhau, vẫn chan chứa một tình yêu thương, bao dung nhân ái.

Vòng đại vận của Ngài đi thuận, bắt đầu đời tu hành năm 29 tuổi, trong đại vận ở cung Sửu (22 - 31 tuổi). Cung này hành Thổ, mệnh Mộc khắc chế được, nhưng gặp sao Triệt án ngữ, nên ý định xuất gia bị Vua cha và gia đình ngăn cản quyết liệt. Ngài đắc đạo thành Phật năm 35 tuổi, chính là đắc đại vận Thái Tuế ở cung Dần (dương Mộc), có sao Thái Dương đắc cách (mệnh Mộc tương sinh) và Cự Môn đắc địa (sao Thủy, sinh mệnh Mộc) – nói ra là có người nghe, tin phục và kính ngưỡng.

Đồng thời, được thêm đủ bộ Tứ Linh (Thanh Long, Phượng Các, Bạch Hổ, Hoa Cái). Vậy là đại vận này thuận cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tấm thân của Ngài về cõi vào năm 80 tuổi, cuối Đại vận ở cung Ngọ (72 - 81 tuổi), ấy là vì cung này là dương Hỏa, mệnh Mộc phải sinh xuất nên thể xác hao mòn, chẳng khác gì đem thân đốt lửa ấm cho người đời vậy.

Cuộc đời của Đức Phật, cách chúng ta hôm nay đã hơn 2.500 năm, vừa như một huyền thoại nhưng cũng thật gần gũi yêu thương. Bởi Ngài chính là một “CON NGƯỜI”, được viết hoa với đầy đủ ý nghĩa cao quý nhất của từ ấy.

Theo Người giữ lửa

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/huong-ve-coi-phat-cung-chiem-nguong-cuoc-doi-va-tu-vi-cua-duc-phat-thich-ca-236269.html