Huyện Cai Lậy: Kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục phát triển

(ABO) Sáng 11-4, Đoàn công tác của UBND tỉnh Tiền Giang do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh làm Trưởng đoàn đến làm việc với UBND huyện Cai Lậy về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) huyện năm 2024.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tham gia cùng đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Văn Mười; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh...

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình báo cáo tình hình kinh tế - xã hội địa phương những tháng đầu năm.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình báo cáo tình hình kinh tế - xã hội địa phương những tháng đầu năm.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, với nỗ lực của các ngành, các xã, thị trấn và nhân dân trong huyện nên KT-XH những tháng đầu năm 2024 tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt được kết quả khả quan như thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt 45,22% nghị quyết; tổng chi ngân sách toàn huyện đạt 30,99% nghị quyết; số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 483 hộ, chiếm tỷ lệ 0,9%. Bên cạnh đó, tình hình an toàn giao thông trên địa bàn huyện cơ bản giữ vững, chỉ xảy ra 8 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 6 người, bị thương 6 người.

Đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy đề xuất các kiến nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy đề xuất các kiến nghị.

Đến thời điểm hiện tại trong tổng số 23 mục tiêu KT-XH chủ yếu đến cuối nhiệm kỳ đã hoàn thành 7/23 mục tiêu. Đối với mục tiêu thu ngân sách, đến nay đạt 85,8% nghị quyết nhiệm kỳ, còn lại 73,867 tỷ đồng sẽ thực hiện thu đạt nghị quyết nhiệm kỳ trong năm 2024, như vậy mục tiêu quan trọng về thu ngân sách sẽ hoàn thành trước 1 năm so nghị quyết. Đối với 15 mục tiêu còn lại thì có 8 mục tiêu khả năng cao sẽ đạt vào năm 2025 và 6 mục tiêu phải cố gắng mới đạt, 1 mục tiêu khó đạt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng vẫn sẽ đảm tốc độ tăng trưởng.

Lãnh đạo các sở, ngành trả lời các kiến nghị.

Lãnh đạo các sở, ngành trả lời các kiến nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Cai Lậy vẫn còn những bất cập trong việc thực hiện một số chủ trương, chính sách cũng như khó khăn trong đầu tư phát triển KT-XH huyện trong thời gian tới. Để thuận lợi cho huyện trong việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 và những năm tiếp theo, lãnh đạo huyện Cai Lậy có nhiều kiến nghị, đề xuất đến UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh.

Ngành Công an trả lời các kiến nghị.

Ngành Công an trả lời các kiến nghị.

Cụ thể, huyện Cai Lậy kiến nghị UBND tỉnh chủ động hỗ trợ ứng phó với xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 như khoan 2 giếng tầng sâu, bố trí kinh phí cho 26 công trình cống, đập ngăn mặn... Về lâu dài đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương đầu tư 3 cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 (cống Trà Tân, cống sông Ba Rài, cống sông Phú An). Bên cạnh đó, UBND huyện kiến nghị tỉnh quan tâm, sớm hỗ trợ thực hiện các công trình xử lý sạt lở trên địa bàn huyện, gồm 17 công trình, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 26,235 tỷ đồng; đầu tư trung hạn 8 công trình giao thông, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 663,2 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện phát triển KT-XH trên địa bàn huyện.

Huyện cũng kiến nghị tỉnh có kế hoạch đầu tư hệ thống ô bao bảo vệ vườn cây ăn trái trên diện rộng, nhất là hệ thống cống đập, ô bao bảo vệ diện tích cây ăn trái của xã Tân Phong và Ngũ Hiệp. Đặc biệt, kiến nghị các sở, ngành tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ huyện về công tác đầu tư công trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Mười, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đề xuất các giải pháp.

Đồng chí Nguyễn Văn Mười, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đề xuất các giải pháp.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có nhiều ý kiến trả lời cụ thể đối với từng kiến nghị của lãnh đạo huyện; đồng thời, đề xuất các hướng giải quyết, các giải pháp giúp huyện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khai thác lợi thế của địa phương.

Đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh định hướng các giải pháp.

Đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh định hướng các giải pháp.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo huyện Cai Lậy. Lãnh đạo huyện đã rất mạnh dạn, làm được nhiều việc với nhiều ý tưởng, cách làm mới, đáng biểu dương trong công tác phòng, chống sạt lở và phòng, chống hạn mặn. Qua đó, người dân đã rất an tâm với các giải pháp của huyện đề ra.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị lãnh đạo huyện tiếp thu ý kiến của đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Mười, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy tập trung triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" trong thực hiện các chỉ tiêu tạo đà cho năm 2025, nhằm góp phần để hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận và chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận và chỉ đạo tại hội nghị.

Đối với việc xây dựng NTM, huyện tiếp tục rà soát lại các chỉ tiêu theo bộ tiêu chí mới (2021 - 2025) từng bước nâng chất cho hoàn chỉnh. Địa phương tăng cường quy hoạch về đất đai, quy hoạch sử dụng phù hợp với quy hoạch của tỉnh, đặc biệt là rà soát lại đất bãi bồi.

Về đề xuất nguồn vốn thực hiện các dự án, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và luôn mong muốn có nguồn phân bổ cho các huyện thực hiện các công trình dự án để phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, do ngân sách có hạn nên cần ưu tiên các dự án bức xúc trước, mong lãnh đạo huyện chia sẻ với tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị, lãnh đạo huyện cần xác định tiềm năng lợi thế, nguồn lực để khai thác và kêu gọi thu hút đầu tư; chủ động trong mời gọi đầu tư, cấp nào thì cấp đó chủ động, các sở, ngành tập trung hỗ trợ địa phương.

Địa phương tiếp tục xây dựng phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho cây sầu riêng. Xác định nguyên nhân bệnh trên cây ăn trái nói chung và đối với cây sầu riêng nói riêng. Đặc biệt, cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân trong việc bán nông sản, đặc biệt là với trái đặc sản sầu riêng sao cho phù hợp, giữ thương hiệu cho trái sầu riêng của vùng. Các ngành cần bổ sung quy chế phối hợp trong việc quản lý mã số vùng trồng cây ăn trái, đề nghị thanh tra, kiểm tra các cơ sở thu mua nông sản, thu mua sản phẩm không đạt chất lượng…

TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202404/huyen-cai-lay-kinh-te-xa-hoi-nhung-thang-dau-nam-2024-tiep-tuc-phat-trien-1007683/