Israel loại biên toàn bộ hệ thống lá chắn mà Ukraine đang thèm khát

Trong khi Israel đã loại biên hoàn toàn hệ thống lá chắn Patriot và thay thế bằng những loại tên lửa tốt hơn thì Ukraine lại đang rất 'khát' nó để chống đỡ các cuộc tấn công từ Nga.

Cùng chung trải nghiệm

Theo Business Insider, cả Israel và Ukraine đều có chung trải nghiệm khó quên với hệ thống lá chắn tên lửa Patriot. Israel lần đầu sử dụng Patriot vào năm 1991 để đánh chặn 40 quả tên lửa đạn đạo Scud do Iraq phóng vào các thành phố của Israel.

Dù cuộc không kích không khiến quá nhiều người thiệt mạng nhưng Israel vẫn cảm thấy thất vọng về khả năng bọc lót của Patriot khi chỉ đánh chặn được 1 quả tên lửa Scud trong số này.

Hệ thống tên lửa Patriot mà Israel đã loại biên (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Israel thậm chí không sử dụng Patriot trong chiến đấu mãi cho đến những năm 2010 khi hệ thống lá chắn Patriot bắn hạ máy bay không người lái (UAV) và oanh tạc cơ Su-24 tiến hành các cuộc không kích từ Syria.

Ở thời điểm đó, Patriot đã được nâng cấp toàn diện để trở thành thành một hệ thống hoàn toàn khác biệt. Cụ thể, sau thất bại trong việc chống lại tên lửa Scud của Iraq, Patriot đã "lột xác" đáng kinh ngạc khi được trang bị hệ thống radar tìm kiếm chủ động cho phép tấn công trực tiếp các mục tiêu và phá hủy bằng động năng.

Những quả tên lửa "tìm và diệt" trên hệ thống Patriot thế hệ 3 (PAC-3) có trị giá vào khoảng 4 triệu USD đã chứng minh hiệu quả vượt trội so với "người tiền nhiệm" Patriot PAC-2 chỉ được trang bị tính năng phát nổ khi đến gần mục tiêu đơn thuần.

Trong khi đó, kể từ khi nhận được cả Patriot PAC-2 và PAC-3 từ đầu năm 2023, Ukraine đã rất thành công trong việc sử dụng chúng để bắn hạ tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Kinzhal mà phía Nga từng tuyên bố là "không thể ngăn chặn". Từ đầu năm 2024, Ukraine tiếp tục triển khai một hệ thống Patriot gần khu vực chiến tuyến và cũng đã bắn hạ được một số chiến đấu cơ tốt nhất của Nga.

Israel có sự thay thế hiệu quả lại rẻ hơn

Tuy nhiên, Patriot chỉ là một phần trong hệ thống lá chắn tên lửa dày đặc mà Israel và các đồng minh triển khai chống lại số lượng lớn tên lửa và UAV của Iran và các nhóm phiến quân do nước này hậu thuẫn tấn công dồn dập vào nước này đêm 13/4 để trả đũa cuộc không kích của Israel nhằm vào tòa Đại sứ quán Iran tại Syria gần 2 tuần trước đó.

Israel sở hữu nhiều lá chắn tên lửa hữu hiệu lại có chi phí thấp hơn nhiều so với Patriot (Ảnh: AP).

"Israel từ lâu đã tìm kiếm sự thay thế cho Patriot bằng một hệ thống lá chắn tên lửa bản địa tối tân hơn không chỉ bởi lịch sử hoạt động của Patriot mà còn vì khó khăn trong chuỗi cung ứng", ông Ryan Bohl, nhà phân tích cao cấp về Trung Đông và Bắc Phi tại Công ty tình báo RANE nhận định.

"Quá trình loại biên Patriot diễn ra không lâu sau vụ tấn công quy mô lớn bằng tên lửa của Iran nhằm vào Israel không gây ra quá nhiều bất ngờ bởi nó là xu hướng tất yếu. Tôi nghĩ Israel cho rằng Patriot đã lỗi thời và quá đắt đỏ để tiếp tục duy trì trong khi những hệ thống lá chắn mới đã chứng tỏ những đột phá về công nghệ", ông Bohl nói thêm.

Cùng chung quan điểm trên, ông Federico Borsari, chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, bày tỏ tin tưởng Israel đã phát triển được một hệ thống phòng thủ tên lửa tốt hơn và đó cũng chính là lý do họ quyết định loại biên hệ thống Patriot.

