Iraq chìm trong thách thức nan giải

(PL&XH) - Ngày 30-4, đã xảy ra một vụ nổ bom gần điểm bầu cử ở thị trấn Dibs, gần TP Kirkuk, miền Bắc Iraq, làm 2 phụ nữ thiệt mạng.

Tình hình chính trị ở Iraq từ hơn 1 năm nay rất hỗn loạn. Những bế tắc trong việc tìm kiếm trật tự an ninh tại quốc gia bị Mỹ xâm chiếm rồi bỏ rơi này, cũng như chính sách hai mặt của Washington đối với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Quaeda để tìm kiếm lợi ích ích kỷ của riêng mình, đã khiến cho đất nước giàu dầu mỏ này đang chìm trong những thách thức nan giải.

Bạo lực nối tiếp bạo lực

Ngày 30-4, đã xảy ra một vụ nổ bom gần điểm bầu cử ở thị trấn Dibs, gần TP Kirkuk, miền Bắc Iraq, làm 2 phụ nữ thiệt mạng. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh các cử tri đang đi bỏ phiếu bầu Quốc hội trong điều kiện an ninh được thắt chặt sau khi xảy ra làn sóng bạo lực trước thềm bầu cử. Cũng trong ngày 30-4, 2 quả đạn pháo đã rơi gần các trung tâm bầu cử ở phía Tây thủ đô Baghdad song không gây thương vong.

Trước đó, sáng 29-4, đã xảy ra đánh bom kép tại thị trấn Saadiyah, Đông Bắc thủ đô Baghdad của Iraq, làm ít nhất 10 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Ngày 28-4, cũng xảy ra một vụ đánh bom liều chết ở thị trấn liền kề Khanaqin, làm 30 người thiệt mạng và 50 người bị thương. Những kẻ đánh bom liều chết tấn công một cuộc tập hợp chính trị và những cảnh sát, binh sĩ Iraq đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử. Những người Kurd này đang tập trung ăn mừng sự xuất hiện trên ti vi của Tổng thống Iraq Jalal Talabani, một người Kurd bị tước quyền bỏ phiếu hồi năm 2012, khi ông bỏ lá phiếu ở Đức - nơi ông đang trị bệnh.

Vài ngày trước đó, tại ngay thủ đô Baghdad cũng xảy ra một vụ bạo lực nghiêm trọng, làm gần 100 người thương vong. Nguồn tin Bộ Nội vụ Iraq cho biết, ngày 25-4 đã có ít nhất 31 người thiệt mạng và 56 người bị thương trong vụ đánh bom kép tại một cuộc tập hợp vận động cho bầu cử quốc hội ở thủ đô Baghdad. 2 quả bom đã phát nổ liền nhau khi những người ủng hộ khối Sadiqun, cánh chính trị của nhóm Hồi giáo dòng Shiite Asaeb Ahel al-Haq, đang tổ chức cuộc tập hợp gần một CLB thể thao phía Đông Baghdad. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ tấn công này.

Theo tờ “As-Sharki Al-Ausat”, một nhóm thân cận với Al-Qaeda mới đây đã nắm quyền kiểm soát hai TP chính thuộc tỉnh Al-Anbar là Falloujah và Ramadi, gần thủ đô Baghdad của Iraq. Và đương nhiên là các lực lượng an ninh của chính phủ tìm cách giành lại quyền kiểm soát 2 TP này, trong khi Thủ tướng Nouri al-Maliki kêu gọi người dân địa phương đánh đuổi bọn khủng bố. Các cuộc giao tranh lại diễn ra trong khi các số liệu do Liên hợp quốc công bố cho thấy tỷ lệ tử vong ở quốc gia này năm 2013 đã tăng tới mức cao nhất kể từ khi có sự tiếp viện của quân đội Mỹ vào năm 2007-2008. Theo Liên hợp quốc, số nạn nhân dân thường Iraq thiệt mạng do bạo lực năm 2013 là 7.818 người, cùng với hơn 1.050 thành viên thuộc các lực lượng an ninh bị chết trong cùng thời kỳ. Một ước tính khác của nhóm Iraq Body Count của Anh (IBC) đưa ra con số cao hơn, là 9.475 dân thường thiệt mạng.

