Huyền Chip vẽ đường cho người trẻ chạy đến… Stanford!

Sau những ồn ào xung quanh câu chuyện “Xách ba lô lên và đi”, tên tuổi của Huyền Chip dường như biến mất hoàn toàn trên truyền thông Việt. 3 năm sau, cô gái cá tính trở về mang theo những câu chuyện “lạc lối ở Stanford” vô cùng thú vị. Những khó khăn nơi xứ người cùng giấc mơ du học của sinh viên Việt Nam sẽ được khắc họa đầy đủ trong cuốn sách “Giấc mơ Mỹ - đường đến Stanford” - ấn phẩm đánh dấu sự trở lại của cô nàng “hiện tượng” sau 3 năm “mất tích” ở nước Mỹ.

Trưởng thành sau những thị phi

Ngày 17/12, sự kiện ra mắt cuốn sách “Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford” đã diễn ra tại Trung tâm Văn Hóa Pháp L’espace 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại buổi tọa đàm, tác giả Huyền Chip đã có những giây phút trải lòng về những khó khăn từng phải vượt qua về những thị phi trong quá khứ.

Cô tâm sự, quãng thời gian cuối của những ồn ào là thời kỳ khó khăn hơn hết thảy. Những bình luận ác ý trên mạng xã hội không chỉ tác động tiêu cực đến bản thân cô mà còn gây ra cho gia đình và những người xung quanh rất nhiều phiền toái. Tuy nhiên, cho đến bây giờ tác giả trẻ vẫn không cho rằng bản thân mình phải vượt qua những khó khăn đó, tất cả đơn giản là những điều tất yếu của cuộc sống, khi biết vứt bỏ tất cả phiền muộn để tập trung vào công việc thì những tất cả khó khăn ngày hôm qua sẽ lùi vào quá khứ. Cô cũng học được rất nhiều bài học đằng sau những ý kiến đóng góp của mọi người, đó cũng chính là động lực giúp cô lấy lại niềm tin, lấy lại sự ủng hộ và công nhận của độc giả.

Quãng thời gian ồn ào cũng khiến Huyền Chip trưởng thành hơn. Đối với cô việc mong muốn quay trở lại quá khứ chưa bao giờ xuất hiện trong từ điển sống của bản thân mình, đó là việc không thể xảy ra, nếu chỉ biết đến “giá như” thì con người đã bỏ lỡ cơ hội để thay đổi và trưởng thành, để có một cái nhìn lớn hơn và bao dung hơn về cuộc sống.

Tâm sự rằng bản thân ba năm trước đã từng quá ương bướng khi cố gắng đối đầu với đám đông, Huyền có lẽ đã bình yên hơn và gia đình, bạn bè cô cũng thoát khỏi những đau buồn, lo nghĩ không đáng có. Cô từng cho rằng bản thân không cần phải nghe theo lời của bất cứ ai, không cần đón nhận hay giải thích về sự hoài nghi của người khác dành cho mình. Ba năm ở Stanford đã khiến “hiện tượng” du lịch trưởng thành hơn. Cô kể lại trong một buổi phỏng vấn báo chí, khi được phóng viên hỏi về văn bằng chính thức của cô tại Stanford, Huyền Chip đã vui vẻ và sẵn lòng đưa bằng chứng. Đó là một sự trưởng thành mang tính bước ngoặt phải đánh đổi bằng việc trải qua những cú sốc đầu đời tai hại.

Với Huyền Chip, Stanford không phải là nơi cô chạy chốn dư luận hay là phương tiện để thể hiện bản thân, công kích bất kỳ ai. Tác giả trẻ nộp đơn lần hai sau một lần đã bị từ chối trước đó, cô cho rằng việc được đi du học ở một nền văn minh như Mỹ đã giấc mơ của bản thân từ rất lâu chứ không phải là một sự bốc đồng, tự phát mang tính thể hiện mình sau những cú vấp gã trước đó.

