Huyền thoại trên dải đất nông trường Than Uyên năm xưa

Để có những vùng đất màu mỡ, đồi chè xanh mướt bát ngát nơi Tây Bắc của Tổ quốc, là sự cống hiến phấn đấu quên mình của biết bao nhiêu thế hệ con người.

Họ đã đổ mồ hôi và trí tuệ, thậm chí cả tính mạng để biến một nơi chỉ có rừng rú, hoang vu heo hút, lạc hậu với khí hậu khắc nghiệt hơn nửa thập kỷ qua – như một kì tích huyền thoại.

Những đồi chè bát ngát tốt tươi hôm nay.

Cách đây 58 năm, vào mùa xuân năm 1959, thực hiện chủ trương của Đảng, và Quân ủy Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc đã quyết định thành lập Trung đoàn 81 – Nông trường Quân đội Than Uyên với 1098 cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam từ các đơn vị: Cục thông tin liên lạc, Cục công binh, các sư đoàn 304, 305, 308,312, 316, 320, 335, 351 và Đại đội Cờ đỏ Quân khu Tây Bắc, do Thiếu tá Hoàng Hoa Thưởng, Chính ủy, Trung đoàn trưởng làm Chủ tịch Nông trường.

Kể từ thời khắc lịch sử ấy, Trung đoàn 81 – Nông trường Quân đội Than uyên bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận mới với cuộc chiến trên mặt trận mới cực kỳ gian nan nhưng rất vinh quang: “Tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn 2 huyện Than Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu vừa lao động sản xuất thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và lao động sản xuất xây dựng cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa xã hội, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh thông nhất đất nước”.

Sau khi hoàn thành những nhiệm vụ ban đầu, ngày 22/12/1960, chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quân đội, Nông trường Quân đội Than Uyên tổ chức Lễ hạ sao cho cán bộ chiến sĩ, kể từ đó họ trở thành những người công nhân xã hội chủ nghĩa trên mặt trận mới – cuộc chiến đấu mới, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, chống đói nghèo.

Vùng đất Nông trường chè Than Uyên ngày ấy, là cả một khu vực hoang vu, chỉ có rừng già và bạt ngàn lau lách phủ kín núi đồi, nơi sinh tồn của muôn loài muông thú, Ai đó đã đặt câu ca dao nghe thật là nghiệt ngã: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên” – Ý khẳng định luôn là khắc nghiệt đến cùng cực, khí hậu ở đây khó chịu đến không thể chịu được vậy… Ấy thế mà vùng đất này được những người nông dân, mặc áo lính, bao năm xông pha ngoài chiến trận chống thực dân Pháp thắng lợi, trở về đây khai phá núi rừng. Chỉ trong một thời gian đã trồng lên mảnh đất này hàng trăm ha cà phê cho ra hoa kết trái, cùng hàng trăm con bò sữa được nước bạn Cu Ba hỗ trợ và đàn cừu có nguồn gốc từ Mông Cổ béo tốt mượt mà, hàng ngàn con lợn và đàn bọ thịt cùng hàng trăm héc ta khoai sắn lúa ngô xanh mượt tốt tươi.

Dải đất Nông trường lúc đó kéo dài trên 90km, từ xã Mường Than huyện Than Uyên – Nghĩa Lộ kéo dài đến xã Tam Đường, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, với diện tích đất tự nhiên trên 20.000ha. Để tiến quân vào mảnh đất này, những người lính của Trung đoàn 81 ngày xưa ấy phả vượt qua chặng đường trên 100km, từ Ga Bảo Hà – Dương Quỳ –Minh Lương rồi đến Mường Than, qua Pắc Ta mới đến xã Thân Thuộc, nơi trung tâm Nông trường.

Con đường mòn ấy đan dày lau lách, qua bao suối sâu, đèo cao, vực thẳm, vượt qua dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, đi bộ cố gắng lắm cũng phải mất 3 ngày đường. Đã có những con người dũng cảm hiến dâng thân mình cho sự nghiệp xây dựng Nông trường, như anh Quách Văn Kim, trên đường vận chuyển hàng bằng ngựa thồ, khi cả đoàn đến Cầu Bám, đoạn Bảo Hà – Dương Quỳ, chẳng may con ngựa củ anh trượt chân rơi xuống suối, anh đã dũng cảm lao xuống cứu hàng cứu ngựa nhưng dòng nước xoáy đã cuốn anh vào trong hang sâu, mãi 7 ngày sau mới tìm thấy xác.

Một điều không thể quên, những người vợ chiến sĩ Trung đoàn 81 ngày ấy, với tuổi xuân phơi phới, bằng tình yêu chống thương con, với niềm tin tưởng vảo tương lai, sẵn sàng tạm biệt quê hương cùng chồng lên xây dựng hạnh phúc trên vùng đất gian khó. Nói về những ngày đàu đó, Nhạc sĩ Thanh Phương đã từng viết:

“Hơn trăm cây số đường rừng
Mẹ gánh con, quyết theo cùng bước cha
Một bên hành lí cả nhà
Một bên con ngủ, ơi à, mẹ ru
Núi cao vực thẳm âm u
Bàn chân rớm máu, mỏi nhừ đôi vai… »

