'Huyện nợ nần' bứt rứt một món nợ với người dân

Hai tiếng “nợ nần” như là nỗi ám ảnh đối với huyện Phước Long (Bạc Liêu). Nhiều đến mức, ám ảnh đến độ hỏi đến ai cũng lắc đầu, chặc lưỡi dẫu rằng hiện tại huyện đã không còn nợ. Lý ra đây là huyện điển hình trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả nước, nhưng do vướng nợ, huyện vô tình trở thành nổi tiếng cả nước.

Cổng chợ hoành tráng dẫn đến nợ nần đến nay mới khắc phục được. Ảnh: N.H

2 năm đã trả xong món nợ trên 400 tỉ đồng

Ông Đặng Tiến Út - Bí thư Huyện ủy Phước Long - bảo chúng tôi “viết gì thì viết, nhưng đừng đề cập đến chuyện nợ nần bởi hiện tại huyện đã trả xong nợ đọng rồi”. Tôi biết, ông ngại va chạm với những người tiền nhiệm. Chỉ trong thời gian chưa quá 2 năm huyện đã trả xong món nợ trên 400 tỉ đồng nên có lắm người không tin dẫu là sự thật!

Thú thật, tôi cũng không tin lắm, bởi ngay thời điểm 2015 toàn huyện nợ đọng xây dựng cơ bản lên đến trên 400 tỉ đồng. Có thời điểm, huyện Phước Long như một đại công trường. Đi đến đâu cũng nghe xây dựng đường sá, nhà văn hóa, cầu cống… một cách vội vàng. Không có tiền trả, huyện tạm ứng các nguồn quỹ khác để thực hiện. Có lúc lên đến gần 300 tỉ đồng. Ngay cả nguồn chi cho sự nghiệp y tế giáo dục đào tạo cũng tạm ứng đến 20 tỉ đồng; cả tiền xây dựng nhà tình nghĩa cũng tạm ứng đến 1,4 tỉ đồng. Nhỏ hơn là tiền hỗ trợ hạn mặn có 400 triệu đồng cho người dân cũng được huyện tạm ứng để chi cho xây dựng NTM.

Để bù đắp cho những khoản nợ này, huyện “mượn đầu này lắp đầu kia”. Để có nguồn thông qua quỹ an sinh xã hội, lãnh đạo của huyện lúc bấy giờ vận động người nhà, bản thân cho mượn, cho vay với mục đích có nguồn tiền để chi trả cho những con nợ đòi quá gắt gao.

Huyện “tạm mượn” quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên để chi cho xây dựng cơ bản. Khổ nỗi, công trình nhiều, danh sách phải thanh toán cho các nhà thầu ngày càng dày nhưng nguồn lực tài chính lại không có, nên nợ chồng thêm nợ. Hết cách, huyện đành báo cáo thật với lãnh đạo tỉnh. UBND tỉnh Bạc Liêu cho thanh tra, hàng loạt cán bộ bị kiểm điểm, kỷ luật. Kế hoạch cuối năm 2015 công nhận huyện NTM mới đầu tiên của tỉnh đình lại. Thay vào đó, tỉnh chỉ đạo tập trung vào việc thanh toán nợ nần cho huyện Phước Long.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận: “Huyện Phước Long đã hết nợ đọng trong xây dựng cơ bản, trước hết là nhờ sự chia sẻ của các huyện, thị khác. Từ đó, Ban chỉ đạo điều chỉnh nguồn vốn từ chương trình xây dựng NTM các đơn vị khác dồn sức cho Phước Long trả nợ”.

Ngay cả khi có tiền, chuyện thanh toán cho các nhà thầu cũng gặp không ít khó khăn. Bởi có lúc, Phước Long chạy đua nước rút trong khi sức đã kiệt. Muốn về trước người khác lại làm cái chuyện “bơm tăng lực”. Chưa về đến đích đã ngã quỵ do sức cùng lực kiệt. Bởi quá nhiều dự án chẳng có hồ sơ, giấy tờ, thi công trước thủ tục sau. Hoàn thành mà chưa đủ thủ tục theo quy định. Gỡ vướng này, không phải chuyện dễ dàng. Một cán bộ huyện nhìn nhận “Hiện tại còn đến 27 tỉ đồng chưa thanh toán được do vướng các thủ tục cần thiết mà các nhà thầu chưa cung cấp được cho chủ đầu tư. Giờ đã có tiền, nhưng trả cho đúng quy định cũng không phải chuyện dễ...”.

Đến nay, tất cả tiêu chí huyện Phước Long đều đạt, nhưng huyện chưa vội đề nghị công nhân huyện NTM.

Vẫn còn món nợ ân tình

Không phải ngẫu nhiên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới T.Ư chọn huyện Phước Long là một trong năm huyện chỉ đạo điểm. Trước đó, Phước Long đã bứt phá vươn lên từ một huyện khó khăn trở thành huyện khá trong tỉnh. Huyện thuần nông nhưng đường sá được xây dựng khá tốt. Công tác vận động quần chúng cũng được đặc biệt chú ý.

Giai đoạn 2016-2020, huyện tập trung củng cố các tiêu chí đã đạt được. Cho đến tháng 7.2017, hầu hết các tiêu chí đều đạt. Cụ thể, giao thông liên ấp, liên xã, đường trục xã, kiên xã đường trục huyện, đường ngõ xóm đều được xây dựng trên 98%.

