Huy chương vàng SEA Games & Đại hội VFF

Những người hiểu vận động của Liên đoàn bóng đá Việt Nam nói rằng, nếu U.22 Việt Nam giành huy chương vàng bóng đá nam SEA Games 29 tới đây - chiếc huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử thì một lần nữa những vận động nhiệm kỳ của bộ máy này sẽ diễn ra êm thấm. Bằng không...

SEA Games 29 diễn ra trong một thời điểm rất nhạy cảm, khi Đại hội nhiệm kỳ VIII VFF chuẩn bị khai diễn. Kỳ Đại hội này, Chủ tịch đương nhiệm Lê Hùng Dũng vì lý do sức khỏe chắc chắn sẽ rút lui, vậy thì ai sẽ thay ông Dũng chèo lái con tàu bóng đá nước nhà?

Hiện tại, ai cũng hiểu ông Dũng chỉ còn "đứng tên" vị trí chủ tịch, những công việc hệ trọng thực sự đã được giao lại cho Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn. Nhưng ông Tuấn cũng không phải người duy nhất trong bộ máy VFF lúc này có khát vọng vươn cao.

Ngoài ông Tuấn, còn có những nhân vật khác, và trong trường hợp U.22 Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games thì cơ hội để ông Tuấn hoặc một trong số các nhân vật này ngồi vào cái ghế mà ông Lê Hùng Dũng để lại là rất lớn. Bằng không, nhiều khả năng sẽ lại xuất hiện những nhận vật mới, hoặc có thể đến từ ngành thể thao, hoặc có thể đến từ những "địa chỉ màu hồng" khác.

Nếu U.22 Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games thì...

Bao giờ cũng thế, trước mỗi thềm Đại hội VFF luôn là những vấn đề nhạy cảm về nhân sự, và cái nhân sự ấy chịu tác động rất nhiều từ thành tích thực tế của các Đội tuyển bóng đá nam tại các giải đấu trong khu vực như SEA Games hay AFF Suzuki Cup.

Người ta chưa quên sau khi Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương vàng AFF Suzuki Cup năm 2008, sau cú đánh đầu định mệnh ở phút thứ 90+3, sự chuyển đổi bộ máy VFF từ nhiệm kỳ V sang nhiệm kỳ VI đã diễn ra cực kỳ êm đẹp.

Nó êm đẹp tới mức trước thềm Đại hội nhiệm kỳ VI, ông chủ tịch đương nhiệm VFF Nguyễn Trọng Hỷ là người duy nhất được giới thiệu, và hiển nhiên ông Hỷ sau đó tất yếu tại vị trong một cuộc chơi mà ông một mình, một ngựa, một chiến trường.

Hiểu rõ về sự tác động của chức vô địch AFF Suzuki Cup với những biến động êm ả của chiến trường VFF mà sau đó không lâu, sau khi bị Ban Kỷ luật VFF xử phạt vì hành vi vái lạy trọng tài rất phản cảm, Lê Công Vinh mới bảo: "VFF xử bạc với tôi".

Không khó để hiểu ẩn ý của Công Vinh sau hai chữ "xử bạc" này. Tuy nhiên đấy là một suy nghĩ rất thiếu chuyên nghiệp, vì trong vận động của xã hội hiện đại nói chung và đời sống bóng đá hiện đại nói riêng, sự tác động tích cực hay tiêu cực từ những thành tích được làm nên bởi một con người hay một nhóm người với những con người, những thành viên khác cũng là điều bình thường, tất yếu.

Bất cứ ai đặt cái tôi cá nhân của mình lên trên những quan hệ mang tính cộng hưởng cùng những tác động hai chiều ấy chắc chắn đều chưa chín chắn. Đúng là nhờ cú đánh đầu định mệnh của Công Vinh mà Đội tuyển Việt Nam đã vô địch, và đúng là nhờ chức vô địch ấy mà sự chuyển đổi nhiệm kỳ VFF đã diễn ra trơn tru - lần trơn tru hiếm hoi trong lịch sử, nhưng nếu vì thế mà Công Vinh trách VFF "xử bạc" với mình, trong một phi vụ mà đúng là mình đáng bị xử phạt thì rõ ràng là cầu thủ này đã đặt cái tôi cá nhân của mình lên cao một cách phi lý.

Trở lại với Đội tuyển U.22 Việt Nam hiện nay, Phó Chủ tịch tài chính VFF, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã không ngừng hô hào: Nếu không vô địch SEA Games thì thường trực VFF nên chủ động từ chức ngay. Hiện chưa thấy bất cứ thành viên nào trong thường trực VFF công khai ủng hộ lời kêu gọi của bầu Đức. Vì thế, trong trường hợp xấu nhất, U.22 Việt Nam không thể vô địch SEA Games thì có lẽ ngoài bầu Đức, cũng thật khó kêu gọi ý thức từ chức của các thành viên còn lại.

Nhưng lúc đó, một nguy cơ lớn khác sẽ xuất hiện: Họ cũng khó tồn tại thêm, khi Đại hội nhiệm kỳ VIII VFF chuẩn bị diễn ra rồi.

Nhiệm kỳ VII bị gãy chiến lược

Khi vừa đắc cử chủ tịch VFF sau Đại hội nhiệm kỳ VII, chủ tịch Lê Hùng Dũng lập tức vạch ra chiến lược hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật, và "Nhật hóa" nền bóng đá bằng cách ồ ạt đưa chuyên gia Nhật, HLV Nhật tới Việt Nam. Nhưng rồi những vị chuyên gia Nhật ở VPF - công ty tổ chức, điều hành các giải đấu cấp CLB Việt Nam đã nhanh chóng về nước mà không để lại quá nhiều dấu ấn chuyên môn.

Riêng hai HLV trưởng người Nhật ở Đội tuyển bóng đá nam/nữ quốc gia thì rõ ràng cả dấu ấn lẫn thành tích để lại đều không như mong đợi. Thuyền trưởng Toshiya Miura ở Đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam thậm chí còn gặp phải những làn sóng chỉ trích lớn sau khi từ bỏ phong cách bóng đá kỹ thuật để xây dựng một thứ bóng đá lực sĩ mang tính thực dụng châu Âu.

Không biết là tới nhiệm kỳ VIII, vị tân Chủ tịch VFF có rút ra những bài học xương máu từ việc lên chiến lược một cách chủ quan, vội vàng, thiếu hẳn những phản biện khoa học kiểu này hay không? (Ngọc Anh)

Diệp Xưa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/huy-chuong-vang-sea-games-dai-hoi-vff-449704/