Hủy khen thưởng Trịnh Xuân Thanh: Truy thu tiền thưởng?

Việc hủy bằng khen, Huân chương của Trịnh Xuân Thanh thì dễ dàng nhưng để truy thu lại số tiền đã khen thưởng rất khó thực hiện.

Khó truy thu tiền thưởng

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam-PVN) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về việc hủy quyết định khen thưởng tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Theo đó, PVN đã triển khai xin ý kiến về việc hủy các quyết định khen thưởng: Huân chương lao động hạng nhất, hạng nhì và danh hiệu Anh hùng Lao động của PVC; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng ba của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC. Số ủy viên đồng ý theo chỉ đạo của Bộ Công Thương là 12/13.

Việc hủy bằng khen, Huân chương của Trịnh Xuân Thanh thì dễ dàng nhưng để truy thu lại số tiền đã khen thưởng rất khó thực hiện.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia bày tỏ nhiều băn khoăn.

Theo ông Tri, Trịnh Xuân Thanh đã vi phạm kỷ luật của công chức nhà nước và bỏ trốn ra nước ngoài nhiều tháng qua. Hiện nay, ông Thanh không có mặt ở Việt Nam nên việc hủy quyết định khen thưởng, huân chương lao động có thể làm được nhưng việc thu hồi Bằng khen, Huân chương hay truy thu lại số tiền thưởng kèm theo là rất khó.

“Việc hủy bỏ quyết định khen thưởng thì dễ. Nhưng theo tôi, quyết định này không có nhiều ý nghĩa. Vì khi ông Thanh bị khuyết điểm thì tất cả những giấy khen bằng khen trước đó đã bị phủ định và không còn ý nghĩa gì cả”, ông Tri nêu ý kiến.

Ông Tri thừa nhận, việc tặng thưởng cho một cá nhân nào đó đều được thực hiện theo số đông, theo tập thể. Vì vậy khi người được nhận khen thưởng mắc phải sai phạm, vi phạm nghiêm trọng như ông Trịnh Xuân Thanh, việc truy xét trách nhiệm cá nhân rất khó.

Trịnh Xuân Thanh tham ô tài sản:Bị can đang ở nước ngoài...

“Quyết định khen thưởng thì có thể hủy được nhưng tiền khen thưởng thì bây giờ ai trả? Ông Thanh đã lấy rồi và bản thân ông ấy đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.

Việc khen thưởng này chứng tỏ quy trình của chúng ta đã lỗi. Tuy nhiên, việc này dây mơ dễ má rất nhiều người. Vì theo quy định, phải có hội đồng thi đua khen thưởng ở cấp địa phương. Họ sẽ lập danh sách lên rồi biểu quyết, đề nghị. Cấp trên sẽ dựa vào tờ trình để thẩm định, xét duyệt rồi đề nghị tiếp lên cấp khen thưởng. Tất cả đều thông qua hội đồng, số đồng nên rất khó quy trách nhiệm cho một ai”, ông Tri nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Thu Ba - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội cũng thừa nhận việc truy thu số tiền đã khen thưởng đối với cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh rất khó và phức tạp hơn so với việc hủy quyết định đã ký.

Tuy nhiên bà Thu Ba lưu ý, ông Thanh hiện nay không chỉ phạm tội hành chính mà còn bị khởi tố hình sự về tội tham ô tài sản. Cơ quan điều tra đang củng cố thêm bằng chứng để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Hủy khen thưởng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, chúng ta vẫn phải làm còn việc truy thu tiền khen thưởng thì phải chờ thêm. Tôi nghĩ số tiền này cũng không nhiều, mang ý nghĩa tượng trưng là chính. Khi ban hành quyết định hủy khen thưởng với ông Thanh thì cần ban hành kèm theo nội dung thu hồi các khoản vật chất.

Sau này, khi ông Thanh bị bắt, tội danh tham nhũng, tham ô rõ ràng, chúng ta sẽ tiến hành phát mại tài sản. Lúc đó cơ quan nhà nước sẽ trừ số tiền ông Thanh đã nhận từ các khen thưởng trước đó và nộp trả lại ngân sách nhà nước”, bà Thu Ba nêu quan điểm.

Quy trách nhiệm cá nhân gắn với trách nhiệm vật chất

Với nhiều năm công tác của mình, bà Lê Thị Thu Ba khẳng định trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh không phải là cá biệt. Trước đó chúng ta cũng thu hồi nhiều bằng khen, giấy khen, Huân chương lao động của các cán bộ, viên chức nhà nước. Tuy nhiên, do Luật còn nhiều hạn chế nên đều không thể lấy lại số tiền đã thưởng.

“Việt Nam chủ yếu hành xử theo kiểu dĩ hòa vi quý là chính nên khó xử lý. Chỉ có khi trường hợp nào vi phạm nhiều quá thì mới tiến hành xử lý cá nhân, còn không đều quy trách nhiệm tập thể. Đó là một lỗ hổng lớn trong quy trình khen thưởng của Việt Nam”, bà Thu Ba khẳng định.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng cần phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng trên bằng cách quy trách nhiệm cho những người tham mưu, đưa tờ trình đề nghị khen thưởng.

“Nếu xử lý tôi đề nghị quy trách nhiệm thẳng những người tham mưu, đưa tờ trình. Khi trình thì các cơ quan này phải xác thực, thẩm định, thẩm tra kỹ. Còn khi đã đưa lên cấp cao hơn, người ta sẽ dựa chủ yếu vào tờ trình của cấp dưới để xét duyệt”, bà Thu Ba kiến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tri đề nghị Luật phải bổ sung, sửa đổi bằng cách gắn trách nhiệm cá nhân trong trường hợp người được khen thưởng mắc khuyết điểm, sai phạm để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ.

“Phải quy trách nhiệm rõ ràng và nếu cần phải xử lý hội đồng khen thưởng. Bởi vì khi đề nghị khen thưởng là phải thông qua hội đồng. Khi hội đồng để xảy ra sai phạm thì lỗi không phải một cá nhân. Ngoài ra phải xử lý cả người thẩm định. Vừa rồi Thủ tướng cũng có kỷ luật khiển trách bà Trần Thị Hà Trưởng ban thi đua khen thưởng Trung ương và Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên cần phải gắn với trách nhiệm về vật chất. Cơ quan, cá nhân nào làm sai phải bỏ tiền cá nhân ra để trả lại ngân sách. Ở Trung Quốc nhiều năm qua gắn với vật chất và đã làm rất tốt việc này”, ông Tri nêu quan điểm.

Hoàng Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/huy-khen-thuong-trinh-xuan-thanh-truy-thu-tien-thuong-3331746/