IMF: Ngân hàng Trung Quốc cần một cuộc đại tu

SGTT.VN - Sau kết quả các cuộc kiểm tra căng thẳng 17 ngân hàng thương mại Trung Quốc được đưa ra hôm thứ ba 15.11, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cải cách để các ngân hàng của nước này hoạt động trên cơ sở định hướng thương mại hơn.

Nếu những rủi ro này đồng loạt xảy ra thì hệ thống ngân hàng Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Mặc dù IMF nhận định hầu hết các ngân hàng này có khả năng chống lại được cú sốc bị cô lập, bao gồm sự tụt dốc mạnh giá trị bất động sản và các tài sản khác, sự thay đổi biểu đồ lãi suất và tỉ giá hối đoái, tuy nhiên, nếu những rủi ro này đồng loạt xảy ra thì hệ thống ngân hàng Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Jonathan Fiechter, Phó giám đốc phụ trách thị trường vốn và tiền tệ của IMF cho biết "các ngân hàng Trung Quốc và khu vực tài chính hiện an toàn, nhưng vẫn có những lỗ hổng trong hệ thống cần được chính quyền giải quyết. Trong khi cấu trúc hiện tại thúc đẩy lượng tiết kiệm lớn và mức thanh khoản cao, nó vẫn có nguy cơ phân bổ vốn không đúng chỗ và hình thành bong bóng bất động sản. Chi phí cho tình trạng biến dạng tài chính trên sẽ tăng theo thời gian, đặt ra nguy cơ càng cao cho nền kinh tế vĩ mô".

Nhiều chuyên gia, bao gồm cả nhà kinh tế Nouriel Roubini nổi tiếng thuộc Đại học New York đã chỉ ra những vấn đề đang nổi lên trong nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ đã chi gần 700 tỉ USD trong một gói kích thích vào năm 2008 và 2009, phần lớn phân bổ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bất động sản.

Các chuyên gia đều đồng ý rằng có nhiều khả năng những khoản vay này sẽ không bao giờ được hoàn lại. Hơn nữa, việc chính phủ đàn áp giá bất động sản cắt cổ ở các thành phố hạng nhất như Thượng Hải đã gây ra khó khăn về tài chính cho các nhà đầu tư quy mô trung bình, làm dấy lên nguy cơ phá sản hoặc mất việc ngay tại thời điểm dân số Trung Quốc đang ngày càng già đi, mà chính phủ lại cần lực lượng lao động và nguồn thuế từ họ.

Người Trung Quốc thường đầu tư vào bất động sản vì lợi suất trái phiếu trên thu nhập cố định tại ngân hàng ở mức thấp. Nhà ở là tài sản duy nhất người dân muốn nắm giữ, thay vì đầu tư vào thị trường chứng khoán biến động, xu hướng này có thể dẫn đến bong bóng bất động sản, khiến nhà đầu tư lo lắng.

Khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng toàn cầu. Thực tế, hơn ba năm rưỡi qua, châu Á, dẫn đầu bởi Trung Quốc, là lý do duy nhất giải thích cho con số 2% tăng trưởng GDP toàn cầu.

Dòng tài chính trực tiếp đổ vào thị trường bất động sản ở Trung Quốc là vừa phải, nhưng dòng tiền gián tiếp lại cao hơn nhiều, theo IMF. Bất động sản liên quan tới các khoản vay chiếm đến 20% tổng lượng tiền cho vay của hệ thống ngân hàng Trung Quốc, tương đối thấp so với Mỹ. Điều khoản cho vay ở Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào tài sản thế chấp. Điều chỉnh lớn giá bất động sản có thể giảm giá trị tài sản thế chấp, và do đó giá trị thu hồi khoản vay sẽ khiến người đi vay vỡ nợ.

Hơn nữa, tín dụng cho các ngành công nghiệp "tích hợp theo chiều dọc" với khu vực bất động sản, gồm xây dựng dân dụng, xi măng, thép, cũng phải đối mặt với những nguy cơ trên. Với tầm quan trọng của thành phần bất động sản trong tăng trưởng kinh tế, suy thoái kinh tế bắt nguồn từ sự điều chỉnh giá có thể ảnh hưởng đến cả nền kinh tế lẫn hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Mối đe dọa lớn nhất đối với các ngân hàng ở Trung Quốc là bong bóng bất động sản.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những ảnh hưởng này có thể kiểm soát được, nhất là nếu đà tăng trưởng hiện tại được duy trì. Theo IMF, xét tổng thể, không có dấu hiệu xuất hiện giá nhà ở tại Trung Quốc bị đội lên quá cao, dù tình trạng này đã nhen nhóm ở một số phân khúc thị trường khác. Ngoài ra, nguồn tài chính trực tiếp vừa phải và tỉ lệ đòn bẩy thấp của người mua nhà sẽ giúp hạn chế bớt tác động của việc điều chỉnh giá bất động sản trong chất lượng tài sản của ngân hàng.

Về trung và dài hạn, nguy cơ gây ra bởi thành phần bất động sản còn phụ thuộc vào các nguyên tắc cơ bản, bên cạnh giá bất động sản tăng cao, có thể giải quyết thông qua biện pháp chính sách, như thúc đẩy việc làm ở thành thị và nâng cao thu nhập.

IMF qua đó cung cấp một số gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, chẳng hạn như cho phép ngân hàng trung ương tự chủ hơn về chính sách ngân hàng của quốc gia và nới lỏng kiểm soát hơn nữa trong chính sách tiền tệ.

Trung Quốc đã sử dụng hạn ngạch cho vay hơn là chi phí cho vay để quản lý tăng trưởng tín dụng, phá hoại sự kiểm soát của Ngân hàng trung ương Trung Quốc về chính sách tiền tệ và cản trở khả năng phân bổ tín dụng hiệu quả thông qua đánh giá và xác định rủi ro.

Do đó, thay vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Trung Quốc cần phải "đại tu" cách thiết lập lãi suất để nó trở thành công cụ chính mở rộng quản lý tín dụng và cho phép đồng NDT "tự do" hơn trong thương mại quốc tế, giúp hạn chế rủi ro trong hệ thống tài chính quốc gia, nhằm xác định những nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu và tín dụng khẩn cấp từ người cho vay.

Tuy vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm thứ ba 15.11 đã phản ứng lại với báo cáo của IMF, họ cho rằng rất nhiều điểm trong báo cáo "không hoàn toàn toàn diện và khách quan". Ngân hàng cho biết sẽ nghiên cứu các đề nghị của IMF và cải cách dựa vào tình hình của đất nước.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/quoc-te/155814/imf-ngan-hang-trung-quoc-can-mot-cuoc-dai-tu.html