IMF muốn làm “Ngân hàng trung ương thế giới”

VIT - Theo hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE tại Washington, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF Dominique Strauss – Kahn gần đây kiến nghị nên để tổ chức này đảm nhiệm chức trách của Ngân hàng trung ương Thế giới và trong một ngày không xa sẽ xây dựng một đơn vị tiền tệ của riêng mình có thể thay thế đồng USD trở thành tiền tệ dự trữ quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị thường niên Bretton Woods, ông Strauss đã bày tỏ quan điểm liên quan tới chức trách của IMF trong tương lai. Trên mức độ nào đó, lời đề nghị này có thể sẽ khiến IMF quay lại chức năng ban đầu của mình, tức là sẽ dồn sự chú ý của mình vào việc duy trì ổn định hệ thống tài chính thế giới, chứ không lao tâm vào các chính sách kinh tế của mỗi nước như hiện nay. Cũng theo ông Dominique Strauss – Kahn, “thứ mà chúng tôi đang tìm kiếm là một mối quan tâm mới và năng lực xử lý các rủi ro mang tính hệ thống”. Một nhược điểm trong khuông khổ kinh tế thế giới chính là phụ thuộc quá mức vào đồng USD – đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế. Do đó, một quan chức của IMF cho rằng, khủng hoảng chính là một tín hiệu cho thấy sự bất ổn của đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế USD. Ông này cũng bày tỏ sự lo ngại trước việc Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ vượt hơn 2000 tỷ USD. Năm ngoái, Bắc Kinh và Moscow đều yêu cầu thành lập một tiền tệ mới có thể thay thế “đồng bạc xanh” – đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế. Gần đây chính là lần đầu tiên ông Dominique Strauss – Kahn phản ứng trước lời kiến nghị nói trên. Ông thừa nhận rằng, hiện nay nhiều tiền tệ dự trữ có thể đóng vai trò giảm thiểu sự phụ thuộc của toàn cầu vào chính sách tài chính Mỹ. Trong tương lai, IMF có thể phát hành một đơn vị tiền tệ dự trữ mới theo phong cách “Quyền rút vốn đặc biệt SDR”. “Quyền rút vốn đặc biệt SDR” là một tiền tệ ảo, giá trị của nó được tính theo đồng USD, EUR, Yên và Bảng Anh. Ngoài ra, khủng hoảng còn cho thấy, tính thanh khoản quốc tế và mối liên hệ giữa ngân hàng các nước đều tồn tại tính rủi ro, do đó, IMF đề xuất mở rộng phạm trù giám sát của mình. Đến nay, cơ quan này mới chỉ phụ trách việc tiến hành phân tích tình hình kinh tế của các nước. Ông Dominique Strauss - Kahn thừa nhận rằng, Cục dự trữ liên bang Mỹ và ngân hàng trung ương các nước mới là những người phụ trách chính trong việc ngăn chặn khủng hoảng, chứ không phải là IMF. Thông qua lời kiến nghị này, điều mà IMF muốn tìm kiếm là không nên chỉ để tổ chức này trở thành “nơi tránh nạn” của các nước.

Nguồn VITINFO: http://vitinfo.com.vn/muctin/kinhte/taichinhnganhang/la73652/default.htm