Stanford trong con mắt của du học sinh Việt

Huyền Chip cho rằng, quy trình tuyển sinh của Stanford hay bất cứ ngôi trường khác của nước Mỹ khác hoàn toàn so với quy trình tuyển sinh tại Việt Nam. Đó là một môi trường tuyển sinh toàn diện chứ không phải chỉ quan tâm đến điểm số: yêu cầu cả học bạ, điểm, bài luận, thư giới thiệu và hoạt động xã hội. Chính vì vậy, đây là một môi trường cạnh tranh rất khắc nghiệt.

Tuy nhiên, điểm chung của các sinh viên theo học ở Stanford chính là việc các bạn gần như biết hết bản thân muốn gì và đề có quyết tâm thể hiện bản thân để theo đuổi những đam mê đó.

Tại ngôi trường, các sinh viên được trao cơ hội rất bình đẳng, không có sự phân biệt giữa những sinh viên nổi tiếng hay những sinh viên bình thường. Và mặc dù khá nổi tiếng tại Việt Nam, Huyền Chip vẫn cảm thấy sự nổi tiếng chưa đóng góp cho xã hội là một điều rất phù phiếm. Chính vì thế, Stanford là một môi trường rất phù hợp với cô, đó là nơi không sinh viên nào biết cô là ai và ở đây cô có quyền tự do được theo đuổi mơ ước của mình.

Quá trình học tập ở ngôi trường Top đầu thế giới đã cho Huyền rất nhiều những trải nghiệm mới mẻ, những cách nhìn nhận rất khác so với môi trường giáo dục ở Việt Nam. Cô cho biết: sinh viên Stanford rất coi trọng việc quản lý thời gian. Chính vì thế, để tôn trọng thời gian của người khác, sinh viên trong trường thường không gọi điện cho ai. Thông thường sinh viên học 60 tiếng một tuần, đối với các sinh viên đăng ký tín chỉ tối đa như cô sẽ phải học tới 80 tiếng một tuần. Chính vì vậy, việc hẹn bạn bè để nói chuyện phiếm là một điều rất đỗi xa xỉ. Thời gian các sinh viên gặp nhau chỉ để học bài cùng nhau, nói chuyện nghỉ ngơi, sau đó lại tiếp tục làm bài tập.

Tác giả trẻ cũng cho rằng chính áp lực học tập cùng tâm lý ngại nói chuyện đã khiến việc khủng hoảng ở Satanford trở nên trầm trọng. Ở đây, mọi người đều cảm thấy cô độc, áp lực thời gian, áp lực học tập và điểm số đã khiến cô và rất nhiều bạn trẻ khác đôi khi rơi vào trạng thái suy sụp. Việc phải tự trải qua những cơn khủng hoảng kéo dài khiến tinh thần của các sinh viên đi xuống. Những người học tại những ngôi trường ở nước Mỹ cũng thường giấu kín tất cả những vấn đề của bản thân. Họ thường xuất hiện một cách rất điềm tĩnh, bình thản nhưng kỳ thực lại đang rất bất ổn. “Hội chứng con vịt” tại những ngôi trường danh giá ở nước Mỹ đã hình thành nên môi trường rất khắc nghiệt. Ở Stanford, phòng tâm lý luôn đông ngịt người và đây cũng là ngôi trường có tỉ lệ tự tử khá cao.

Từ “hiện tượng” phượt đến thạc sĩ trí tuệ nhân tạo

Nói về việc lựa chọn Stanford, Huyền Chip nói rằng lý do cô chọn môi trường này vì đây là nơi rất gần với thung lũng Silicon - thánh địa khởi nghiệp. Huyền Chip kể lại, ở Stanford, hầu hết sinh viên đều có công ty khởi nghiệp. Thậm chí, nhà trường còn có các quy định cấm sinh viên mở văn phòng công ty và điều hành công việc trong ký túc xá.

