Joseph Schooling, từ thua Hoàng Quý Phước đến hạ bệ Michael Phelps

Tìm gặp Schooling lúc này hơi khó khi anh được bảo vệ 24/24. Muốn phỏng vấn đều phải thông qua người đại diện. Cũng đúng, chàng trai rụt rè ngày nào giờ đã là nhà vô địch Olympic.

Nhắc đến Schooling, người ta chợt chạnh lòng với Hoàng Quý Phước. Có thời điểm, tay bơi Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên cơn địa chấn nhờ tài năng thiên bẩm. Quý Phước thậm chí từng khiến Schooling "hít khói" tại SEA Games 2011 khi giành chiến thắng ở nội dung 100 m bướm.Nhưng 5 năm sau thất bại đó, Schooling trở thành nhà vô địch Olympic, đánh bại huyền thoại Michael Phelps tại Rio (Brazil) nội dung 100 m bướm. Còn Quý Phước, đó chỉ là cái tặc lưỡi. Nhìn ngã rẽ số phận của hai kình ngư được đánh giá ngang tài, người hâm mộ sẽ thán phục Schooling hơn.

Cuộc sống vốn không bao giờ bằng phẳng. Thất bại sẽ làm người ta thêm nung nấu quyết tâm. Với Schooling, anh đang trở thành nguồn cảm hứng bất diệt cho những người trẻ vấp ngã trong sự nghiệp.

Năm 2011, Schooling là "bại tướng" của Quý Phước ở nội dung 100 m bướm tại SEA Games. Sau đó, trong lần đầu tiên tìm đến đấu trường Olympic London 2012, kình ngư người Singapore cũng không hoàn thành tốt phần thi của mình. Hồi tưởng lại, Schooling gọi đó là “điểm tồi tệ nhất trong đời mình”.

Trước khi vòng bán kết nội dung 200 m bướm bắt đầu, Schooling bị ban tổ chức yêu cầu thay đổi đồ bơi do sai quy định. Đó là một cú sốc với chàng trai 17 tuổi. Không thể vứt bỏ sự phẫn nộ dẫn đến tâm lý bị ảnh hưởng, Schooling một lần nữa lại thua ở cự ly bản thân đặt rất cao hy vọng giành huy chương.

Sau này, niềm tự hào châu Á kể lại rằng, bản thân rất buồn và tức giận khi ấy. Anh không kiềm chế cảm xúc và điều này khiến màn trình diễn không như ý muốn. Schooling bắt đầu chán ghét bơi lội, cáu kỉnh với chính HLV của mình và cảm thấy thiếu động lực. Mọi thứ có thể đã đóng sập cửa lại.

Nhưng không, thất bại chỉ làm Schooling mạnh mẽ và nung nấu quyết tâm hơn. "Nhiều lúc, tôi phải đối mặt với thất bại và sự hoài nghi bao trùm. Thay vì than vãn hay oán trách số phận, bản thân cố gắng gạt bỏ mọi thứ và đứng lên khắc phục từ những sai lầm", chủ nhân HCV Olympic Rio 2016 nói.

Nhắc lại “điểm tồi tệ nhất cuộc đời” tại London 2012, Schooling chia sẻ bản thân khi ấy đi sau Michael Phelps. Bất ngờ, gã khổng lồ của đường đua xanh dừng lại và ôm lấy kình ngư trẻ tuổi. "Phelps nói tôi còn quá trẻ và những gì vừa diễn ra sẽ là trải nghiệm để học hỏi", tay bơi 22 tuổi kể.

Mà Phelps lại là thần tượng của Schooling. Để được như hôm nay, Schooling phải cám ơn huyền thoại làng bơi lội Mỹ. Anh đến với bơi lội vì Phelps. Sự ghen tị với VĐV vĩ đại này trở thành nguồn động lực và khát vọng lớn lao để Schooling tạo ra chiến tích kỳ vĩ trong sự nghiệp.

"Tôi nhớ như in những gì Mike nói. Bản thân biết rồi sẽ tới lúc mình trưởng thành và khi ấy nội lực chắc chắn mạnh mẽ hơn", Schooling nhắc lại.

