Iran: Bảo vệ chương trình hạt nhân

Trong khi thế giới lo ngại Israel và các quốc gia phương Tây gia tăng trừng phạt lên Iran, chuẩn bị tấn công quốc gia Hồi giáo này thì Iran vẫn kiên quyết bảo vệ chương trình hạt nhân.

Hãng Reuters ngày 16-11 đưa tin, cố vấn Mohammad Javad Larijani của lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei cho biết Tehran sẵn sàng chia sẻ công nghệ hạt nhân với các nước láng giềng.

Iran cũng sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân với các quốc gia ngoài khu vực, trước tiên là Brazil. Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã bỏ phiếu bác Nghị quyết của HĐBA LHQ về việc trừng phạt Iran diễn ra tháng 6 năm ngoái.

Ngày 15-11, Hoàng thân Saudi Arabia Turki al-Faisal, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo nước này, cho rằng một cuộc tấn công quân sự với mục đích buộc Iran ngừng chương trình hạt nhân có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Nó có thể khiến chính quyền Tehran thêm quyết tâm sản xuất bom nguyên tử.

Sinh viên Iran tập trung ở Trung tâm Công nghệ hạt nhân Isfahan ủng hộ chương trình hạt nhân của nước mình. Ảnh: AFP

Trước đó, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã cảnh báo cuộc tấn công của Israel với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây nhằm vào Iran sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến đẫm máu với những hậu quả khó lường đối với thế giới. Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) về chương trình phát triển hạt nhân của Iran đã đẩy thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân mà Mỹ, Anh và Israel đang nhắm vào Iran.

Về phần mình, cố vấn Larijani cho biết Tehran đang nghiêm túc xem xét mối đe dọa bị tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân và khẳng định Iran sẽ không bao giờ từ bỏ quyền được nắm giữ công nghệ hạt nhân.

Theo tường trình trên trang www.globalresearch.ca (của Global Research - một tổ chức nghiên cứu và dự báo ở Canada), một chương trình của Washington có tên “Cuộc hành trình đến chiến tranh: việc gia tăng hải quân ở vịnh Persic và Đông Địa Trung Hải” đã có các chi tiết chứng minh được mục tiêu sắp tới của những chiến hạm tối tân nhất trong vịnh Persic là Iran.

Theo đó, Afghanistan không có biển, còn các bờ biển và hải cảng tại Iraq đều nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ và đồng minh. Cho nên có thể kết luận rằng Mỹ muốn con đường qua eo biển Hormuz sạch mìn để dễ tấn công Iran. Tàu chỉ huy USS Enterprise của nhóm đột kích Enterprise (còn gọi là Nhóm 5, bao gồm cả một chiến hạm của Canada) có thể chở theo những đơn vị triển khai đổ bộ nhanh hoặc tấn công từ trên không. Phi đội số 1 máy bay trực thăng chống ngầm cũng có mặt trên USS Enterprise.

Điều này cho thấy: Việc chống tàu ngầm chỉ có thể diễn ra trong một cuộc xung đột với một quốc gia có hạm đội tàu ngầm quy mô. Iran là nước duy nhất trong khu vực có một hạm đội như vậy.

NHƯ QUỲNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thegioi/2011/11/273623/