Hy Lạp: Đói kém làm bùng phát nạn trộm cắp cổ vật

Thêm một tai họa mới phủ bóng đen lên đất nước vốn đã khốn khó khi cảnh sát lên tiếng cảnh báo về tình trạng những kho tàng nghệ thuật cổ quý giá trở thành mục tiêu béo bở của bọn trộm cắp. Theo số liệu của Cảnh sát Hy Lạp, những vụ mua bán cổ vật bất hợp pháp tăng 30% kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu tàn phá nước này vào năm 2009.

Thám tử Gergios Tsoukalis.

Thám tử cảnh sát Gergios Tsoukalis cho biết, bọn tội phạm dễ ra tay hành động bởi vì nhiều nhà bảo tàng, bao gồm cả những địa điểm khai quật khảo cổ, chưa được bảo vệ một cách đầy đủ và ông cũng tin những người mua phổ biến nhất là Nga, Trung Quốc và Mỹ Latinh. Ngồi trong xe taxi, thám tử Gergios Tsoukalis vẫn không ngừng trao đổi qua 4 điện thoại di động để cố gắng phối hợp với cảnh sát trong vụ bắt giữ một tên buôn lậu cổ vật.

Thám tử cho biết: "Do thời buổi kinh tế ảm đạm, người Hy Lạp dễ trở thành tội phạm. Họ hoặc là bán những cổ vật thuộc sở hữu cá nhân hoặc tìm kiếm chúng ở những địa điểm khai quật khảo cổ không được bảo vệ. Chúng tôi đang truy tìm dấu vết những cổ vật Hy Lạp đến tận Colombia - trong tay của bọn trùm buôn lậu ma túy".

Tsoukalis thú nhận ông say mê công việc săn bắt bọn trộm cắp cổ vật quý giá để thu hồi tài sản quốc gia bởi vì ông là người Hy Lạp và không thể đứng nhìn những món đồ cổ vô giá của đất nước rơi vào tay bọn người xấu.

Tháng 2/2013, Tsoukalis nhận được cuộc gọi đến từ một người tên là Yiannis Dendrinellis ở thành phố biển Derveni miền Nam Hy Lạp báo tin vừa nhặt được một cái túi bên trong chứa một số đồng tiền cổ và nhiều bộ phận của các bức tượng nhỏ. Do có sự khai báo với chính quyền nên Yiannis được nhận một phần giá trị của những cổ vật được phát hiện. Do nhiều di tích cổ không được bảo vệ cẩn thận cho nên nạn trộm cắp cổ vật diễn ra rất thường xuyên.

Ông Kousoumba ở Hội Các nhà khảo cổ Hy Lạp nhận định: "Một số đảo ở Hy Lạp chỉ có một người duy nhất chịu trách nhiệm bảo vệ các di tích cổ. Mới đây nhất, một người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ ngay tại một ngôi mộ cổ ở miền Bắc Hy Lạp, bên trong chứa những vật dụng của một chiến binh. Chúng tôi thậm chí không biết đến những cổ vật có giá trị trong ngôi mộ cho đến khi bắt giữ được kẻ đào trộm". Mối lo ngại hiện nay của Kousoumba là bảo đảm an ninh cho những cổ vật được gìn giữ trong các nhà bảo tàng ở Hy Lạp.

Những cổ vật mất cắp được cảnh sát Hy Lạp thu hồi.

Tháng 12/2012, Bộ Tài chính Hy Lạp nắm giữ số tiền quỹ khảo cổ lên đến 2 triệu euro trong đó gồm mọi khoản lợi nhuận có được từ việc bán vé vào thăm quan các nhà bảo tàng. Nhưng, Kousoumba cho biết: "Chúng tôi không nhìn thấy số tiền này từ tháng 12/2012 và nó rất cần để giúp các nhà bảo tàng hoạt động. Thậm chí, chúng tôi không có tiền để trả cho các hóa đơn điện, nước và điện thoại. Các nhà bảo tàng sẽ bị đe dọa nếu không có điện".

Bộ Văn hóa Hy Lạp cũng đang cố gắng hết sức để bảo vệ những địa điểm khai quật khảo cổ có giá trị nhất và các nhà bảo tàng của nước này. Nhưng, Maria Vlazaki - Tổng giám đốc Cơ quan quản lý Cổ vật và Di sản văn hóa Hy Lạp - thừa nhận số người được sử dụng để bảo vệ những di tích quan trọng nhất nước này không còn đông đảo như trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosointepol/2013/8/81172.cand