John Lennon và vụ kiện bản quyền - Kỳ 1

Trong bài hát 'Come Together' của nhóm nhạc Anh The Beatles, John Lennon đã dùng một câu trong một bài hát của nhạc sĩ Chuck Berry. Hành động này đã khiến John Lennon vướng vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm về bản quyền âm nhạc với một nhân vật gây tranh cãi nhất lịch sử kinh doanh âm nhạc.

ÔNG TRÙM KINH DOANH ÂM NHẠC

Morris Levy kiếm bộn tiền nhờ kinh doanh âm nhạc. Từ nhạc bebop cho tới nhạc jazz, doo - wop, rock và rock ‘n’ roll, thể loại nhạc nào Levy cũng nhúng tay vào. Tuy nhiên, ông ta không phải là nhà cách tân trong lĩnh vực âm nhạc, thậm chí cũng không phải là một nhạc sĩ. Levy chỉ đơn giản là một nhà kinh doanh khéo léo đến mức... lừa đảo.

Levy thuở nhỏ chỉ là một cậu bé đường phố ở New York, lớn lên trong thời Đại Suy thoái. Cậu ta bị đuổi học lúc 13 tuổi vì đánh giáo viên, bỏ nhà, chuyển tới Florida và lang thang ở các câu lạc bộ đêm cho đến khi đủ tuổi gia nhập Hải quân. Khi giải ngũ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Levy trở về New York và cuộc sống câu lạc bộ đêm. Năm 1949, với số tiền kiếm được từ các ông chủ hộp đêm nơi Levy từng làm việc, anh ta mở câu lạc bộ jazz huyền thoại Birdland.

Morris Levy trong văn phòng Roulette Records.

Một tối nọ, câu lạc bộ có một vị khách đã khiến Levy nảy sinh một ý tưởng đổi đời. Đó là một đại diện từ Hiệp hội Nhạc sĩ, Tác giả và Nhà xuất bản Mỹ (ASCAP), cơ quan chuyên thu tiền bản quyền tác giả đối với các bài hát được biểu diễn trước công chúng. Người này nói với Levy rằng anh ta phải trả phí hàng tháng để các nhạc sĩ biểu diễn các bài hát có bản quyền trong câu lạc bộ Birdland.

Levy ngay lập tức tống cổ người này ra khỏi câu lạc bộ, nghĩ rằng đó là một chiêu trò vòi tiền của một băng đảng tội phạm đối địch. Tuy nhiên, sau khi gọi điện cho luật sư, Levy biết rằng ASCAP là tổ chức hợp pháp. Levy chợt có một ý tưởng: sở hữu bài hát có thể hái ra tiền. Bất kỳ khi nào một bài hát được phát trên đài phát thanh hay được biểu diễn trước công chúng, chủ của quyền xuất bản sẽ nhận tiền bản quyền.

Levy bắt đầu thành lập một công ty xuất bản tên là Patricia Music (được đặt tên theo tên vợ) và đặt hàng các nhạc sĩ nhạc jazz làm việc trong câu lạc bộ đêm của mình sáng tác bài hát. Trong số đó có những bài hát quen thuộc như “Lullaby of Birdland” hay “The Yellow Rose of Texas”. Anh ta bắt đầu mua bản quyền của hàng trăm bài hát jazz, nhạc dân gian, rock ‘n’ roll, trong đó có bài “Party Doll” của Buddy Know, “Honeycomb” của Jimmie Rodgers và một loạt giai điệu khác nhau nổi tiếng nhờ các bậc thầy nhạc jazz như Dinah Washington, Sarah Vaughan và Count Basie. Tất cả các bản nhạc đều được Levy mua với giá rẻ bèo và anh ta thường xuyên quỵt tiền bản quyền của tác giả.

John Lennon - người từng bị Levy kiện.

Năm 1957, Levy được bầu làm chủ tịch của công ty Roulette Records mới thành lập. Trong vòng 6 tháng, anh ta đã tiếp quản công ty và sở hữu nhãn hiệu này. Sau này đây là một trong những công ty độc lập lớn nhất trong ngành âm nhạc ghi âm.

Tại Reoulette Records, Levy nhanh chóng tìm cách mới để lừa lọc các nhạc sĩ. Anh ta đã cho tên mình vào danh sách nhạc sĩ. ASCAP cũng coi Levy là nhạc sĩ nhưng sự thật là Levy không có công gì trong sáng tác các bài hát kinh điển như “My Boy Lollopop”, “California Sun” hay “Why Do Fools Fall in Love?”...

Dưới cái ô doanh nghiệp tên là Big Seven Music, Levy cũng phân phối cho một số nhãn hiệu nhỏ hơn và bị chính quyền nghi là bí mật sản xuất các bản sao vi phạm bản quyền của các album hợp pháp và bán cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối âm nhạc do các tay anh chị điều hành, để rồi bỏ túi toàn bộ số tiền mà không phải trả tiền bản quyền hay đóng thuế.

Mặc dù công chúng không biết tới tên tuổi của Levy nhưng ông ta dần dần trở thành một thế lực đằng sau hậu trường của ngành âm nhạc. Vào thời đỉnh cao trong làm ăn, Levy sở hữu hơn 90 công ty với 900 nhân viên, gồm nhà máy sản xuất đĩa than, nhà máy sao chép băng, công ty phân phối, một chuỗi 81 cửa hàng ghi âm ở New England và vô số nhãn hiệu ghi âm.

Levy được tạp chí Billboard coi là “một trong những nhân vật khoa trương và gây tranh cãi nhất ngành ghi âm”. Tờ Variety ví ông ta là “con bạch tuộc” có tầm kiểm soát sâu rộng trong mọi lĩnh vực kinh doanh âm nhạc.

Bất kỳ cơ hội nào mà Levy có thể ngửi thấy để kiếm tiền, dù có đạo đức hay không, dù hợp pháp hay không, ông ta đều chộp lấy. Tuy nhiên, khi ông ta cảm thấy có ai đó đã lợi dụng mình, ông ta liền viện ngay đến hệ thống pháp lý. Levy không cần quan tâm người đó là ai, cho dù nếu đó là nhạc sĩ nổi tiếng nhất trong ban nhạc nổi tiếng nhất thế giới: John Lennon của The Beatles.

Kỳ tới: Rắc rối từ một câu hát

Thùy Dương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ho-so/john-lennon-va-vu-kien-ban-quyen-ky-1-20161214220624598.htm