Hủy quyết định áp dụng biện pháp tạm thời với báo Giao thông

Cho rằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhiều thành viên trong Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định một cách thận trọng, chặt chẽ, không để các cá nhân, tổ chức lợi dụng.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh TANDTC trình bày tờ trình về Dự thảo Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.

Ngày 29/3, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã họp phiên toàn thể để nghe và thảo luận về Tờ trình Dự thảo Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện. Dự thảo luật này do TAND Tối cao xây dựng. Đây cũng là một nội dung đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi thẩm phán TAND quận 5, TP.HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Báo Giao thông.

Theo đó, TAND quận 5 buộc báo Giao thông không đăng tải trên báo mạng, báo giấy hoặc các hình thức báo khác các bài báo mới liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề có dấu hiệu "xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước" trong quá trình giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, đến ngày 29/3, tòa án đã hủy quyết định trên.

Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những phương thức hữu hiệu để kịp thời bảo toàn tài sản, bảo vệ chứng cứ, giảm thiểu hậu quả góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, xung đột giữa các bên trong các giao dịch dân sự; đồng thời bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC cho hay, hiện nay có nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân phát hiện thấy tài sản, quyền tài sản của mình đang bị xâm phạm. Nhưng vì lý do khách quan mà họ chưa thực hiện được việc khởi kiện ra tòa án hoặc họ muốn tự thương lương để giải quyết với nhau trước khi quyết định khởi kiện. Nhiều trường hợp cần tòa án hỗ trợ, áp dụng ngay một biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo toàn tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.

Tuy nhiên, qua thảo luận, các thành viên trong Ủy ban Tư pháp đề nghị cần phải hết sức thận trọng với quy định trên. Ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là dự án luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Đây là loại việc mới chưa có thực tiến nên bước đầu cần quy định thận trọng, chặt chẽ.

Ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đăk Lắc cho biết: “Trong thực tiễn xét xử, chúng tôi rất thận trọng khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Bởi biện pháp ấy hạn chế quyền con người, quyền tài sản, quyền cơ bản của công dân. Với lại, nhiều khi được chấp nhận đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn rồi thì đương sự quên luôn vấn đề chính của mình là vụ án”.

Tương tự, Chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chỉnh cho rằng, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên giới hạn chỉ trong tố tụng như hiện tại là phù hợp. Chưa kể, nếu cho phép tách việc áp dụng biện pháp ngăn chặn khỏi việc giải quyết vụ án trong tố tụng thì có thể dẫn tới rủi ro là nó dễ bị lợi dụng để các cá nhân, tổ chức phá rối nhau, chứ không phải để giải quyết tranh chấp.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/huy-quyet-dinh-ap-dung-bien-phap-tam-thoi-voi-bao-giao-thong-1135318.tpo