Indonesia: Mòn mỏi trong cuộc chiến chống mại dâm và AIDS

Indonesia nằm trong số những quốc gia châu Á mà dịch bệnh AIDS phát triển nhanh nhất và nay đã lan rộng ra khắp đất nước. Dịch bệnh AIDS lan nhanh do ngày càng có nhiều đàn ông thích sex, lắm tiền nên “rửng mỡ”. Ở Tenda Biru, bao cao su được phát miễn phí từ cơ sở của một tổ chức phi chính phủ (NGO) được Global Fund tài trợ để chống AIDS, bệnh lao và sốt rét. Tổ chức từ thiện này cũng cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV miễn phí vào mỗi 3 tháng tại bệnh viện lưu động. Nhưng vấn đề là đàn ông Indonesia không muốn sử dụng bao cao su trong khi phụ nữ hành nghề mại dâm không đủ "quyền" để yêu cầu điều đó.

Dhafik Rizki đang chờ khám HIV tại một bệnh viện ở Bandung, tây Java và Con gái Merrijane, cũng bị nhiễm HIV từ mẹ.

Bao cao su là khuyến khích tự do tình dục!

Rizki có thể là tên thật của cô gái mà cũng có thể chỉ là cái tên hành nghề. Cô gái 19 tuổi có mái tóc dài bóng mượt này có thể được gọi đến nơi "làm việc" vào bất cứ lúc nào. Với chiếc áo thun vẽ hình nhân vật truyện tranh ở mặt trước, quần jean lửng và đôi dép xỏ ngón, Rizki làm việc tại một quán bar trong khu lao động Tenda Biru, nơi mà hằng đêm khoảng từ 21h hôm trước đến 3 giờ sáng ngày hôm sau Rizki phải nhảy nhót mua vui cho đám đông khách hàng là tài xế xe tải đường dài và công nhân đến uống rượu thư giãn sau khi hết ca làm việc. Nếu họ muốn sex thì Rizki sẵn sàng phục vụ. Rizki cảm thấy "thoải mái" với công việc của mình.

Cứ tầm 23h khu "đèn đỏ" bình dân của Bekasi bắt đầu đông nghẹt khách uống rượu và tiếng nhạc xập xình phát ra từ các quán bar. Chỉ cần tiếp khoảng 2 hay 3 khách một đêm và 5 khách vào ngày cuối tuần là Rziki kiếm đủ tiền (khoảng 50 USD một tuần) để trả tiền thuê nhà và chi cho bọn ma cô. Rizki và cô bạn Melli, 25 tuổi, cho biết họ biết cách tự vệ chống lại bệnh dịch AIDS. "Tôi sẽ không tiếp nếu khách không chịu dùng bao cao su", Melli thú thật. Nhưng việc từ chối khách không là lựa chọn dễ dàng đối với hai phụ nữ trẻ đều là người mẹ đơn thân này.

Theo một số liệu đánh giá, khoảng 19 triệu người Indonesia gặp nguy cơ nhiễm bệnh do quan hệ tình dục không an toàn. Không chỉ do sự thiếu hiểu biết và hành vi tình dục không thận trọng mà hiện nay Indonesia còn bị nhấn chìm trong cuộc chiến đạo đức từ các nhóm Hồi giáo gây sức ép lập luận rằng bao cao su chỉ càng khuyến khích người ta lao vào những mối quan hệ bừa bãi.

Bộ trưởng Y tế Nafsiah Mboi đã gây nên trận bão trong chính quyền Indonesia khi bà mở chiến dịch quảng bá "tình dục an toàn" cho những người ở độ tuổi từ 15 đến 24. Mặt trận Những người bảo vệ Hồi giáo (FPI) buộc tội bà Nafsiah Mboi là "bẩn thỉu".

Năm 2012, FPI phát động cuộc biểu tình buộc nữ ca sĩ Lady Gaga phải hủy chương trình biểu diễn ở Jakarta nếu muốn an toàn cho bản thân. Lady Gaga đã tiết lộ một video trên YouTube trong đó phủ nhận mình đã từng phân phát bao cao su miễn phí ở các trường trung học, nhưng cảnh báo rằng tình dục không an toàn sẽ gây nguy hiểm cho mọi người ở mọi độ tuổi, kể cả trẻ con. Thế là Phong trào Hồi giáo cực đoan Hizbut Tahrir cáo buộc Lady Gaga quảng bá cho "tự do tình dục". Bất chấp mối lo lắng của các chính khách bảo thủ, hoạt động mại dâm đang bùng nổ mạnh ở Indonesia và không có một trạm xe buýt nào trên đất nước này không có gái mại dâm.

Aldo Saragi, một nhà hoạt động xã hội phát biểu: "Các nhóm tôn giáo cố lợi dụng HIV như là lý do để vận động tội phạm hóa nghề mại dâm. Nhưng nghề này đang phát triển mạnh và nhu cầu gái mại dâm cũng tăng cao. Vấn đề là khi quyết định xóa bỏ những "khu vực đèn đỏ" chúng ta sẽ không thể kiểm tra từng khách sạn hay bãi đỗ xe, do đó tình trạng lây lan HIV/AIDS càng nguy hiểm hơn nhiều".

