Hy hữu: Nhịn đi đại tiện 4 tháng, cậu bé 5 tuổi nôn ra chất thải

Thay vì đi bằng hậu môn cậu bé người Anh đã nôn ra chất thải bằng đường miệng và phải nhập viện phẫu thuật sau 4 tháng nhịn đi đại tiện do ám ảnh bị táo bón.

Cậu bé tội nghiệp trong câu chuyện này mắc phải một rắc rối mà tất cả trẻ em cùng trang lứa đều từng vướng phải: trẻ bị táo bón. Tuy nhiên, vì quá sợ hãi và ám ảnh với nó, em đã khiến mình rơi vào một tình trạng rất nguy hiểm.

Jake Clark, 5 tuổi, sống tại Warrington, Cheshire, nước Anh rất sợ đi vệ sinh. Cậu bé bắt đầu gặp khó khăn trong việc đại tiện từ khi mới 18 tháng tuổi và đã 3 lần phải nhập viện để các bác sĩ dùng biện pháp xử lý phân ứ đọng trong cơ thể.

Cậu bé này đã nôn ra chất thải chỉ vì nhịn đại tiện quá lâu do ám ảnh táo bón. (Ảnh: Kiến Thức)

Mẹ cậu bé chia sẻ: “Jade phát triển bình thường và hoàn toàn khỏe mạnh cho đến khi con được khoảng 18 tháng. Chúng tôi không rõ điều gì đã xảy ra nhưng đột nhiên con từ chối đi vào nhà vệ sinh. Có thể con đã bị đau trong một lần đi vệ sinh và không muốn lặp lại điều đó nữa. Ban đầu khi con bị táo, chúng tôi dùng thuốc thụt nhưng càng ngày, mọi chuyện càng khó khăn và mất kiểm soát”.

Cũng theo người nhà cậu bé, vì mỗi lần đại tiện đều khó khăn và đau đớn nên cậu bé Jade thường cố gắng nhịn. Tuy nhiên, đến một lần không thể nhịn nổi được, nên thay vì đi vệ sinh qua đường hậu môn, cậu bé đã phụt ra bằng đường miệng.

Theo các bác sĩ, gia đình cậu bé đã hoảng hốt đưa con đến bệnh viện và lần này, cậu bé đã nhịn đại tiện trong suốt 4 tháng. Ca phẫu thuật của Jade kéo dài suốt 4 tiếng, trong đó có hơn 2 tiếng để bác sĩ làm sạch phân trong bụng của bé vì quá đầy.

Nỗi ám ảnh chuyện đi vệ sinh trong cậu bé 5 tuổi lớn đến mức gia đình em đã mất 6 tháng để thuyết phục và bây giờ, cậu bé đã được trang bị một túi hậu môn để tình trạng nhịn đại tiện không còn tái diễn.

Jade đã trải qua cuộc phẫu thuật tại một bệnh viện nhi ở Liverpool ngay sau sinh nhật thứ 5 của mình, chấm dứt 3 năm sống trong sợ hãi và đau đớn vì chuyện đại tiện.

Cách nhận biết và phòng bệnh táo bón ở trẻ

Táo bón là khi trẻ đi ngoài phân rắn và khô hoặc khoảng cách 2 lần đại tiện quá xa nhau, thường là trên 3 ngày.

Trẻ bị táo bón thường có các biểu hiện sau:

Sờ nắn bụng thấy những cục phân rắn. Trẻ biếng ăn, ăn không tiêu. Bụng chướng, đầy hơi, đau bụng.

Táo bón do nguyên nhân ăn uống: Ăn chưa đủ số lượng, pha sữa không đúng tỷ lệ cho trẻ ăn, mẹ bị táo bón cho con bú, bé ăn ít chất xơ, không chịu ăn rau quả, chỉ ăn nước không ăn cái rau, quả, uống ít nước.

Táo bón do yếu tố tâm lý: Thường hay gặp ở trẻ mẫu giáo. Do bé ngại xin phép cô giáo hoặc sợ bẩn không muốn đi đại tiện, sau vài lần làm cho đại tràng dãn to vì vậy phân phải tích nhiều ngày mới đủ kích thích đại tràng gây phản xạ đi ngoài. Trẻ thường đi ngoài phân khuôn to như người lớn, phân cứng và khô.

Táo bón do dùng thuốc: Hay gặp khi trẻ bị ốm phải dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc ho có codein, viên sắt...

Bệnh toàn thân: Trẻ còi xương (do trương lực cơ giảm làm cho nhu động ruột kém, phân phải lưu chuyển lâu trong lòng ruột), trẻ suy dinh dưỡng do biếng ăn nên thường ăn ít dẫn đến tình trạng "đói" phân, mấy ngày trẻ mới đi ngoài một lần. Các bé bị thiếu máu thường phải uống vi sắt cũng là nguyên nhân gây táo bón.

Bệnh ngoại khoa, tiêu hóa: Dị tật bẩm sinh như phình to đại tràng, hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn.

Cách giúp con khỏi táo bón

Tùy theo từng nguyên nhân mà bạn tìm cách điều trị nhưng điều chỉnh lại chế độ ăn vẫn là quan trọng nhất.

Uống nhiều nước: Trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước nhưng nếu bé bị táo bón thì vẫn cho uống 100 - 200 ml nước/ngày. Trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 - 12 tháng uống 200 - 300 ml nước/ngày. Trẻ 1 - 3 tuổi uống 500 - 600 ml nước/ngày. Trẻ 3 - 5 tuổi uống 1000 ml nước/ngày. Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 - 2000 ml nước/ngày.

Ăn nhiều rau xanh và quả chín: Chọn các loại rau quả có tính chất nhận tràng: rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi. Nên tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau, quả chín từ nhỏ.

Chọn loại sữa không gây táo bón: Có bổ sung thêm chất xơ, pha sữa với nước cháo loãng hoặc nước bột khoai lang nghiền (đối với trẻ nuôi sữa ngoài).

Trẻ lớn: Không nên ăn các loại hoa quả có vị chát: Ổi, hồng xiêm, bánh kẹo, nước uống có gas, cà phê...

Điều trị táo bón cho mẹ: nếu mẹ bị táo bón khi nuôi con bú phải điều trị kịp thời, cách tốt nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ.

Tăng cường vận động cơ thành bụng và cơ tròn hậu môn: Chạy nhảy nô đùa, tập thể dục, thể thao (trẻ lớn).

Xoa bụng cho trẻ: Theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3 - 4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn (trẻ dưới 1 tuổi).

Vệ sinh đại tiện: Tập cho trẻ đại tiện đúng giờ quy định, trẻ nhỏ thì xi ị hoặc cho trẻ ngồi bô vào một giờ nhất định trong ngày.

Dùng thuốc: Thuốc nhuận tràng, men tiêu hóa vi sinh, vitamin C theo đơn của thầy thuốc.

Thụt tháo: Là biện pháp cuối cùng nếu trên 3 ngày sau khi đã dùng mọi cách trên mà bé vẫn không đi ngoài được. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước ấm pha mật ong tỷ lệ 5%. Đối với trẻ nhỏ hơn 1 tuổi mỗi lần thụt 100 ml, trẻ lớn hơn 1 tuổi thụt 200 ml. (Có thể dùng thuốc thụt hậu môn mỗi lần thụt 1 ống).

An Thiên (TH)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/hy-huu-nhin-di-dai-tien-4-thang-cau-be-5-tuoi-non-ra-chat-thai-d18011.html