Đằng sau thành công của Schooling là rất nhiều nỗi đau và mất mát. Đó là cả một sự hy sinh từ bản thân và hỗ trợ của gia đình. “Bây giờ thì mọi người đều biết về cậu ấy. Nhưng trước đó, Schooling đã đánh bại tất cả những đối thủ lớn tuổi hơn mình,” Teo Zhen Ren, VĐV bơi lội và cũng là bạn thân thiết của Schooling nói. “Tôi nhớ rằng mình từng rất thất vọng khi thua cậu ấy ở nội dung 50 m tự do”.

Có một câu chuyện nổi tiếng về Schooling tại Singapore rằng, cậu từng phá giấc ngủ của bố trong một kỳ nghỉ ở Malaysia chỉ vì muốn được đi bơi. Ngay thời điểm đó, ông Colin, một doanh nhân đã quyết định cho con theo đuổi đam mê. Ông cũng hy vọng cậu con trai học bơi để không suýt bị "chết đuối" như mình.

Sự nghiệp bơi lội của Schooling bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi bà mẹ May Schooling có cuộc nói chuyện với ông bác Lloyd Valberg.

Là một VĐV nhảy cao nổi tiếng của đảo quốc sư tử, Lloyd Valberg trở thành người Singapore đầu tiên tham dự một kỳ Thế Vận hội (năm 1948). “Joseph (Schooling) biết mình sẽ trở thành một VĐV Olympic kể từ cuộc gặp với ông bác Lloyd”, bà May Schooling nói.

Tài năng thiên bẩm của Schooling không cần bàn cãi. Mới 9 tuổi, Schooling có thể chiến thắng bất cứ cuộc đua nào cậu muốn. Nhưng cái gì cũng có giá của nó. “Nếu con chọn cuộc đời này, tốt nhất con nên tập trung 100% cho nó”, ông Colin cảnh báo.

Không chỉ chu cấp tài chính cho cậu theo đuổi đam mê, ông Colin và bà May còn hao tâm tổn trí rất nhiều về sự nghiệp của con trai.

“Không chỉ đưa nó đến bể bơi, chúng tôi còn phải đọc, tìm hiểu rất nhiều về môn thể thao này. Thường xuyên xem nó thi đấu và tập luyện để biết thằng bé có thể tiến xa tới đâu”, ông Colin chia sẻ.

Trong căn phòng làm việc của ông Colin luôn có vài cuốn tạp chí hay sách hướng dẫn bơi lội dành cho những VĐV chuyên nghiệp. Ông thậm chí còn tạo ra một vài trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ cậu con trai trong giai đoạn đầu tiên của sự nghiệp. Vài cái dù giảm tốc để hỗ trợ quá trình bơi hay vài quả bóng cao su để hỗ trợ quá trình thở và luyện sức bền chẳng hạn.

Gia đình Schooling đã đầu tư rất nhiều tiền cho cậu con trai phát huy hết tài năng. Số tiền thưởng tại Olympic Rio 2016 của Schooling cũng được giành để... trả nợ.

Bước ngoặt của Schooling đến vào năm 2009 khi Liên đoàn bơi lội Singapore triển khai COE, một dự án nhằm phát triển và đào tạo các tài năng thể thao xuất sắc của Singapore.

Schooling được gửi tới trường trung học Bolles School ở Florida (Mỹ) để tiếp tục đi học và quan trọng nhất là rèn luyện để trở thành vận động viên đỉnh cao. Năm đó anh chỉ mới 13 tuổi, và bà May là người phản đối quyết định đó đầu tiên.

Chi phí đắt đỏ cũng là một nguyên nhân. Di chuyển, học phí, điều kiện sống đắt đỏ khiến chi phí cho cậu bé này lên tới 1 triệu SGD (hơn 22 tỷ đồng). Gia đình Schooling phải bán một vài bất động sản ở nước ngoài để trang trải.

“Chúng tôi tiết kiệm bất cứ khi nào chúng tôi có thể. Tôi đã mặc một chiếc quần tây gần 30 năm”, bà May kể về sự khó khăn khi đó.

Những năm đầu sang Mỹ, nỗi nhớ nhà cũng là một thử thách với Schooling. “Thật sự rất khó khăn, lúc nào tôi cũng thấy nhớ nhà. Tôi muốn quay về”, kình ngư này thổ lộ. “Cuộc sống trên đất Mỹ khiến tôi không thoải mái”.

