Huyền Chip: 'Tôi muốn mình tốt hơn ngày hôm qua'

Hơn ba năm im lặng sau những búa rìu dư luận về cuốn sách 'Xách ba lô lên và đi', Huyền Chip xuất hiện trở lại chín chắn hơn với 'Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford'.

- Từng gặp sóng gió vì viết sách, điều gì khiến Huyền tiếp tục ra mắt sách?

- Tôi gặp tai tiếng khi ra mắt Xách ba lô lên và đi. Nhưng tai tiếng giúp mình nhận ra sai sót, giúp mình tiến bộ hơn. Điều đó không có nghĩa mình phải ngừng việc viết lại.

Tôi thích viết, và muốn chia sẻ với mọi người. Cuốn sách này viết từ hè 2015. Viết xong thì bận quá. Chần chừ mãi, giờ có chút thời gian rảnh trong một tuần thì sửa xong và gửi bản thảo.

Cuốn sách này tôi viết về Stanford – nơi có những người xuất sắc. Họ tập trung giải quyết những vấn đề có thể thay đổi cuộc sống. Bởi thế tôi thấy câu chuyện của mình trước đây thật nhạt nhẽo.

Sách Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford mới xuất bản.

- Điều gì khiến cô gái tốt nghiệp trung học không chọn vào đại học, cứ cao hứng là xách ba lô lên đi vòng quanh thế giới, nay lại đặt ba lô xuống Viện Đại học Stanford?

- Từ khi học xong cấp ba, tôi quyết định không học đại học mà đi làm ở Malaysia và đi du lịch. Nhưng sau những ồn ào, tôi thấy mình có nhiều thiết sót cần phải học.

Giờ nhìn lại thấy hồi đó tôi rất trẻ con, hiếu thắng. Hồi đó có nhiều chuyện nhỏ nhặt, góp lại thành lớn, mà lỗ hổng kiến thức khiến tôi chưa có khả năng tranh biện chặt chẽ… Vì thế tôi muốn đi học.

- Quay lại thời điểm sóng gió khiến Huyền quyết định quay lại học tập, đó có phải là khoảng thời gian khó khăn với Huyền?

- Đó là khoảng thời gian khó khăn. Nó ảnh hưởng rất lớn tới tôi. Tôi suy sụp, tóc rụng thưa đầu, không ngủ được. Trên mạng thì tranh luận trái chiều, có những người không quen biết gửi tin nhắn chửi rủa, thóa mạ…

Khó khăn hơn cả cho gia đình tôi. Bố mẹ tôi ở quê, nuôi con từ nhỏ, bỗng một ngày thấy những lời không hay trên mạng về con. Mẹ đi chợ cũng bị người ta xì xào bàn tán. Em của tôi đến trường bị bạn bè trêu chọc. Mẹ tôi còn nói không biết nên sống thế nào.

Hồi đó nhiều người nói tôi đáng bị như thế. Với tôi cuộc sống sẽ trôi, mình cứ tập trung làm việc của mình thì sẽ qua. Tôi chấp nhận lời nói về mình, nhưng những người thân của tôi, bố mẹ, bà nội hay bà ngoại có đáng bị như thế không?

- Với anh Trần Ngọc Thịnh – người phát ngôn mạnh mẽ nhất, đưa ra những nghi vấn về chuyến đi của Huyền, Huyền nghĩ gì?

- Huyền tôn trọng Thịnh. Thịnh không ảnh hưởng nhiều đến Huyền. Anh ấy dám đưa ra tên tuổi của mình ra để nói, chịu trách nhiệm trước phát ngôn. Huyền chỉ sợ những người không có căn cứ, chỉ ùa vào nói những lời không căn cứ.

Tôi trân trọng những ý kiến của mọi người khi chỉ ra cái sai của mình. Tôi chỉ sợ những người lăng mạ mà không có căn cứ.

- Huyền làm cách nào để vượt qua tâm bão đó?

- Thời gian đi qua, chuyện đó là quá khứ. May mắn tôi không nghĩ nhiều về quá khứ, chỉ nghĩ về mục tiêu. Mình thiếu sót gì, thì tập trung làm điều đó. Tập trung vào làm thì mọi chuyện sẽ qua.