Những hình ảnh này cũng đủ cho thấy sự hỗn loạn của chính trường Iraq. Ảnh: TL

Các phe phái tranh giành quyền lực…

Chính quyền của Thủ tướng Maliki bị tranh cãi không những bởi người Arab Sunni thù địch với chính quyền hiện hành của người Shiite, mà bởi cả một số đồng minh Shiite của ông Maliki và người Kurd. Từ hơn một năm nay, nhiều cuộc biểu tình lớn, đôi khi có thể lên tới hàng trăm nghìn người, đã diễn ra ở tỉnh Al-Anbar đòi thủ tướng từ chức và thay đổi chính sách của Chính quyền Iraq đối với người Sunni.

Cần phải công nhận rằng từ khi Saddam Hussein bị lật đổ và chính quyền Iraq mới được thành lập sau các cuộc bầu cử “dân chủ,” theo nguyên tắc “một người một lá phiếu,” người Shiite, chiếm đa số ở Iraq, cùng với các đồng minh người Kurd của mình, chiếm hơn 70% dân số Iraq, tất nhiên đã chiến thắng trong cuộc bầu cử và lập ra một chính phủ. Nhưng trong một xã hội mà ở đó người Sunni của Saddam Hussein, dù chỉ chiếm thiểu số, đã từng cầm quyền ở Iraq trong nhiều thập niên và nhất là đã quen với những sự hào phóng của Saddam Hussein, thì thật khó mà chấp nhận qui chế của nhóm người đa số và bị gạt ra bên lề quyền lực kể từ khi Saddam Hussein bị treo cổ.

Như vậy, càng thấy rõ nếu chỉ có các cuộc bầu cử, dù tự do và minh bạch đến mấy, thì cũng vẫn không thể đáp ứng được các vấn đề về chính trị, kinh tế và xã hội của một đất nước bị chia rẽ sâu sắc về sắc tộc và tôn giáo như Iraq. Đó là lý do khiến một bộ phận không nhỏ cử tri tẩy chay các cuộc bầu cử trong một thời gian dài. Từ năm 2010, khi bắt đầu chấp nhận tham gia bầu cử, những người này đã đòi một phần quyền lực trong khuôn khổ hệ thống bầu cử lập ra một đa số và một thiểu số. Chính quyền Iraq đã đáp ứng, bằng cách bổ nhiệm nhiều Bộ trưởng người Sunni hoặc dành cho họ những chức vụ như Phó tổng thống “ngồi chơi, xơi nước,” như ông Hachemi, người sau đó đã bị tố cáo là giúp đỡ bọn khủng bố và đã tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc chủ tịch Quốc hội.

Khi người Sunni nhận ra sự thật về chính sách độc đoán của Maliki và việc rõ ràng không có một sự chia sẻ quyền lực thực sự với người Sunni, cộng đồng này đã quay sang ủng hộ các tổ chức Hồi giáo cực đoan, nhất là tổ chức liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông và một số nước Arab thù địch với chế độ Shiite ở Iraq hiện thời. ISIS có mặt ở tỉnh Al-Anbar, đã đưa ra sáng kiến đánh đuổi các lực lượng giữ gìn trật tự của chính phủ ở Ramadi và nhất là ở TP Fallouja, nơi diễn ra các cuộc chiến lớn giữa người Hồi giáo và quân Mỹ hồi năm 2003 và 2004. ISIS thực ra là một đội dân quân Hồi giáo Sunni có liên hệ với mạng lưới Al-Qaeda, trở thành một trong những thành phần chính của các cuộc giao chiến của quân phiến loạn trong cuộc chiến tranh với phương Tây để có được sự thay đổi chế độ ở nước Syria láng giềng.

