Huy động lợi thế của truyền thông xã hội

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển in-tơ-nét cao nhất thế giới với hơn 32 triệu người sử dụng, chiếm tỷ lệ 35% tổng số dân. Trong đó, Facebook hiện đang là mạng xã hội được ưa chuộng nhất với hơn 30 triệu tài khoản đã được kích hoạt.

Mỗi ngày ước tính có 20 triệu người Việt Nam sử dụng và dành tới 2 giờ 30 phút để “dạo chơi” trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. Bình quân mỗi tháng, có 30 triệu người dân Việt Nam dùng Facebook, trong đó có 27 triệu người truy cập qua thiết bị di động. Cùng với Facebook, các mạng xã hội khác như Youtube, My Space, Twitter... giờ đây cũng không còn xa lạ. Với khả năng liên kết và tính tương tác hai chiều gần như tức thời, mạng xã hội đang tạo ra những thách thức lớn cho truyền thông truyền thống với những lợi thế về khả năng chia sẻ, lan tỏa thông tin và phản hồi tức thì.

Thời gian gần đây mạng xã hội đã được một số cơ quan, đơn vị sử dụng trong những chiến dịch truyền thông đòi hỏi sự liên kết, tương tác lớn nhằm thu về hiệu quả tuyên truyền tốt nhất. Trong đó, đi đầu phải kể tới lĩnh vực du lịch. Tháng 8 vừa qua, Tổng cục Du lịch phối hợp Công ty Vntrip.vn phát động dự án “Super Selfie” - chụp ảnh từ khoảng cách xa nhằm góp phần quảng bá hình ảnh và thúc đẩy tăng trưởng cho du lịch Việt Nam. Các máy ảnh lớn cho phép người chụp lấy được toàn khung cảnh với chất lượng ảnh cao được đặt tại các điểm du lịch cần quảng bá. Ảnh sẽ do du khách tự chụp và tự động kết nối, đăng tải trên Facebook của chương trình và Facebook cá nhân, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng về các điểm đến du lịch Việt Nam. Dự án này đang thực hiện thí điểm tại Hà Nội và sắp tới sẽ được triển khai trên quy mô lớn. Mới đây nhất, Tổng cục Du lịch cũng đã khởi động chương trình quảng bá du lịch quốc gia mang tên #WhyVietnam. Theo đó, #WhyVietnam cho phép những người tham gia cùng chia sẻ hình ảnh đẹp nhất về Việt Nam trên Facebook với hashtag (công cụ giúp tập hợp nhiều thông tin lại với nhau) #WhyVietnam kèm lời tựa thể hiện lý do vì sao muốn đến Việt Nam hay vì sao yêu Việt Nam..., từ đây truyền đi thông điệp về một nước Việt Nam tươi đẹp, năng động, thân thiện, mến khách. Để thu hút cộng đồng, ban tổ chức còn huy động sự tham gia của những người nổi tiếng, có lượng người theo dõi trên mạng xã hội cao, có phần thưởng cho người tham dự và tổ chức thành cuộc thi ảnh đẹp trực tuyến dựa vào lượt like và bình luận...

Có thể thấy, khi mà e-marketing (tiếp thị điện tử) đang trở thành xu hướng phổ biến thì việc tiếp cận công chúng thông qua các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội là hướng đi tích cực, thể hiện sự linh hoạt, nhanh nhạy của ngành du lịch trước xu thế truyền thông hiện đại. Hướng đi này cũng giúp thông tin chuyển đi mang tính mở và thân thiện hơn, là gợi ý để các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân cũng như đo lường mức độ hưởng ứng của công chúng đối với chiến dịch truyền thông. Thí dụ, ngành y tế có thể mở kênh thông tin trên mạng xã hội tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân; ngành điện giúp người sử dụng mạng xã hội tra cứu tiền cước hằng tháng, nhắc lịch ghi điện, lịch cắt điện, cẩm nang sử dụng điện an toàn, cảnh báo cháy nổ trong mùa mưa lũ…; kịp thời lắng nghe, xử lý phản hồi của người dân. Để làm được điều này, ngoài sự chuẩn bị tốt nội dung truyền thông, còn cần một đội ngũ nhân sự có hiểu biết, tầm nhìn và kỹ năng ứng xử tốt thông qua mạng xã hội.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là mạng xã hội cho phép người sử dụng tự tạo lập tài khoản, thoải mái bình luận, chia sẻ thông tin, trong khi tính ẩn danh lại cao nên khó tránh khỏi nguy cơ bị giả mạo, ngụy tạo và không loại trừ bị đối tượng xấu lợi dụng đưa những luồng thông tin bất lợi cho nội dung tuyên truyền. Đây có thể xem là thách thức lớn nhất nhưng lại không thể áp dụng chế tài để xử lý các “đối tượng ảo”. Vì vậy khi truyền tải thông tin qua mạng xã hội, các cơ quan, đơn vị cần đưa thông tin minh bạch, rõ ràng; bên cạnh đó, cũng cần có website cùng tên của chương trình truyền thông đăng tải các thông tin chính thức, đây sẽ là cơ sở để cộng đồng mạng đối chứng thông tin. Thêm một điểm nữa cần lưu ý là hiện nay, người dân chủ yếu tiếp cận mạng xã hội thông qua các thiết bị di động. Vì thế, khi thực hiện các chiến dịch truyền thông qua mạng xã hội, các đơn vị cần lưu tâm tới việc tối ưu hóa các tính năng cho di động, sao cho người dân thao tác được một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất, đồng thời, cũng phải quan tâm đến việc bảo mật để bảo đảm an toàn cho người truy cập.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31515202-huy-dong-loi-the-cua-truyen-thong-xa-hoi.html