Jane Austen chết vì ngộ độc thạch tín?

(TT&VH) - Austen, nhà văn Anh “được yêu thích nhất mọi thời đại”, tác giả của Sense And Sensibility (Lý trí và tình cảm), Pride And Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) đã qua đời từ năm 1817 ở tuổi 41.

Từ đó đến nay, các chuyên gia vẫn không thể đưa ra được nguyên nhân chính xác về cái chết của bà, mặc dù hầu hết cho rằng bà chết vì bệnh ung thư hoặc bệnh suy thượng thận mạn. Nhưng nhà văn trinh thám Lindsay Ashford tin rằng Austen có thể chết vì bị ngộ độc thạch tín.

1. Nhà văn Ashford có cơ sở để đưa ra giả thuyết của mình. Cách đây 3 năm, Ashford tới ngôi làng Chawton của Austen để viết một cuốn tiểu thuyết về tội phạm mới. Khi tới đây, bà đã đọc nhiều bức thư của Austen và một câu trong đó khiến bà đặc biệt nghi ngờ. Austen viết: “Tôi đang khỏe lên nhiều và thị lực của tôi cũng tốt hơn chút ít. Trước đó thì thật tồi tệ, da thì loang lổ các màu nâu, đen, trắng”.

Trong quá trình viết tiểu thuyết, nhà văn Ashford đã nghiên cứu nhiều về các vụ tội phạm, nên khi đọc thư của Austen bà nhận thấy những triệu chứng đó giống với những chứng bệnh do ngộ độc thạch tín.

Nghi ngờ về điều đó, Ashford liên lạc với Hiệp hội Jane Austen ở Bắc Mỹ và Chủ tịch của Hiệp hội này cho biết, một lọn tóc của Austen được lưu giữ trong một bảo tàng đã được xét nghiệm và có kết quả dương tính với thạch tín.

Trong thời của Austen, thạch tín được sử dụng như một loại thuốc. “Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi nghĩ rằng Austen được kê một loại thuốc có chứa thạch tín. Các triệu chứng của bà chẳng khác gì triệu chứng của người bị ngộ độc thạch tín” - Ashford nói với tờ The Guardian. “Là một nhà văn viết truyện về tội phạm, tôi đã nghiên cứu nhiều về thạch tín. Tôi thật may mắn khi phát hiện ra điều này nhờ đọc thư của Austen”.

Song Ashford cũng không ngoại trừ khả năng Austen đã bị giết hại bằng thạch tín, chứ không đơn thuần chỉ ngộ độc do dùng thuốc. Và bà đã suy xét về vấn đề này trong cuốn tiểu thuyết mới The Mysterious Death Of Miss Austen (tạm dịch: Cái chết bí ẩn của Austen). “Trong đầu thế kỷ 19, rất nhiều kẻ đã thoát tội giết người khi đầu độc nạn nhân bằng thạch tín. Đến năm 1836, người ta mới bắt đầu tìm được chất thạch tín trong quá trình xét nghiệm thi hài” - Ashford cho biết.

2. Austen (16/12/1775-18/7/1817) là một trong số những nhà văn có ảnh hưởng nhất và được trọng vọng nhất trên văn đàn nước Anh nhờ những bình phẩm về các vấn đề xã hội cùng văn phong tuyệt kỹ trong nghệ thuật dẫn chuyện và xây dựng những tình huống oái ăm. Bà chỉ viết một số ít tiểu thuyết, như Sense And Sensibility (Lý trí và tình cảm), Pride And Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến), Mansfield Park, Emma, Northanger Abbey và Persuasion (Thuyết phục), nhưng tất cả đều trở thành tác phẩm kinh điển và được các thế hệ luôn tìm đọc.

Những tác phẩm của bà lấy bối cảnh trong Thời kỳ Nhiếp chính (Regnecy Era) - từ năm 1795 đến 1830, nổi bật với những đặc thù về chính trị, văn hóa và trang phục. Trong suốt cuộc đời mình, Janes Austen chưa hề kết hôn, nhưng những câu chuyện tình yêu lãng mạn phần nào được nhà văn khai thác từ chính cuộc tình của mình với Tom Lefroy.

Austen hiện vẫn được xem là một trong những nhà văn lãng mạn nhất. Cuộc đời và tác phẩm của bà đã là chủ đề của nhiều phim nhựa và phim truyền hình. Chưa kể còn có nhiều sản phẩm văn học “ăn theo”, từ những câu chuyện hiện đại như The Jane Austen Book Club của Karen Joy Fowler tới những câu chuyện hư cấu như Mr. Darcy’s Diary của Amanda Grange.

Trong cuộc bình chọn do đài BBC tổ chức ở Anh năm 2005, Jane Austen được chọn là nhà văn nữ Anh được ưa thích nhất mọi thời đại. Riêng cuốn tiểu thuyết Pride And Prejudice được bình chọn là tác phẩm của nhà văn Anh được ưa thích thứ 2 mọi thời đại, chỉ đứng sau cuốn Lord Of The Ring (Chúa tể những chiếc nhẫn).

Việt Lâm (tổng hợp)

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/173n20111117055259343t133/jane-austen-chet-vi-ngo-doc-thach-tin.htm