Bằng cách xâm chiếm phần lãnh thổ phía Bắc Syria, ISIS đã chứng tỏ khả năng đưa các lực lượng qua biên giới Iraq -Syria để tiến hành các vụ khủng bố nhằm vào các đơn vị cảnh sát và quân đội, hoặc chống các lực lượng thuộc các xu hướng tôn giáo khác. Mục tiêu của tổ chức này là thiết lập một vương quốc Sunni trải dài ở cả hai nước Iraq-Syria. Nhưng ISIS không thể nhúng tay vào Fallouja và Ramadi mà không có sự ủng hộ của ít nhất một bộ phận dân chúng.

Vụ đánh bom kép ở Baghdad hôm 25-4. Ảnh: TL

… và nước ngoài tìm cách gây ảnh hưởng

Nguy cơ Somalia hóa ở Iraq đang hiển hiện, đơn giản là vì Iraq sau thời Saddam Hussein chưa bao giờ có một thời kỳ hoàn toàn an toàn, dù là dưới thời quân Mỹ chiếm đóng hay sau khi Mỹ rút quân vào cuối năm 2011. Ngay sau khi Chính phủ Iraq tìm lại được phương tiện để thực hiện chủ quyền thì họ cũng không thiết lập được nền an ninh và cũng không chấm dứt được sự tồn tại của các tổ chức khủng bố trên lãnh thổ mà mình “có chủ quyền”. Cuộc xung đột giữa người Shiite và người Sunni được thể leo thang nhờ cuộc chiến tranh ở Syria. Cuộc xung đột Syria ngày càng trở thành một cuộc đối đầu giữa quân phiến loạn Thánh chiến Jihad Sunni, được các chế độ quân chủ vùng Vịnh ủng hộ, với chính quyền được Iran và phong trào Hezbollah tiếp tay.

Cuộc khủng hoảng Iraq cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng do sự thù địch giữa Iran với Saudi Arabia. Sự sụp đổ của Saddam Hussein đã khiến chế độ Iran được lợi rất lớn, mà ảnh hưởng hiện nay của họ ở Iraq là điều hiển nhiên nhất, ai cũng nhìn thấy. Thế nhưng, Saudi Arabia đương nhiên là không bao giờ chấp nhận sự gia tăng ảnh hưởng này của Iran tại Iraq. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng Saudi Arabia, tài trợ và ủng hộ về hậu cần cho các nhóm khủng bố như Mặt trận Al-Nusra có liên quan đến mạng lưới Al-Qaeda, có mặt tại Syria và cả ở Iraq, không muốn để cho Iraq được ổn định. Các chuyên gia thậm chí còn cho rằng lợi dụng cuộc chiến tranh ở Syria, các chiến binh Sunni của ISIS phối hợp với các đồng minh khác có tham vọng thành lập, trong thời gian đầu, một tiểu vương quốc với trung tâm là tỉnh Al-Anbar, chiếm một phần ba lãnh thổ Iraq.

Có vẻ như phải rất lâu nữa Iraq mới có được hòa bình, ổn định. Những vấn đề nói trên cho thấy hiện nay người ta đang chứng kiến một tình hình vô cùng phức tạp ở Iraq. Nền dân chủ mà người ta thấy ở phương Tây, tức là dựa vào các cuộc bầu cử dân chủ, đã thất bại ở Iraq. Rõ ràng, tại một đất nước phụ thuộc vào cộng đồng và tôn giáo, các đảng khác nhau của người Shiite và người Kurd chiếm tới 70% số ghế trong Quốc hội và thậm chí còn nhiều hơn, thì việc ổn định xã hội không hề dễ dàng.

Minh Tâm

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20140504121929205p1003c1036/iraq-chim-trong-thach-thuc-nan-giai.htm