Jerusalem, di sản văn hóa của nhân loại

Trên cuộc hành trình từ đất Thánh Vatican, Roma, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Thánh địa Jerusalam vào một buổi chiều cuối hè, nắng như thiêu như đốt. Nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ C...

Jerusalem, di sản văn hóa của nhân loại

Jerusalem theo tiếng Do Thái Jerushalayin có nghĩa là “Hòa bình sẽ xuất hiện” thuộc nhà nước Israel, được xây dựng ở độ cao 800 mét so với mực nước biển. Jerusalem nằm giữa Địa Trung Hải và biển Chết. Phía Đông giáp Tel Aviv, Nam giáp Ramallah, Tây là thành phố Jerico và phía Bắc là Bethlehem của người Palestine.

Xe chúng tôi lượn quanh qua những ngọn đồi sỏi đá, chạy men theo bờ Địa Trung Hải, lô nhô những tòa chung cư cao tầng. Bỗng nhiên xe dừng lại, hiện ra trước mắt là bức tường đá cao sừng sững với 7 cửa tò vò ra vào, khiến tôi nhớ tới kinh Thánh Hebrew nói về thành phố cổ Jerusalem đã có cách nay hàng ngàn năm, được xây dựng từ thời Canaen và bị người Jébuse chiếm vào thiên niên kỷ thứ II Trước Công nguyên. Sau đó được vua Devid chiếm lại và xây thành thủ đô của Vương quốc Israel thống nhất và vua Salomon cho xây dựng ngôi đền thờ Do Thái giáo đầu tiên nhưng đã bị tàn phá khi Jerusalem bị quân La Mã xâm chiếm.

Đến năm 637, Jerusalem bị người Ả Rập chiếm đóng, Jerusalem trở thành Thánh địa của người Hồi giáo, theo truyền thuyết của Hồi giáo, Jerusalem là nơi dừng chân trong cuộc hành trình “Đêm kì bí” của Mohammad và từ đỉnh cao của ngọn đồi Moriah, Muhammad đã bay về Trời. Do đó người Hồi giáo coi Jerusalem là thành phố quan trọng thứ 3 (sau Mecca và Media). Như vậy Jerusalem trở thành Thánh địa chung của 3 tôn giáo: Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

Ngôi đền thờ Do Thái giáo đầu tiên nhưng đã bị tàn phá khi Jerusalem bị quân La Mã xâm chiếm.

Vào khoảng năm 1099, trong cuộc Thập tự chinh đầu tiên Godefroi de Boulillon đã chiếm đoạt Jerusalem. Năm 1250, quân Ả Rập và Mông Cổ thi nhau tàn phá, tiếp đến lại bị người Mamelouk và Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ thay nhau thống trị. Năm 1922, Jerusalem trở thành thủ đô của nhà nước Palestine, dưới sự ủy trị của Anh Quốc, sau khi bị đội quân viễn chinh Allenby thôn tính.

Năm 1945, những người Do Thái sống lưu vong, ra sức hoạt động thành lập nhà nước Israel có chủ quyền và lãnh thổ và một nhà nước Israel ra đời năm 1948. Vào lúc này Jerusalem có quy chế là một thành phố quốc tế. Người hướng dẫn kể rằng: cuộc sống đang yên ổn thì vào cuối năm 1948, cuộc xung đột đầu tiên nổ ra giữa người Israel và người Ả Rập, dẫn đến việc phải chia Jerusalem thành hai khu vực bởi một bức tường và hàng rào dây thép gai: Phần phía Đông Jerusalem do người Jordan quản lý, phía Tây là của người Israel. Và trong cuộc chiến 6 ngày (1967), người Israel đánh chiếm luôn phần đật Đông Jerusalem và tuyên bố Jerusalem thống nhất là thủ đô vĩnh viễn của nhà nước Do Thái, trong đó có khoảng trên 600.000 người Israel và khoảng 20 vạn người Palestine.

Phần lớn trong khu đất Thánh Jerusalem có nhiều di tích lịch sử. Tại đây mỗi cộng đồng tôn giáo đều có một khu phố riêng: Khu Cơ đốc giáo ở phía Tây thành phố, nằm quanh mộ Jesus. Khu Hồi giáo nằm về phía Đông Nam trong thung lũng Cedron.

