I-ran có đề cương đáp trả 'biện pháp thù địch' của Mỹ

Các nghị sĩ I-ran đã nhất trí thông qua đề cương chung của một dự luật đáp trả "các biện pháp thù địch của Mỹ chống I-ran". Động thái trên của các nghị sĩ I-ran được đưa ra sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga, I-ran và Triều Tiên.

Chạm trán ở cự ly gần

Theo đó, tất cả các thành viên Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại Quốc hội I-ran đã bỏ phiếu ủng hộ đề cương chung này trong phiên họp bất thường có sự tham dự của hai thứ trưởng ngoại giao I-ran. Phát biểu với báo giới sau phiên họp đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban, ông A-la-ê-đin Bo-ru-giê-đi (Alaeddin Boroujerdi) nhấn mạnh thông điệp của quyết định trên là thể hiện sự đoàn kết và nhất trí ở Quốc hội I-ran nhằm phản ứng trước các biện pháp của Mỹ. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Áp-bát A-rác-chi (Abbas Araghchi) khẳng định đây là phản ứng mạnh mẽ và phù hợp của I-ran trước hành động thù địch của phía Mỹ với I-ran. Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại Quốc hội I-ran sẽ thảo luận các chi tiết của hành động trả đũa vào tuần này.

Trên “mặt trận chính trị”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran B.Ga-xê-mi (Bahram Ghasemi) nói rằng, I-ran chỉ trích các lệnh trừng phạt mới của Mỹ chống lại chương trình tên lửa của họ mà sẽ được Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm (Donald Trump) ký thành luật và cam kết tiến hành. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình tên lửa với mọi quyền hạn. Chúng tôi coi hành động của Mỹ là mang tính thù địch, đáng bị chỉ trích và không thể chấp nhận, đó hoàn toàn là nỗ lực để suy yếu thỏa thuận hạt nhân”.

Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại Quốc hội I-ran A-la-ê-đin Bo-ru-giê-đi trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Syria Truth.

Trong sự việc mới nhất, I-ran và Mỹ đang cáo buộc lực lượng hải quân của phía bên kia tiến hành các hành động khiêu khích ở vùng Vịnh, dẫn đến việc một trực thăng Mỹ bắn pháo sáng cảnh cáo. Hải quân Mỹ cho biết họ đã phản ứng trước việc các tàu hải giám thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo I-ran (IRGC) tiến gần các tàu Mỹ với tốc độ cao, cáo buộc mà I-ran bác bỏ. Trong khi đó, phía I-ran đã miêu tả động thái của Mỹ là hành động “vô cớ”.

Lực lượng bán quân sự IRGC tuyên bố: “Vào 4 giờ chiều (11 giờ 30 phút giờ GMT) ngày 28-7, siêu tàu sân bay USS Nimitz và tàu chiến hộ tống, vốn đang được các tàu khu trục nhỏ của IRGC giám sát, đã điều một chiếc trực thăng bay gần giếng dầu và khí Resalat, và đã đến gần các tàu của IRGC. Trong một hành động khiêu khích và thiếu chuyên nghiệp, Mỹ đã gửi một thông điệp cảnh báo tới các tàu khu trục nhỏ và bắn pháo sáng cảnh cáo. IRGC đã phớt lờ hành động bất thường của các tàu Mỹ và tiếp tục sứ mệnh của họ”.

Trước đó, căng thẳng Mỹ - I-ran đã được đẩy lên cao một bước khi một tàu hải quân Mỹ bắn cảnh cáo một tàu của IRGC trong tình huống tương tự hôm 25-7 khi cả hai bên đổ lỗi cho nhau. Một loạt các vụ chạm trán ở cự ly gần giữa các tàu Mỹ và I-ran đã xảy ra ở vùng Vịnh trong những tháng mới đây.

Từ bỏ con đường ngoại giao, một sai lầm lớn

Trong một diễn biến khác, ngày 28-7, Oa-sinh-tơn đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào chương trình tên lửa của Tê-hê-ran, một ngày sau khi I-ran thử nghiệm tên lửa phóng vệ tinh. Các chính phủ phương Tây đang nghi ngờ việc I-ran tìm cách phát triển công nghệ dùng cho các tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân hoặc chất nổ thông thường, một cáo buộc mà Tê-hê-ran phủ nhận. I-ran vẫn khẳng định rằng chương trình vũ trụ của họ hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình.

Tạp chí Foreign Affairs bình luận, Mỹ không nên từ bỏ các nỗ lực ngoại giao trong quan hệ với I-ran khi mà các giải pháp về thay đổi chế độ qua việc hỗ trợ phe đối lập hay can dự quân sự ít có triển vọng thành công. Hai năm sau khi Thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và Nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức được ký kết (ngày 14-7-2015), thế lực “cứng rắn” chống I-ran ở Mỹ lại lên tiếng đòi thực thi giải pháp ưa thích nhằm vào quốc gia Trung Đông này: Thay đổi chế độ.

Quan điểm thù địch với I-ran của nhiều quan chức tại Nhà Trắng một lần nữa lại “sống dậy” khi mới đây Ngoại trưởng Mỹ R.Ti-lơ-xơn (Rex Tillerson) ngầm ám chỉ rằng, thay đổi chế độ trong hòa bình tại I-ran là một lựa chọn chính sách mà Mỹ có thể theo đuổi. Thế nhưng, giải pháp này đơn giản là không có tính khả thi, trừ phi Mỹ cam kết theo đuổi một chiến trường Trung Đông trong thời gian kéo dài, cả về chính trị và quân sự.

Trong 14 năm qua, Mỹ đã rút ra được bài học khó khăn rằng, sự thay đổi chế độ thông qua các biện pháp quân sự luôn không dễ dàng. Mỹ và I-ran hiện có nhiều lợi ích chung, nhưng nhiều quan chức theo quan điểm cứng rắn ở Nhà Trắng không chịu thừa nhận điều này. Đơn cử như việc hai nước cùng chia sẻ quan tâm về việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Rõ ràng, việc Mỹ từ bỏ con đường ngoại giao với I-ran trước khi giải pháp này có được cơ hội chứng minh tính hiệu quả sẽ là một sai lầm lớn./.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/i-ran-co-de-cuong-dap-tra-bien-phap-thu-dich-cua-my-513814