Những tù nhân nghiện ma túy ở Jakarta trên đường đến nhận thuốc do Global Fund tài trợ chống sốt rét và AIDS.

Luật Sharia mạnh hơn luật nhà nước

Chiến dịch chống AIDS của chính quyền Indonesia đang gây nhiều tranh cãi trong nước bởi vì nó đòi hỏi một sự thừa nhận chính thức về sự lan rộng của hoạt động mại dâm cũng như quan hệ tình dục bừa bãi. Những khoản tiền lớn từ nước ngoài đổ vào chương trình chống AIDS của Indonesia - từ năm 2002 Global Fund ở Geneva đã viện trợ gần 500 triệu USD hỗ trợ chiến dịch chống AIDS, bệnh lao và sốt rét. Ngoài ra, các loại thuốc kháng virus cũng được cấp phát miễn phí cho những người Indonesia hiện đang phải sống với mức thu nhập trên dưới 200 USD/tháng. Nhưng nỗ lực chống AIDS luôn vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phía các nhóm tôn giáo cực đoan.

Irwanda Maulana, người phát ngôn thuộc Văn phòng Tây Java của Ủy ban AIDS Quốc gia (NAD), than thở: "Chúng tôi đang cố gắng vận động mọi người sử dụng bao cao su. Nhưng giới lãnh đạo tôn giáo không cho phép điều đó, bất chấp việc chính quyền ủng hộ bao cao su trong chiến dịch chống HIV/AIDS".

Ở Tây Java, nơi có số dân 43 triệu người, tỷ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục cao hơn bất cứ địa phương nào khác của Indonesia. Các bác sĩ Khoa HIV, Bệnh viện Hasan Sadikin ở Bandung còn cho biết, tỷ lệ những phụ nữ có chồng xét nghiệm dương tính với HIV tăng nhanh hơn so với gái mại dâm trong khu vực. Bác sĩ Nirmala Kesumah, lãnh đạo Bệnh viện Hasan Sadikin: "Những người vợ chủ yếu bị lây nhiễm từ người bạn đời sử dụng ma túy. Sau năm 2009, tỷ lệ nhiễm HIV ở những người giao hợp lưỡng tính tăng lên rất nhanh".

Tổ chức nhân đạo Global Fund hỗ trợ tài chính cho thủ thuật sinh mổ đối với những thai phụ dương tính với HIV nhằm giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con. Cho dù không có sự căng thẳng với các nhóm tôn giáo, HIV/AIDS vẫn là thách thức ghê gớm cho Indonesia - đất nước có dân số 230 triệu người, trải rộng trên 17.000 đảo lớn nhỏ và tồn tại hàng trăm nền văn hóa cũng như ngôn ngữ khác nhau.

Những người biểu tình chống Lady Gaga.

Các luật lệ địa phương ở Indonesia thường đối chọi với chính sách quốc gia, đặc biệt khi phải xử lý vấn đề gái mại dâm và các nhóm có nguy cơ cao khác. Khi nền dân chủ được thành lập ở Indonesia sau khi chế độ độc tài Suharto bị lật đổ vào năm 1998, 33 tỉnh, thành nước này có quyền kiểm soát mọi vấn đề của họ, và một số địa phương bảo thủ hơn số nơi khác. Ví dụ như tại Aceh bán tự trị, luật Hồi giáo "sharia" mạnh hơn luật pháp nhà nước và quan hệ tình dục ngoài hôn nhân bị coi là tội phạm. Tội ngoại tình sẽ chịu hình phạt ném đá đến chết và tội quan hệ tình dục đồng giới (mặc dù được coi là hợp pháp ở Indonesia) bị quất bằng roi và ngồi tù dài hạn.

Phụ nữ Indonesia cũng thường xuyên bị chặn đường vì những "vi phạm" như là mặc đồ quá bó sát, quá ngắn! Tình trạng phân quyền là một trong những vấn đề lớn nhất của Indonesia. Aceh chỉ là một phần nhỏ của đất nước Indonesia có luật "sharia", nhưng hiện nay ngày càng có nhiều địa phương khác theo bước của Aceh. Nhà hoạt động bảo vệ gái mại dâm Aldo Saragi lập luận rằng, những tổ chức nhân đạo nước ngoài cần tài trợ nhiều hơn nữa cho chương trình phòng chống HIV/AIDS của Indonesia để bảo vệ quyền của những người thiểu số, như là cộng đồng đồng tính luyến ái nam (gay), đồng tính nữ (lesbian) và người chuyển giới tính.

Tuy nhiên, trong tình hình suy thoái kinh tế trầm trọng ở các quốc gia phương Tây dẫn đến việc các nguồn tài trợ cho các chương trình nhân đạo - trong đó bao gồm chương trình phòng chống HIV/AIDS - bị ảnh hưởng mạnh. Ví dụ như nguồn tiền của Global Fund giúp chữa trị AIDS miễn phí cho người Indonesia không còn dồi dào như trước nên gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền nước này

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2013/8/81185.cand