Du khách đến thăm Jerusalem không lấy làm lạ bên cạnh việc mua bán ồn ào là tiếng râm ran đọc kinh cầu nguyện, tạ ơn là tiếng chuông ngân vang hòa trong tiếng hát nhịp nhàng. Nghĩa địa của các tôn giáo tập trung cạnh nhau trên các ngọn đồi, đủ nói lên mối quan hệ máu thịt của những tín dồ này đã trải qua bao đời nay.

Từ trên một ngọn đồi cao nhìn ra bốn phương, tám hướng là hình ảnh một Jerusalem hiện đại với những tòa cao ốc, những khách sạn sang trọng, là nhà hát, thư viện, là những tiệm ăn nổi tiếng từ xa xưa. Sau những bức tường đá rêu phong theo năm tháng là những con phố nhỏ, những ngõ ngách mái vòm, đường lát đá và những cửa hiệu sâu hun nhút đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Bên dưới các cửa tò vò là những người bán hàng rong, rao hàng bằng nhiều thứ tiếng: Ả Rập, tiếng Yidish, tiếng Hebrew, tiếng Armenia, tiếng Ba Lan, tiếng Anh…

Trong các phố nhỏ ô tô không đi được, các phu khuôn vác các kiện hàng nặng vẫn như xưa. Nếu ngoại trừ những hàng tiêu dùng hiện đại như ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động… đang bày bán thì người ta khó lòng đoán định thành phố Jerusalem đang ở thế kỷ nào. Bởi Jerusalem vẫn còn nguyên vẹn những công trình thời vua David, khoảng 1.000 năm Trước Công nguyên. Trên quảng trường rộng nửa dặm vuông của thành phố cổ này, các thế hệ con cháu xa xưa đang sinh sống trong 4 khu riêng biệt: Armenia, Do Thái, Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Người Armenia thờ phụng trong các ngôi nhà thờ Thánh James.

Người Do Thái chiến đấu và hy sinh hàng triệu người để giành quyền thờ phụng ở bức tường phía Tây (Western Wall). Người Cơ đốc giáo theo con đường khổ hạnh của Chúa Kitô, Đường Thánh giá, cuối con đường này là mộ của Chúa Jesus. Còn người Hồi giáo đến nhà thờ đá, nơi hội tụ của 3 tín ngưỡng lớn, bao quanh phiến đá thiêng, tên là Sakkra, nằm ở địa điểm cao nhất trên núi Moriah, nơi mà giáo trưởng Abraham trói con trai mình để làm vật tế sinh và cũng chính tại nơi đây, nhiều thế kỷ sau nhà tiên tri Mohammad đã lên ngôi Thánh Allah và bay về Trời từ khối đá này.

Một trong những niềm tự hào của người dân Jerusalem là Thánh đường Thạch vòm, một ngôi nhà 8 cạnh, được xây bằng những khối đá trùm lên khối đá Thiêng Sakkra, chu vi 160 mét, nhà vòm cao 83 m bằng gỗ, ngoài phủ một lớp mạ đồng thau vàng óng. Các cột bằng đá hoa cương. Thánh đường Thạch vòm là một công trình kiến trúc tiêu biểu của Hồi giáo có sự kết hợp hài hòa của 2 nền nghệ thuật Đông Tây.

Jerusalem không rộng lắm, nhưng có nhiều công công trình kiến trúc lịch sử tôn giáo. Mặc dầu trải qua bao thăng trầm lịch sử vơi những cuộc chiến đẫm máu, thành phố bị tàn phá nặng nề, nhưng Jerusalem rất tự hào là một thành phố ngoài những di tích lịch sử, còn có nhiều bảo tàng rất có giá trị như bảo tàng Eretz Israel có bộ sưu tập đồ cổ gồm các di vật còn lại của đền Phillistin tại Tel Quasila, viện bảo tàng Diaspora, giới thiệu về quá trình lịch sử của người Do Thái…

Thành phố Jerusalem được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1981.

Mạnh Thường/ KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/jerusalem-di-san-van-hoa-cua-nhan-loai-p45339.html