Israel-Palestine: Cơ hội lịch sử tiến tới hòa bình

Với nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt 6 thập kỷ xung đột tại Trung Đông, ngày 2-9, dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông George Mitchell, cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sau gần 2 năm gián đoạn giữa Israel và Palestine đã diễn ra tại Washington (Mỹ).

Trong cuộc hội đàm, lãnh đạo 2 bên đề cập đến những khó khăn phải đối mặt trong thời gian tới như: không để tái bùng phát bạo lực và hằn thù làm chệch hướng mục tiêu thành lập một nhà nước Palestine độc lập, đảm bảo an ninh của Israel, quy chế quản lý Jerusalem, số phận người tị nạn Palestine… Thủ tướng Israel B.Netanyahu cho rằng hòa bình sẽ ngự trị khi cả 2 bên cùng biết nhượng bộ. Ông đã kêu gọi người dân Palestine hãy công nhận Israel là nhà nước của người Do Thái. Trong khi đó, Tổng thống Palestine M.Abbas thúc giục Chính phủ Israel chấm dứt các hoạt động xây dựng khu định cư ở Bờ Tây, một phần trong lãnh thổ của nhà nước Palestine độc lập trong tương lai và dỡ bỏ lệnh phong tỏa Dải Gaza. Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton đã cảm ơn những nỗ lực và cam kết của 2 ông B.Netanyahu và M.Abbas bởi bà hiểu rằng nối lại đàm phán trực tiếp không phải một quyết định dễ dàng. Từ Vienna (Áo), Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hoan nghênh việc nối lại đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel. Ông Ban Ki-moon cũng khẳng định sự ủng hộ của ông dành cho ông M.Abbas và cộng đồng quốc tế sẽ ghi nhận vai trò lãnh đạo toàn diện của ông Abbas. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa 2 nước kể cả việc 2 bên chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Ông S.Lavrov nói: “Họ có thể không đạt được thành công mỹ mãn nhưng việc nối lại đàm phán cho thấy họ không quên trọng trách của mình”. Cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ mở màn cho hàng loạt các cuộc gặp khác dự kiến kéo dài trong 1 năm nhằm thảo luận về một nhà nước Palestine độc lập. Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng tối 1-9, ông Obama đã nhấn mạnh đây là cơ hội lịch sử và các bên cần phải nắm lấy để đi đến một thỏa thuận hòa bình cho Trung Đông. Trong khi đó, phong trào Hamas đang kiểm soát Dải Gaza, tiếp tục mở cuộc tấn công mới nhằm vào binh lính Israel từ Khu Bờ Tây. Mỹ đã gọi đây là hành động phá hoại hòa bình ở Trung Đông và kêu gọi lãnh đạo Israel, Palestine không để vụ việc làm ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán. Đ.C.

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thegioi/2010/9/236088/