Đáng chú ý: Huyện đã xây dựng 213km đường ngõ, xóm, bắc 197 cây cầu cốt thép. Đối với các tiêu chí lao động có việc làm cũng đạt đến 91% (69.060/75.889 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên); huyện đã xây dựng nhiều cánh đồng lớn, tổ hợp tác sản xuất, kiên cố hóa kinh mương được xem là khó nhất, huyện cũng đã thường xuyên nạo vét 103 kênh mương với chiều dài 323km, xây dựng 18 trạm bơm tập trung phục vụ hàng chục ngàn hécta sản xuất. Hộ nghèo của huyện hiện giảm còn chưa tới 3% theo tiêu chí cũ…

Theo ông Lê Văn Tần - Phó chủ tịch UBND huyện Phước Long: “Nói thì nghe dễ vậy chứ bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới không khỏi khó khăn do Phước Long là huyện thuần nông, có đến 78% dân số là nông dân. Làm nông thì khó giàu nhanh được. Tuy nhiên, chúng tôi được thuận lợi là đã có quy hoạch sản xuất cụ thể từng tiểu vùng. Mô hình tôm - lúa được đánh giá bền vững. Sắp tới chúng tôi xin mở rộng thêm mô hình này đối với những nơi có điều kiện”.

Cần phải đi vào thực chất của việc xây dựng nông thôn mới (NTM). Ông Đặng Tiến Út - Bí thư Huyện ủy Phước Long - trầm tư: “Nói thật, xây dựng NTM mà không làm cho quê hương khởi sắc; đời sống của người dân không nâng lên cả vật chất và tinh thần thì dù có công nhận cũng không có ý nghĩa gì”.

Còn nhớ, cách đây 15 năm, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành nghị Chỉ thị 01 về phát triển vườn rau an toàn cho mỗi gia đình. Lúc bấy giờ có nhiều người cho rằng huyện làm chuyện không đâu. Nhưng khi thực hiện mới thấy rằng việc phát triển vườn rau đã thật sự có ý nghĩa đối với bữa cơm gia đình, đến thu nhập của người dân. Lúc ấy, ông Út còn là Phó Bí thư Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo. Ông còn nhớ rõ gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, xã Vĩnh Phu Tây, đông con, không đất sản xuất. Khi huyện phát động trồng rau, bà cuốc đất sân nhà mình trồng rau muống, mồng tơi, rau dền, hành, ớt…Vậy mà có ai ngờ rằng, chưa đến một năm, gia đình bà thoát nghèo từ những luống rau sân nhà.

Kể chuyện này, ông Út trăn trở: “Phát triển kinh tế theo định hướng là chịu rồi, cây lúa, con tôm, công nghiệp là định hướng phải làm. Nhưng trong thực tế có những người ít đất, không đất sống ở nông thôn mà không chú ý đến dịch vụ, thương mại, việc làm thì dù cho rót bao nhiều tiền cũng khó giúp dân thoát nghèo”.

Sau thời gian làm Giám đốc Sở LĐTBXH năm 2016, ông Út quay về Phước Long làm Bí thư Huyện ủy. Hơn ai hết ông hiểu vùng đất, con người ở đây, nên lúc nào cũng mang tâm trạng của người có lỗi với người dân. Lỗi hẹn trong việc công nhận NTM, nhưng theo ông đó không phải là vấn đề quan trọng. Lỗi lớn hơn là chưa giúp cho người dân nơi đây khá hơn dù điều kiện của Phước Long thuận lợi hơn các huyện khác.

Bây giờ Phước Long đã thay đổi từng ngày. Điều đó, ai cũng cảm nhận được khi thường xuyên về đây. Tuy nhiên, những thụ hưởng từ các chính sách liên quan đến an sinh của dân nơi này luôn là ray rứt của lãnh đạo: Đó là người dân chưa tham gia BHYT nhiều, điều kiện học hành chưa thật sự tốt; nếp quê với cách sinh hoạt tự nhiên vẫn còn nhiều…

Vậy là, lại phải vận động người dân ăn, ở có vệ sinh; làm cầu tự hoại, chỉnh trang nhà cửa, chi tiêu hợp lý… những chính sách tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng thiết thực với cuộc sống thường ngày của người dân. Và điều lớn hơn, thậm chí rất lớn là dần dần lấy lại niềm tin của người dân nơi đây để từng bước xóa đi nỗi ám ảnh hai tiếng nợ nần.

Bí thư Huyện ủy Phước Long Đặng Tiến Út: “Xây dựng huyện NTM trước hết là xây dựng cho người dân, cho nông thôn phát triển. Nếu công nhận huyện NTM mà đời sống vật chất tinh thần của người dân không phát triển thì NTM cũng không có ý nghĩa gì”.

Bây giờ, huyện Phước Long không còn vướng nợ nữa, kể cả các tiêu chí về xây dựng NTM cũng đã hoàn thành. Nhưng những cán bộ tại đây vẫn còn “bứt rứt “về món nợ với nhân dân. Đó là lời hứa sớm hoàn thành huyện NTM vào năm 2015.

NHẬT HỒ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su-dieu-tra/huyen-no-nan-but-rut-mot-mon-no-voi-nguoi-dan-685729.bld