Im lặng và thỏa hiệp: Rào cản lớn trong phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em

Có đến 39,2% gia đình nạn nhân bị xâm hại từ chối hỗ trợ, không hợp tác; 35,29% gia đình chấp nhận, thỏa hiệp với thủ phạm, chờ trẻ đủ tuổi sẽ cho tổ chức đám cưới. Đây là số liệu vừa được công bố tại Hội nghị sơ kết 1 năm thí điểm 'Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh'.

Nạn nhân bị xâm hại phải đối diện vô số sức ép từ gia đình, cộng đồng. (Ảnh minh họa - Nguồn: VNN)

Khi gia đình nạn nhân “im lặng”

Trong những vụ việc bị xâm hại, vì nhiều lý do, không ít nạn nhân thường đưa ra lựa chọn thỏa hiệp, không tố cáo thủ phạm, không hợp tác với cơ quan chức năng. Đó cũng là một trong những rào cản lớn trong công tác phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em.

T.T.H., 15 tuổi, đang là học sinh một trường trung học tại TP Hồ Chí Minh. Năm ngoái, gia đình đột nhiên phát hiện cô bé mang thai, đồng thời biết được “tác giả” bào thai là con trai một người hàng xóm. Ban đầu, gia đình có ý định tố cáo hành vi nói trên đến cơ quan chức năng, nhưng do gia đình thủ phạm van xin được tha thứ, đồng ý bồi thường số tiền lớn và chịu trách nhiệm, cộng với nỗi lo sự việc ồn ào, xấu hổ, nên gia đình bé H. đã quyết định im lặng, thỏa thuận, âm thầm cho bé gái sinh con và chờ con đủ tuổi để gả con cho thủ phạm.

Những câu chuyện tương tự cũng không quá hiếm hoi trong đời sống. Nhiều nạn nhân nhỏ tuổi của hành vi xâm hại đã không dám nói ra vì quá sợ hãi, thậm chí bị khống chế, trở thành công cụ cho những kẻ gây tội. Nhiều gia đình vì định kiến và nhiều nguyên nhân khác, chấp nhận im lặng, thỏa thuận với thủ phạm, hoặc chuyển nhà đi, hoặc coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” vừa diễn ra, báo cáo thống kê cho thấy sau 1 năm mô hình một cửa chính thức ra mắt (từ tháng 3/2023 và được đặt tại Bệnh viện Hùng Vương với chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục…), chương trình đã tiếp nhận hỗ trợ 51 ca là nạn nhân của bạo lực, cưỡng bức, xâm hại tình dục; trong đó có đến 14 ca là bé gái 14 tuổi, 16 ca là bé 15 tuổi, có 1 ca bé gái chỉ mới 10 tuổi... Nạn nhân ở độ tuổi 14 - 16 chiếm tỷ lệ cao và 1/3 số trẻ bỏ học.

Đáng nói, có đến 20/51 gia đình nạn nhân (chiếm 39,2%) từ chối hỗ trợ, không hợp tác. Còn 18 gia đình (35,29%) chấp nhận trẻ bị xâm hại, thỏa hiệp với thủ phạm, chờ trẻ đủ tuổi sẽ cho tổ chức đám cưới với thủ phạm. Có trường hợp trẻ 15 tuổi nhưng cha mẹ giới thiệu bạn trai cho con và cùng sống chung với nạn nhân. Trong số đó, chỉ có 7 trường hợp (13,7%) đồng ý báo công an xử lý, và 1 ca đi giám định thương tật. Đó chỉ là thống kê chi tiết trong con số chung mà mô hình tiếp nhận, còn thực tế sẽ cao hơn rất nhiều. Tại Hội nghị, ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM cũng nhấn mạnh, việc sau 1 năm mô hình chỉ tiếp nhận được 51 ca là con số quá nhỏ so với số nạn nhân bị bạo lực, xâm hại trên thực tế.

Một khảo sát do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) thực hiện từ tháng 2 đến tháng 6/2022 tại 3 trường đại học cũng đã cho thấy thực trạng 90% nạn nhân không hoặc không thể tìm đến trợ giúp pháp lý.

Cần phá bỏ định kiến, hoàn thiện hành lang pháp lý

Trao đổi với cơ quan truyền thông về lý do vì sao các nạn nhân không hợp tác với cơ quan chức năng, tố cáo việc xâm hại, thỏa hiệp với thủ phạm ở khía cạnh tâm lý và xã hội, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho biết, nạn nhân chịu xâm hại tình dục phải đối diện vô số sức ép từ gia đình, cộng đồng nếu theo đuổi công lý.

Cạnh đó, nhiều quan niệm về tình dục và trinh tiết, phẩm giá trong xã hội Việt Nam đã vô hình trung khiến nạn nhân của quấy rối tình dục chịu mặc cảm bản thân là người có tội. Nhiều vấn đề liên quan đến danh dự gia đình, các tương tác trong xã hội khiến nạn nhân cuối cùng phải chấp nhận thương lượng dàn xếp thay vì đi đến cùng sự việc, tìm kiếm công lý.

Cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương cũng phân tích, nạn nhân và gia đình cũng phải trải qua một hành trình tố tụng rất gian nan, phải tự chứng minh mình là “người bị hại”. Đôi khi, rào cản để nạn nhân bị xâm hại và gia đình đến được với công lý, đòi được công bằng cho bản thân còn tùy thuộc trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm và nhận thức, thái độ của cán bộ tiếp nhận với người trình báo.

Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp, ban đầu nạn nhân rất quyết liệt trên hành trình đến với công lý, tố cáo thủ phạm ra ánh sáng, nhưng nửa chặng đường, do nhiều sức ép, nhiều luồng dư luận trái chiều và ác ý, sự tấn công từ mạng xã hội, thiếu sự cảm thông của nhiều phía, nạn nhân đã phải bỏ cuộc, chấp nhận thỏa hiệp. Những vụ việc này càng khiến các nạn nhân khác “chùn chân” khi có ý định làm rõ trắng đen đối với những hành vi xâm hại.

Ở một góc nhìn khác, ThS. Đặng Viết Đại trong bài viết đăng tải trên Tạp chí điện tử Kiểm sát tháng 9/2021 đã cho rằng, các quy định liên quan đến thủ tục pháp lý xử lý vụ án xâm hại tình dục hiện nay còn nhiều khâu và phức tạp; việc phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm xâm hại tình dục gặp nhiều khó khăn do thiếu dấu vết, tổn thương cơ thể… Đây chính là những vấn đề cần hoàn thiện để bảo đảm quyền của nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Phá bỏ định kiến, hoàn thiện các hành lang pháp lý, tăng cường truyền thông về ý thức bảo vệ bản thân, nâng cao hiệu quả các mô hình trợ giúp, bảo vệ phụ nữ và trẻ em… Có rất nhiều việc phải làm để giúp các nạn nhân trở nên dũng cảm, có thể lên tiếng trước hành vi xâm hại, để từ đó tiến đến giúp hạn chế, giảm thiểu những con số bị xâm hại đau lòng trong xã hội.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/im-lang-va-thoa-hiep-rao-can-lon-trong-phong-chong-xam-hai-phu-nu-tre-em-post507945.html