Hơn nửa già thế kỷ qua, những người vợ cựu chiến binh luôn là những người lao động giỏi, lao động sáng tạo, tần tảo chăm sóc chồng con, chung sức chung lòng xây dựng Nông trường phát triển, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Trong lao động sản xuất có nhiều tấm gương lao động quên mình xuất hiện như: kiện tướng đào hố cà phê Phạm Hồng Tời, Phạm Văn Tín, chị Nguyễn Thị Thơm, kiện tướng hái cà phê Nguyễn Thị Hiền, kiện tướng bẻ ngô Trương Thị Liên, Ngô Thị Liên, Nguyễn Thị Nhanh… năng suất lao động có lúc đạt trên 200%. Chiếc bừa cải tiến dệt cỏ của anh Dương Thơ ra đời đã thay sức cho hàng chục lao động thủ công. Vào những năm này (1965-1975), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, toàn nông trường đã nêu cao khẩu hiệu: "Hậu phương thi đua với tiền tuyến", khí thế càng được dấy lên mạnh mẽ. Phong trào thi đua "Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", với những hình ảnh cả Nông trường thức 12 đêm liền thay nhau đi đốt lửa chống sương muối cho cà phê năm 1972- trùng với thời điểm máy bay Mỹ đánh phá Hải Phòng – Hà Nội ác liệt.

Mùa đông năm 1980, trong đêm đông giá lạnh, Đoàn Thanh niên Nông trường tổ chức đi lao động Cộng sản, đổ bê tông tại đập thủy điện Nậm Chăng 2 – 3 đêm liền. Rồi những cuộc huy động lực lượng đoàn viên thanh niên đi gánh trấu đêm, phủ cho 2ha chè cao sản của Đoàn. Quên sao được những buổi lao động cộng sản vào các ngày chủ nhật, mỗi tháng 1, 2 ngày huy động toàn đoàn mở chiến dịch làm con đường mang tên Lê Đình Chinh xuyên vào rừng Hoàng Liên để Nông trường khai thác củi về làm nguyên liệu đốt chế biến chè. Khí hậu Tây Bắc cái nắng khô hanh vào tháng 7, tháng 8 thật khắc nghiệt, không có một giọt mưa đã làm cho hàng chục ha chè cảnh đầu tiên của Nông trường bị héo chè bầu, để khắc phục, Nông trường đã ra khẩu hiệu: "Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa", đêm tối huy động 600 cán bộ, công nhân mang thùng đi xuống suối gánh nước, tưới cho từng bầu chè mới trồng được sống lại tươi tốt cho đến ngày hôm nay.

Trong khi đó đời sống cán bộ, công nhân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về sinh hoạt do hoàn cảnh thời chiến, các chế độ đãi ngộ như tiền lương, lương thực, thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng đều được cung cấp theo tem, bìa phiếu, duy trì theo chế độ bao cấp hơn 20 năm. Đời sống của những người công nhân Nông trường gặp muôn vàn khó khăn. Đã có thời kỳ chao đảo về tư tưởng và ai đó đã đặt ra câu: "Nông trường trâu chết, cà cưa- Công nhân trốn chạy bỏ thưa nông trường".

Khó khăn chồng chất khó khăn, khi "ông trời" chẳng chiều con người mà luôn tạo ra thử thách sức lực con người liên miên, vào những năm thập kỷ 70, đã trút xuống vùng đất vừa được khai hoang này những đêm sương muối, băng giá, phủ trắng đồi, làm cháy trụi 343 ha cà phê đang cho ra hoa kết trái, xóa sạch bao công sức hàng chục năm của hàng ngàn cán bộ, công nhân Nông trường. Những đàn cừu, đàn bò theo đó cũng bị dịch bệnh chết dần…

Sản xuất kinh doanh của Nông trường khi ấy thua lỗ triền miên. Song với tinh thần của người lĩnh cụ hồ năm xưa, tinh thần cần cù, siêu năng, chịu khó, thông minh của con người Việt Nam, không bao giờ chịu khuất phục trước thiên nhiên, giặc giã. Vượt lên tất cả, Nông trường đã định hướng lại cây, con trong sản xuất kinh doanh. Giống chè San tuyết từ vùng Hà Giang được mang về đây trồng phủ kín đồi nương đã cho hiệu quả thấy rõ khi năng suất sản lượng đạt rất cao. Từ khi Nhà nước xóa bỏ cơ chế làm ăn quan liêu bao cấp, chuyển sang khoán sản phẩm, thực hiện nền kinh tế thị trường, Nông trường đã làm ăn ngày càng có lãi. Đời sống của càn bộ, công nhân được cải thiện rõ rệt. Vùng đất hoang vu, nghèo nàn, khắc nghiệt ngày ấy giờ đã thay da đổi thịt, là miền quê đầy tiềm năng, trù phú, tốt tươi.

Ôn lại quãng thời gian, già nửa thế kỳ, đến nay cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 81 người còn, người mất. Những khó khăn, gian truân vất vả của những ngày đầu lên mảnh đất này thật khó nói xuể. Có được cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy như hôm nay, những thế hệ con người đang sống và các thế hệ con cháu mai sau trên mảnh đất đầy mồ hôi, nước mắt ấy sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao của lớp cha, anh đầu tiên tiến quân lên đây khai phá cho nền văn minh này, đó chính là 1098 anh bộ đội Cụ Hồ của Trung đoàn 81 năm xưa – Những con người huyền thoại.
Đinh Mười ghi chép theo Hồi ký của đồng chí Nguyễn Đức Thiều – Nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp Nông trường Quốc doanh Than Uyên.

Đinh Mười ghi chép theo Hồi ký của ông Nguyễn Đức Thiều

Nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp Nông trường Quốc doanh Than Uyên

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/huyen-thoai-tren-dai-dat-nong-truong-than-uyen-nam-xua-p52150.html