Juno sẽ tan tành trên sao Mộc nhằm bảo vệ sự sống ngoài hành tinh

NASA sẽ phá hủy tàu Juno trị giá 1.1 tỉ USD trên sao Mộc để không gây ô nhiễm cho sự sống ngoài hành tinh.

Sau hành trình kéo dài 5 năm, tàu vũ trụ Juno của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiến vào quỹ đạo sao Mộc, hoàn thành sứ mệnh trị giá 1,1 tỷ USD.

Tàu Juno sẽ bay quanh sao Mộc 37 vòng trong 20 tháng tới, cách những đám mây cao nhất trên khí quyển sao Mộc 5.000km. Các nhà khoa học hi vọng cuộc hành trình này có thể cung cấp câu trả lời mới cho những bí ẩn về sao Mộc như nguồn gốc, thành phần bên trong, khí quyển và những lực từ trường. Do được cho là hành tinh đầu tiên hình thành trong hệ Mặt trời, sao Mộc còn là đầu mối trong việc tìm hiểu hệ Mặt trời phát triển như thế nào.

Tuy nhiên, khi hoàn thành nhiệm vụ vào tháng 2.2018, Juno sẽ không được về Trái đất và nằm trong viện bảo tàng như nhiều con tàu khác. Juno có số phận khắc nghiệt hơn nhiều. Nó sẽ được cho rơi tự do vào bầu khí quyển của sao Mộc và bốc cháy hoàn toàn. NASA thậm chí đã tạo ra hình ảnh động cho thấy cái chết đầy lửa của Juno tương lai.

Juno sẽ được cho rơi tự do vào bầu khí quyển của sao Mộc và bốc cháy hoàn toàn để bảo vệ các mặt trăng của sao Mộc khỏi ô nhiễm - Ảnh: NASA

Như vậy, Juno phải chịu số phận tương tự như người tiền nhiệm của nó - Galileo - với chuyến đi đến sao Mộc năm 2003. Câu hỏi là tại sao NASA sẵn sàng vứt bỏ hơn 1 tỉ USD? Câu trả lời là vì sự sống ngoài hành tinh.

Các nhà khoa học nghĩ rằng một trong những nơi lý tưởng để các sinh vật ngoài Trái đất sinh sống là trên Europa - một trong những mặt trăng của sao Mộc. Trên đó có thể ẩn một số đại dương dưới mặt băng. NASA đang làm việc đề tìm cách gửi một tàu đáp xuống Europa để biết rõ hơn liệu có bất kỳ sự sống nào được nhìn ở đó hay không. Ngoài ra, hai mặt trăng sao Mộc khác, Ganymede và Callisto, cũng nằm trong danh sách ứng viên rất có thể đang là nơi sống của người ngoài hành tinh.

Trong khi đó, NASA và Văn phòng Bảo vệ các hành tinh có những quy định rất nghiêm ngặt về ô nhiễm không gian, đặc biệt là khi nói đến những nơi chúng ta muốn tìm kiếm sự sống.

NASA ném Juno vào sao Mộc để bảo vệ các mặt trăng của sao Mộc khỏi ô nhiễm bởi bầu khí quyển và bức xạ của sao Mộc sẽ tiêu diệt sạch vi khuẩn có thể đã lẻn vào Juno trước khi được phóng. Các giao thức bảo vệ hành tinh cũng là lý do tại sao tàu vũ trụ luôn được lắp ráp trong phòng sạch và người làm việc phải mặc đồ bảo hộ.

Các nhà khoa học không muốn tốn thêm 1 tỉ USD cho tàu vũ trụ kế tiếp tiếp cận không gian chỉ để tìm ra một số dấu hiệu về sự sống - mà thực ra là do chính con người tạo ra vì đã làm ô nhiễm trên ấy.

Cái “chết” của Juno cũng là một giải pháp cho vấn đề giải quyết rác trên không gian của chúng ta.

Tạ Ban (sciencealert)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/juno-se-tan-tanh-tren-sao-moc-nham-bao-ve-su-song-ngoai-hanh-tinh-c7a424322.html