"Quyết định loại biên hệ thống Patriot PAC-2 diễn ra đồng thời với quá trình hiện đại hóa và nâng cấp mạnh mẽ hệ thống cấu trúc phòng không của Israel đi kèm với những tính năng tiên tiến được trang bị trên Vòm Sắt và David's Sling.

Hệ thống tên lửa Stunner trên David's Sling có tầm đánh chặn xa hơn và chống lại hiệu quả bất kỳ mối đe dọa trên không nào từ khoảng cách 300km so với chỉ 160km của hệ thống tên lửa GEM-T trên Patriot PAC-2.

Cả hai hệ thống này có tầm đánh chặn tương đương với những mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo dù tầm hoạt động hiệu quả tối đa của David's Slings thậm chí còn rộng hơn cả Patriot PAC-3", ông Borsari lý giải.

Bên cạnh đó, theo ông Borsari, hệ thống radar ELM-2084 có thể gắn trên xe tải của David's Sling cho phép chúng có được tính cơ động cao và khả năng triển khai nhanh chóng.

"Hệ thống đánh chặn của David's Sling còn được thiết kế để chống lại các mục tiêu tấn công hàng loạt một cách dồn dập như những gì Iran đã làm mới đây nhờ sự phối hợp hữu hiệu với các tên lửa tầm gần của Vòm Sắt", ông Borsari nói thêm.

Trong khi đó, nhà phân tích cấp cao Bohl chỉ ra rằng, David's Sling rất hiệu quả khi dùng đánh chặn những mục tiêu bay thấp hoặc theo dõi đường bay của đạn pháo. Ngoài ra, tên lửa Stunner sử dụng trên David's Sling còn rẻ hơn đáng kể so với những loại tên lửa được trang bị trên Patriot PAC-3.

Israel có sẵn lòng trao Patriot cho Ukraine?

Dù vậy, một câu hỏi được đặt ra là liệu Israel có sẵn lòng chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine khi Israel trước đó từng từ chối yêu cầu của Mỹ trao tên lửa phòng không tầm trung HAWK mà nước này đã loại biên và nằm sẵn trong kho với số lượng lớn cho Ukraine.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mọi chuyện có thể khác trong trường hợp của Patriot.

"Tôi nghĩ vẫn có khả năng Israel sẽ chuyển hệ thống Patriot trở lại cho Mỹ và từ đó Mỹ chuyển qua cho Ukraine. Đó sẽ là "cách đáp trả sòng phẳng" theo cách nhìn nhận của người Israel bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã khiến số đạn 155mm mà Israel đang rất cần từ Mỹ bị chuyển giao hết cho Ukraine", ông Bohl nói.

Ukraine đang dựa rất nhiều vào các hệ thống tên lửa mà Mỹ cung cấp để đối phó với Nga (Ảnh: AP)

Dù vậy, theo ông Borsari, cả Mỹ và các đồng minh châu Âu cần lên tiếng yêu cầu Israel trao hệ thống phòng không Patriot PAC-2 cho Ukraine.

"Dù số lượng hệ thống phòng không Patriot PAC-2 có thể không đủ để triển khai trên toàn bộ chiến tuyến nhưng cũng giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước các cuộc không kích ngày càng dữ dội của Nga. Cho đến nay, Israel vẫn từ chối lời kêu gọi cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng sức ép từ Mỹ và đồng minh có thể sẽ buộc Israel phải thay đổi quyết định", ông Borsari nhận định.

Trong trường hợp hệ thống Patriot không thể đến tay Ukraine, nhiều khả năng sẽ được chuyển giao cho một quốc gia khác trong khu vực. Jordan từng lên tiếng yêu cầu Mỹ triển khai một hệ thống Patriot ở nước này hồi tháng 10 và Jordan cũng chính là nước từng hỗ trợ Israel chống đỡ loạt tên lửa và UAV của Iran đêm 13/4.

"Việc bàn giao hệ thống Patriot từ Israel đến một nước thứ 3 như Jordan hoặc một quốc gia đồng minh trong Vùng Vịnh như UAE, Bahrain hay Saudi Arabia cũng là "những lá bài" mà Mỹ có thể cân nhắc để tăng cường khả năng phòng không trên toàn khu vực. Việc chuyển giao các vũ khí này cho Jordan là hoàn toàn có thể dù xét trên tình hình hiện tại các quốc gia phương Tây sẽ ưu tiên cho Ukraine hơn", ông Bohl kết luận.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/israel-loai-bien-toan-bo-he-thong-la-chan-ma-ukraine-dang-them-khat-192240503150136302.htm