Rồi sau đó mọi chuyện dễ dàng hơn. Schooling quen dần với cuộc sống nơi đất khách. Môi trường thể thao ở Mỹ giúp anh được tập luyện cùng với những nhà vô địch Olympic như Ryan Murphy hay Caeleb Dressel, và sau đó là HLV đẳng cấp Sergio Lopez , người có tác động rất lớn đến sự nghiệp của anh.

"Ông ấy (Sergio Lopez) đã không bỏ tôi lúc đó, dù ông ấy có quyền làm thế. Vị HLV này giúp đỡ tôi, cả gia đình và bạn bè thân thiết nữa.” Schooling nói về ông thầy khi hồi tưởng lại “điểm tồi tệ nhất trong đời mình”.

Một năm sau biến cố tại Olympic London 2012, Schooling trở lại bằng việc lọt tới bán kết nội dung 200 m tại Giải vô địch thế giới 2013 và phá hai kỷ lục quốc gia. Anh được hoãn nghĩa vụ quân sự để chuẩn bị cho Olympic 2016. Một tháng sau, là chiếc HCV bơi lội đầu tiên cho Singapore ở ASIAD, kể từ năm 1982.

“Tôi vẫn luôn biết ơn bố mẹ mình, tôi không thể nào tìm cho mình những hình mẫu tuyệt vời hơn để noi theo và phấn đấu”, Schooling nói với báo chí trong bài phỏng vấn hồi tháng 6/2016.

Từ một đứa trẻ tăng động, nhờ người mẹ, Michael Phelps đã trở thành kình ngư huyền thoại. Và Joseph Schooling cũng thế. Anh đang trên đường chinh phục những đỉnh cao mới của bơi lội thế giới, với sự giúp đỡ vô điều kiện từ gia đình và HLV.

Schooling giờ là báu vật của "Đảo quốc Sư tử". Tất cả nhờ chiến thắng tại Olympic Rio 2016, nơi kình ngư 22 tuổi đánh bại cả Michael Phelps và nhiều tên tuổi nữa với thành tích 50 giây 39, để mang về tấm HCV đầu tiên trong lịch sử cho đoàn thể thao Singapore. Đó là chưa kể 17 HCV tại các kỳ SEA Games (chưa tính ở SEA Games 29).Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm cũ, Schooling luôn đưa Phelps vào những câu chuyện. Không có Phelps, thế giới sẽ không bao giờ nhìn thấy Schooling như hôm nay. "Anh ta (Mike) là lý do tại sao tôi muốn trở thành một tay bơi xuất sắc", Schooling thổ lộ. Định mệnh giữa họ xảy ra vào năm 2008.

Lúc đó, Phelps là siêu sao làng bơi thế giới, còn Schooling sắm vai một cậu nhóc trung học 13 tuổi. Ngày nọ, đội tuyển bơi Mỹ ghé Singapore để tập huấn trước thềm Olympic Bắc Kinh 2008. Nghe thấy ai đó gọi tên Phelps, Schooling lập tức chạy ào ra xin chụp ảnh cùng.

Sau khoảnh khắc đó, Schooling từ rất thần tượng đã ngày đêm luyện tập không biết mệt mỏi, chấp nhận hy sinh tuổi xuân để rồi 8 năm sau, dưới mặt hồ ở Rio, anh đánh bại Phelps đầy khó tin. "Năm 2016, con tôi sẽ có mặt ở vòng thi chung kết", bà May phát biểu vào năm 2013.

Mẹ của Schooling chỉ tin con trai sẽ thành công, bà không nhắc chiến tích mà kình ngư người Singapore giành được là gì. Phần còn lại đã là lịch sử.

"Không ai vui vẻ khi thua cuộc, dù vậy, tôi tự hào về Jo", Phelps nói khi được hỏi về người đã đánh bại anh ở chung kết 100 m bướm Olympic 2016.

Nguyên Trí
Đồ họa: Sang Ngô

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/joseph-schooling-tu-thua-hoang-quy-phuoc-den-ha-be-michael-phelps-post772880.html