Hy Lạp: Giữa hai dòng nước

Hôm nay 17.6, cử tri Hy Lạp đi bỏ phiếu bầu lại quốc hội nước này, động thái được xem là quyết định cho Athens trong việc tiếp tục chọn đồng euro hay quay trở lại với đồng drachma.

Câu chuyện bầu cử tại đất nước của các vị thần không còn là vấn đề của riêng Hy Lạp, mà nó đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế, bởi việc Athens rút khỏi Eurozone không những giáng một đòn chí tử vào lục địa châu Âu, mà còn khiến nền kinh tế thế giới hứng chịu một cú sốc mới.

Trong cuộc bầu cử ngày 17.6 này, khoảng 9,8 triệu cử tri Hy Lạp sẽ lựa chọn giữa đảng Dân chủ Mới (ND) với quan điểm nghiêng về gói cứu trợ và Liên minh cánh tả Syriza muốn chấm dứt thỏa thuận cứu trợ và bắt đầu gây dựng lại đất nước. Nếu ND giành được chiến thắng, đảng này sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là hình thành chính phủ liên minh và điều hành một quốc gia với nền kinh tế đổ vỡ và những xung đột xã hội gia tăng.

Cuộc bầu cử Hy Lạp tác động tới toàn châu Âu. (AFP)

Ngược lại, nếu sự ủng hộ của người dân Hy Lạp dành cho Syriza tiếp tục tăng lên, rất có thể đảng này sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này và sẽ thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử. Ông Alexis Tsipras, nhà lãnh đạo 37 tuổi của Syriza, đã cam kết bãi bỏ gói cứu trợ nếu ông giành thắng lợi trong cuộc đua mang tính lịch sử này.

Tuyên bố này càng làm tăng thêm mối lo ngại Hy Lạp sẽ từ bỏ thỏa thuận của chính phủ tiền nhiệm với các nhà lãnh đạo EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ xóa tên mình khỏi danh sách Eurozone. Nếu điều đó xảy ra sẽ làm nảy sinh phản ứng dây chuyền, khiến khu vực này ngay lập tức mất 350 - 400 tỷ euro và "thảm họa" kéo theo sẽ là sự hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Mặc dù quy mô nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2,3% kinh tế của Eurozone, hay chiếm 0,4% kinh tế toàn cầu, thế nhưng việc nước này rời bỏ khu vực đồng euro có thể gây nên "cơn sóng thần tài chính" tác động tới toàn cầu, kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.

Tâm lý "lưỡng lự" của cử tri Hy Lạp khiến việc dự đoán đảng phái nào sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lại cơ quan lập pháp lần này là khá khó khăn. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định nhiều khả năng không có đảng nào giành đủ số phiếu cần thiết để có thể tự thành lập chính phủ. Nếu kịch bản này xảy ra, nhiều khả năng Hy Lạp lại rơi vào vòng xoáy bế tắc chính trị mới một khi các đảng phái không thể hiện thiện chí trong việc đàm phán thành lập chính phủ mới.

Các cuộc đàm phán thành lập liên minh có thể tiếp tục tái diễn. Rõ ràng là, trong bối cảnh hiện nay, những người dân Hy Lạp đang phải đối mặt với một quyết định đầy khó khăn, không chỉ cho riêng họ mà cho cả khu vực và thế giới.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/thegioi/Hy-Lap-Giua-hai-dong-nuoc/20126/217211.datviet