Lựa chọn đầu tiên của tác giả “Xách balo lên và đi” là theo đuổi ngành học về khoa học xã hội để thỏa mãn niềm đam mê viết lách. Tuy nhiên, sau khi đăng ký học 8, 9 ngành khác nhau trong học kì một, cô mới quyết định học về khoa học máy tính, nơi cô cảm thấy mình có đam mê theo đuổi nhất. Sau đó, cô đăng ký làm trợ giảng của ngành học này và bắt đầu làm quen với nhiều giáo sư và các trợ giảng khác có chuyên môn cao, việc đăng ký tham gia các dự án trong trường cũng khiến Huyền Chip có động lực để theo đuổi những đam mê của mình. Hiện tại, tác giả đang theo học chuyên ngành xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Nói về cuốn sách mới ra mắt “Giấc mơ Mỹ - đường tới Stanford”, Huyền Chip nói rằng cô không viết cuốn sách này với mục đích để nổi tiếng. Đối với cô, tai tiếng của hai cuốn sách cũ đã quá đủ, cô cũng phủ nhận bản thân viết sách để kinh doanh. Ở Việt Nam, gần như chưa có ai viết sách mà có thể giàu được. Số tiền nhận được từ viếc viết sách không bằng một kỳ thực tập của tác giả trẻ ở Mỹ. Cô cũng nhắc đến các email của các độc giả ủng hộ luôn chờ đón cuốn sách thứ ba của cô sau hành trình gian truân của hai cuốn sách trước đó. Đây là động lực rất lớn để cô viết về cuộc hành trình của bản thân ở Stanford. Cô cũng cho rằng việc cho ra đời một cuốn sách mới chính là cơ hội để tác giả được giao lưu, gặp gỡ với các độc giả, được trải lòng những tâm sự với mọi người.

Mặc dù có rất nhiều dự định Huyền Chip muốn thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, tác giả chưa khẳng định chắc chắn việc có quay lại Việt Nam nữa hay không. Cô cho rằng có rất nhiều lý do khiến một du học sinh không muốn về nước. Có thể là vì cơ hội nghề nghiệp, vì tương lai con cái hay đơn giản là khí hậu không phù hợp. Tuy nhiên đối với Huyền, Stanford là nơi cô có cơ hội được làm việc với các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực cô theo đuổi, những điều đó gần như không thể có nếu quay trở lại Việt Nam.

Nói về các dự định tương lai, “cây bút phượt” khẳng định sẽ tiếp tục làm những điều cô ấp ủ trong đó có việc viết một cuốn sách tiếng Anh nói về văn hóa Việt Nam. Cô cho rằng Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những cuốn sách viết về văn hóa thời kỳ đổi mới bởi chính người Việt chứ không phải những cuốn sách của những tác giả nước ngoài viết về văn hóa Việt thời hậu chiến. Đối với việc theo đuổi ngành học trí tuệ nhân tạo, cô ấp ủ cho mình dự định học lên tiến sĩ để có cơ hội được nghiên cứu và thực hành trên lĩnh vực đam mê của mình nhiều hơn.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - người từng lên tiếng bênh vực Huyền Chíp rất nhiều lần sau những ồn ào của hai cuốn sách đã được xuất bản lần trước - cũng xuất hiện tại buổi tọa đàm. Ông dành nhiều lời khen cho tác giả trẻ, trong đó, Giáo sư cảm thấy hạnh phúc khi Huyền Chip đã trưởng thành hơn rất nhiều so với thời điểm 3 năm trước với một tương lai rất tươi sáng. Ông hy vọng cô có thể thành công và đóng góp cho đất nước dù bất kể ở Mỹ hay Việt Nam. Cùng với tâm trạng của những độc giả quan tâm đến những cuốn sách du lịch bụi của Huyền, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hi vọng sắp tới sẽ được đón đọc cuốn sách của cô về hành trình chinh phục Châu Mỹ Latin cũng như cuốn sách của một người trẻ viết về văn hóa Việt.

Cuốn sách mới của Huyền Chip được đánh giá sẽ trở thành một hiện tượng mới sau “Xách ba lô lên và đi”, tạo cảm hứng cho các độc giả trẻ có đam mê “dấn thân” vào Stanford.

Phạm Trang

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/huyen-chip-ve-duong-cho-nguoi-tre-chay-den%e2%80%a6-stanford