Hút mỡ: Những điều chưa biết

PN - Hút mỡ là phương pháp phổ biến từ những năm 60 của thế kỷ XX, thực hiện bằng cách đưa ống hút vào vùng mỡ xác định lấy ra khối mỡ dư.

Ảnh minh họa: internet

Mục đích là phục hồi vòng 2 sau sinh, lấy lại độ thon gọn và săn chắc; lấy bớt mỡ thừa sau mang thai; khắc phục tình trạng da chảy xệ, rạn nứt; tạo nguồn nguyên liệu cho cải thiện các vết nhăn, nám, khuyết xương, sẹo lõm; nguồn nguyên liệu thay thế cho chất làm đầy; nguồn tạo ra tế bào gốc nhanh và nhiều nhất so với tế bào máu cuống rốn, tủy xương...

Tuy nhiên, đi cùng tiến trình hút mỡ là một quy trình bắt buộc mà người đi thực hiện cần biết, gồm:

1. Khám và giải thích cho bệnh nhân rõ: hút mỡ khác với giảm cân, vì:

Có hai vùng mỡ trong cơ thể: mỡ dưới da và mỡ bao quanh các tạng (mỡ sa), mỡ sa có khối lượng gấp ba lần mỡ dưới da.

- Hút mỡ: là lấy đi phần mỡ thừa ở dưới da vùng bụng, đùi, lưng, cánh tay nhằm tái lập hình dáng cơ thể, chứ không lấy mỡ quanh các tạng.

- Giảm cân: là phẫu thuật can thiệp làm teo nhỏ dạ dày hoặc tăng thể tích dạ dày giả tạo, tạo cảm giác no.

Như vậy, cần giải thích cho bệnh nhân mục đích của hút mỡ là chỉ tạo hình dáng thon thả trở lại cho cân đối.

2. Mỡ hút ra có thể lưu trữ qua ngân hàng mô. Việc nuôi cấy này có thể phục vụ cho chính bệnh nhân về sau.

3. KHÔNG nên hút mỡ quá nhiều trong một lần mà NÊN hút nhiều lần.

4. Thực hiện xét nghiệm nhằm xác định: bệnh nhân đủ sức khỏe để tiến hành phẫu thuật hút mỡ: chức năng gan, thận, tim, phổi, các bệnh nhiễm trùng. Nếu có những bệnh này dễ biến chứng về sau như chảy máu, tắc mạch do mỡ, ngưng tim, suy hô hấp…

5. Phẫu thuật bắt buộc tiến hành tại bệnh viện có phòng mổ có thể:

Gây tê - tiền mê: có lợi hơn gây mê, bởi vì cơ không bị nhão nên việc hút mỡ không xuyên qua cơ, hạn chế tai biến.

Gây mê: dễ tắc mạch. Bác sĩ chọn phương pháp này vì nó làm bệnh nhân không cảm giác đau, dễ làm nhưng đẩy nguy cơ về phía bệnh nhân nhiều hơn.

Khối lượng mỡ hút ra không quá 1/25 đến 1/30 trọng lượng cơ thể. Nếu vượt quá sẽ gây rối loạn điện giải (natri, kali, canxi…) dẫn đến khó thở, tức ngực, dẫn đến triệu chứng tim, phổi, cân bằng toan-kiềm nội gây tử vong.

6. Nếu kết hợp với bơm mỡ thì mỡ thừa được hút ra phải được xử lý qua máy ly tâm lạnh, quay với tốc độ 2.500 - 3.500 vòng/một phút.

Mỡ khi muốn chuyển lên làm đầy cho ngực, mông thì mỗi bên nhận không vượt quá 80ml mỡ hạt. Nếu nhận hơn số lượng sẽ gây hoại tử, dẫn đến nhiễm trùng, vón cục…

Tuy nhiên, dù có những xét nghiệm kỹ lưỡng vẫn có những nguy cơ như chảy máu, tắc mạch do mỡ, nhiễm trùng, rối loạn… có khả năng dẫn đến tử vong, vì thế buộc phải thực hiện ở bệnh viện mới có phương tiện hồi sức cấp cứu.

BS thẩm mỹ Phạm Xuân Khiêm
(BV thẩm mỹ Emcas)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/bac-si-gia-dinh/hut-mo-nhung-dieu-chua-biet/a105583.html