IoT đã đến gần với nông dân hơn bao giờ hết

Ứng dụng công nghệ IoT (mạng lưới vạn vật kết nối Internet) không những giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng sản lượng; người nông dân còn có thể chăm sóc nông trại của mình ngay trên chiếc điện thoại thông minh, chị Lê Lan Anh – Giám đốc điều hành của Mimosatek (công ty cung cấp giải pháp công nghệ cao cho cây trồng), chia sẻ.

Hơn 130 người đam mê nông nghiệp công nghệ cao đã đến tham dự sự kiện (Ảnh: Tùng Minh)

Tất cả băn khoăn về IoT của các bạn đam mê nông nghiệp công nghệ cao đã được giải đáp bởi các chuyên gia nông nghiệp trong sự kiện “Ứng Dụng IoT, Dinh Dưỡng Và Bảo Vệ Thực Vật cho Nông Dân Việt” được tổ chức bởi “Nhóm hiện thực hóa giấc mơ Israel cho nông nghiệp Việt Nam” tại TP.HCM vào chiều 16/07/2017.

Tiềm năng lớn hơn Grab, Uber

Trong tương lai không xa, người nông dân có thể phân tích mẫu đất, tưới nước, bón phân và mua các nguyên vật liệu phụ trợ cho quá trình trồng trọt của mình bằng vài nút bấm trên điện thoại, giảng viên Lê Văn Phận - Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho biết.

“Nếu có một chút kiến thức, tự tay người dân cũng có thể chế tạo được một số máy bơm thông minh đơn giản với chi phí chưa đến 2 triệu đồng”, thầy Phận nói thêm.

Theo thầy Phận, quy trình hoạt động của ứng dụng IoT tối ưu nhất hiện nay mà chúng ta có thể xây dựng bao gồm 3 bước: đầu tiên, cắm cảm biến xuống đất để thu thập các thông tin về độ ẩm, nồng độ dinh dưỡng; bước 2 là thiết bị tự động gửi tất cả thông tin thu được đến một phần mềm thống kê tổng, các nhà khoa học hoặc máy móc sẽ phân tích và gửi lại chỉ dẫn cho người dân. Bước thứ 3 xảy ra gần như đồng thời với thứ 2 là: “người sử dụng cuối cùng” có thể đăng nhập ứng dụng để truy xuất thông tin và theo dõi nguồn gốc thức ăn của mình.

Giảng viên Lê Văn Phận chia sẻ với khách tham dự quy trình chế tạo IoT (Ảnh: Tùng Minh)

“Ngoài ra, kĩ sư còn có thể tích hợp các hoạt động mua bán, vận chuyển, trao đổi nông sản giữa nông dân và người sử dụng thực phẩm để ứng dụng trở nên thật sự tiện lợi. Nếu tích hợp được các chức năng trên thì tiềm năng của IoT nông nghiệp còn lớn hơn cả Grab hay Uber”, thầy Phận nhận định.

Đồng quan điểm với thầy Phận, chị Lan Anh bổ xung thêm: mặc dù nông dân có rất nhiều kinh nghiệm nhưng chủ yếu các hoạt động trồng trọt vẫn mang tính bản năng, ước đoán. Nhiệm vụ của chúng ta là định lượng hóa trải nghiệm của bà con và tạo ra quy trình khoa học.

Chị Lê Lan Anh giới thiệu một số tính năng của IoT (Ảnh: Tùng Minh)

“Mỗi giống cây có một điểm tối ưu nước riêng, nếu được tưới nhiều hay ít hơn điểm đó thì sản lượng của cây trồng sẽ giảm. Tưới đúng nước thì cây sẽ khỏe dẫn tới tăng khả năng chống dịch bệnh nên sẽ được tưới ít thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hơn; kết quả cuối cùng là an toàn hơn cho người nông dân và người sử dụng”, chị Lan Anh nói.

Đầu tư 3 năm mới đạt được tiêu chuẩn hữu cơ

Ông Nachshon Lahav - chuyên gia Israel về giống, phân bón và thuốc BVTV hữu cơ tại Việt Nam, cũng khuyến nghị người dân chuyển qua hình thức canh tác hữu cơ.

“Khi chúng ta tác động xấu đến thiên nhiên; mẹ Trái đất sẽ phản ứng dẫn tới thảm họa như lũ lụt, hạn hán ảnh hưởng lại con người. Canh tác hữu cơ là hình thức cân bằng mối quan hệ của hai bên: con người, động vật có thực phẩm sạch để ăn và thiên nhiên vẫn được an toàn”, Nachshon nói thêm.

Để xây dựng tiêu chuẩn trang trại hữu cơ thì người có nhu cầu phải liên hệ với các cơ quan đánh giá được ủy quyền. Tiếp theo đó, trung tâm sẽ đưa ra hướng dẫn với hạn mức 3 năm để bà con cải tạo môi trường chăn nuôi, trồng trọt. Sau thời gian đó, một nhóm chuyên gia sẽ trực tiếp đến thẩm định và cấp giấy phép cho các trang trại đạt chỉ tiêu, ông Nachshon Lahav hướng dẫn.

Ông Nachshon Lahav nói về lí do thực hiện trang trại hữu cơ (Ảnh: Tùng Minh)

Tuy nhiên, đại đa số người dùng vẫn chưa thể tiếp cận được thực phẩm sạch vì giá thành quá cao của những sản phẩm trên. Để giải quyết tình trạng này, cô Nguyễn Thị Thiêm – chủ một trang trại hữu cơ ở TP.HCM, khách mời của chương trình, đề xuất phương án tự tạo phân bón ở nhà thay vì đi mua.

“Nếu mua phân bón ngoài thị trường tốn 10 đồng thì phân do người dân tự tạo chỉ tốn 1 đồng. Chỉ cần đọc tài liệu trên Google là chúng ta có thể tự làm các loại phân chuồng, phân vi sinh vật đơn giản ở nhà”, cô Thiêm nói thêm.

Cô Nguyễn Thị Thiêm chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt của mình (Ảnh: Tùng Minh)

Internet of Things (IoT) là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình. Và tất cả đều có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet.

Mặc dù đã manh nha từ lâu nhưng kỷ nguyên Internet of Things chỉ thực sự được sự được chú ý và bùng nổ trong những năm gần đây (với tên gọi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0), sau sự phát triển của smartphone, tablet và những thiết bị kết nối không dây,…

Tùng Minh

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/iot-da-den-gan-voi-nong-dan-hon-bao-gio-het-c7a549376.html