Cũng may bạn bè gia đình tôi hiểu và thông cảm. Cả những người xa lạ cũng gửi lời động viên. Có thời gian tôi không đọc tin tức gì, chỉ tập trung vào học.

Sau ba năm đi làm, tôi thấy mình nếu cứ làm như vậy thì khó để học hỏi thêm, nên muốn con đường học tập rộng mở hơn

Tôi muốn mình tốt hơn ngày hôm qua.

Huyền Chip trong một lần đi trượt tuyết. Ảnh: FBNV.

- Để nhận học bổng của trường Stanford, Huyền Chip gặp những khó khăn gì?

- Các trường ở Mỹ có những quy trình rõ ràng. Đầu tiền, phải thi những môn như Toán, Viết luận, Từ vựng. Những môn đó lâu rồi tôi không thi cử gì, nên khó.

Tôi cũng băn khoăn mình học trung học xong không học tiếp mà ngắt quãng đi làm, đi chơi, liệu có gặp khó khăn gì không. Tôi viết email hỏi, bất ngờ là trường trả lời. Tôi nộp đơn, thi và được nhận.

Được nhận, tôi vui và ngạc nhiên, vì nơi đây mỗi năm nhận khoảng 40.000 hồ sơ. Ngoài kiến thức, ứng viên cần nhiều yếu tố như hoạt động xã hội nữa.

- Môi trường ở Stanford có gì hấp dẫn Huyền?

- Đó là một môi trường tuyệt vời để học. Những người đang học ở đó rất giỏi. Họ trẻ, chín chắn, nhiều đam mê. Tôi có những người bạn là chủ tịch câu lạc bộ nghiên cứu vũ trụ, có bạn là thần đồng cờ vua, hay bạn khác vừa bán công ty khởi nghiệp…

Họ làm những việc ý nghĩa như nghiên cứu để giúp hàng trăm nghìn bệnh nhân ung thư với phương pháp trị liệu hiểu quả. Người khác thì tìm ra cách cắt giảm chi phí lắp đặt và tiêu thụ năng lượng mặt trời…

Quá trời người giỏi! Tôi 17 tuổi đi các châu lục thì có thấm gì so với họ.

Ngoài bạn bè, các giáo sư ở đó cũng tuyệt vời. Họ là những giáo sư đầu ngành thế giới nhưng vẫn dành thời gian quan tâm tới từng sinh viên.

- Huyền có thể chia sẻ về ngành học của mình ở Stanford?

- Tôi đang là sinh viên năm ba. Tôi học ngành Khoa học máy tính, nghiên cứu chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo. Tôi cũng vừa được nhận vào chương trình thạc sĩ của trường. Tôi sẽ học song song hai chương trình, tới 2018 thì hoàn tất.

Ngành trí tuệ nhân tạo hiểu nôm na là máy tính không chỉ tự động hóa những gì con người đã làm. Nó khiến máy tính có thể suy nghĩ được như con người.

- Tại sao Huyền lại chọn ngành học này?

- Vì nó rất thú vị. Tôi thấy rất nhiều vấn đề trên thế giới được giải quyết bằng nó. Tôi không muốn mình tụt lại phía sau.

Ban đầu tôi cứ nghĩ mình đi chơi nhiều quá rồi, khó mà quay lại học được. Nhưng giờ tôi thấy mình học ổn, thấy đi học rất "sướng".

Ngoài học, tôi làm trợ giảng cho các khóa học lập trình ở trường.

- Mục tiêu và mong muốn của Huyền hiện nay là gì ?

- Tôi muốn học lên tiến sĩ, quyết định đi theo con đường nghiên cứu.

Ba năm ở Stanford tôi nhận ra mình chưa làm được gì có ý nghĩa, mình chưa có đóng góp gì. Tôi muốn làm gì đó có ý nghĩa. Người ta bảo khi chết đi hãy để lại cái gì đó tốt đẹp hơn cho thế giới trước khi mình sinh ra mà.

Giờ tôi sống có trách nhiệm hơn. Đến tuổi hết trẻ con thì thành người lớn.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/huyen-chip-toi-muon-minh-tot-hon-ngay-hom-qua-post706871.html