Huy động khó giảm, cho vay có hạ?

“Khó hạ được lãi suất huy động vì ngoài căn cứ trên CPI, còn phải tính đến nhân tố tỷ giá” – Phó tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ. Bởi theo vị này, nếu giảm lãi suất huy động sâu quá, nhiều người sẽ chuyển sang nắm giữ USD, gây sức ép lên tỷ giá.

Lãi suất cho vay và tâm tư của doanh nghiệp

Theo giám đốc một doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh Nam Định, mức lãi suất cho vay hiện nay của Việt Nam vẫn còn cao so với các nước trong khu vực nên cũng hạn chế khả năng cạnh tranh với các sản phẩm xuất khẩu. Thực ra, tâm tư này không phải chỉ riêng DN trên mà là mong muốn của bất kỳ người nào đi vay vốn ngân hàng. Nhưng lãi suất cho vay có giảm được hay không còn phụ thuộc, trước hết, vào việc giảm lãi suất huy động.

“Suy nghĩ của DN trên về tâm lý thì đúng. Nhưng thiếu thực tế về lý thuyết kinh tế. Vì ở các nước có mức lãi suất thấp là do lạm phát của họ thấp. Chẳng hạn như lạm phát ở Mỹ hiện nay là 2%, Trung Quốc là 3%. Như vậy, một đất nước lạm phát tính theo năm 7% thì không thể so sánh được với nước mà lạm phát chỉ 2% – 3% được”, một chuyên gia ngân hàng giải thích.

Lãi suất cho vay có thể hạ tiếp nhờ vốn còn dồi dào

Điều hành chính sách tiền tệ, trong đó xác định lãi suất với “liều lượng” nào còn phải dựa trên tổng thể diễn biến của nền kinh tế, đặc biệt là những yếu tố chỉ số vĩ mô. Với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không quá cao từ đầu năm đến nay được xem là thành công trong điều hành của Chính phủ và trên cơ sở đó, NHNN lấy làm căn cứ để điều hành lãi suất huy động.

Mới đây nhất, sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số CPI tháng 6/2013 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 6,69% so với cùng kỳ tháng 6 năm 2012, NHNN đã điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động còn 7%/năm với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống và bỏ trần lãi suất có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Động thái này cho thấy, NHNN đã khá “nhanh tay”, linh hoạt trong việc điều hành lãi suất. Đến nay, lãi suất huy động của các NHTM đều đồng loạt hạ xuống bằng hoặc dưới 7%/năm.

Báo cáo vĩ mô tháng 7/2013 của Bộ phận nghiên cứu – phân tích Công ty TNHH Chứng khoán NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho thấy, lãi suất huy động tiếp tục ổn định và chiều hướng giảm nhẹ khoảng 0,5%-1% ở các kỳ hạn. Trong đó, mặc dù mức trần cho kỳ hạn dưới 6 tháng đối với VND là 7% năm nhưng đa số các NHTM áp dụng mức 6,5%, lãi suất cho kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5-7% năm và kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5-8% năm.

Cụ thể, qua điều hành công cụ lãi suất của NHNN, đến nay thông tin trên trang tin điện tử của các NHTM cho thấy: lãi suất huy động VND kỳ hạn 3 tháng tại Vietcombank là 6,6%/năm; BIDV, VPBank, SeABank và HD Bank ở mức 7%/năm… Còn lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm của BIDV và SeABank ở mức 8%/năm, của VPBank 8,8%/năm, HDBank là 9,5%/năm.

Không còn dư địa cho hạ trần lãi suất?!

Sau diễn biến chỉ số CPI tháng 7/2013 được công bố tăng 0,27% so với tháng 6/2013, nhưng so với cùng kỳ năm 2012 tăng tới 7,29% và mức tăng 7 tháng đầu năm đã lên mức 6,81%. Theo TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, chỉ số CPI đến thời điểm này đã xấp xỉ 7% so với cùng kỳ, bên cạnh đó, theo mục tiêu điều hành của Chính phủ thì lạm phát cả năm nay khoảng 7%. “Chính vì vậy, không còn dư địa cho hạ trần lãi suất” – ông Ánh nhận định.

Hạ lãi suất huy động cũng làm tăng cầu tiêu dùng

Thực tế lâu nay, người dân đã quen với việc lãi suất tiền gửi bao giờ cũng phải “thực dương” họ mới gửi tiền vào ngân hàng. Hiện, trong khi lạm phát đã ở mức 6,81% (so với cùng kỳ năm 2012) mà trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng là 7%/năm, nên mức “dương” của lãi suất rất nhỏ.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia ngân hàng, hiện nay, lãi suất đã tiệm cận với mức của năm 2007 - là thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy thoái kinh tế trong nước. Đặc biệt, theo giải thích của NHNN về lý do chưa bỏ trần lãi suất huy động là bởi với hệ thống ngân hàng không đồng đều thì lãi suất huy động ở mức 7%/năm còn trở thành cái “neo” cho việc cân đối vốn huy động.

“Khó hạ được lãi suất huy động vì ngoài căn cứ trên CPI, còn phải tính đến nhân tố tỷ giá” – Phó tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ. Bởi theo vị này, nếu giảm lãi suất huy động sâu quá, nhiều người sẽ chuyển sang nắm giữ USD, gây sức ép lên tỷ giá.

Một nhận định khác của VCBS, có thể làm cho vị giám đốc ở Nam Định nhắc đến đầu bài viết có tăng thêm nghị lực tiếp tục sản xuất: “Khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay nhiều khả năng sẽ được thu hẹp, sau khi lãi suất huy động được duy trì ổn định ở mức thấp hợp lý”. Dự báo trên là có cơ sở, nhất là khi thanh khoản dồi dào, tín dụng không tăng trưởng được như kỳ vọng, nhiều ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay.

Lãnh đạo một Vụ chức năng của NHNN cho biết, 6 tháng đầu năm NHNN đã linh hoạt giảm lãi suất huy động và cho vay đồng thời chỉ đạo các NHTM hạ lãi suất với các khoản vay cũ. Nếu không có biến động đột biến của CPI thì mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, diễn biến của CPI hiện nay rất khó lường và không thể chủ quan. Vì vậy việc hạ tiếp lãi suất rất khó xảy ra.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/s26/-/journal_content/huy-dong-kho-giam-cho-vay-co-ha