KCN Cái Lân, Quảng Ninh: Chính quyền 'phớt lờ' chỉ đạo của Chính phủ?

Mặc dù Văn phòng Chính phủ đã có nhiều văn bản yêu cầu giải quyết đơn khiếu nại của một doanh nghiệp liên quan đến những khuất tất của dự án xây dựng khu xử lý nước thải của KCN Cái Lân nhưng đến nay, UBND TP. Hạ Long vẫn chưa giải quyết. Sự im lặng khó hiểu của chính quyền thành phố khiến người dân nơi đây rơi đây vô cùng lo ngại…

Những dự án “bốc mùi”

Trước đó, Báo PLVN đã có bài phản ánh về Tiểu dự án Hạ Long - Cái Lân được xây dựng từ năm 2005, có tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng. Trong đó, ga Cái Lân được thiết kế chuyên chở khối lượng hàng hóa từ 3 - 4 triệu tấn/năm.

Cách đó không xa, ga Hạ Long được thiết kế là ga hành khách, có năng lực đón từ 10 -11 đôi tàu khách/ngày đêm. Đến nay, một ga “bỏ hoang” còn một ga chỉ đón 1 chuyến tàu chợ 1 ngày đêm, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách trong nhiều năm qua, tình trạng này có nguy cơ kéo dài thêm nhiều năm tới.

Một câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại khu công nghiệp Cái Lân đó là hàng loạt dấu hiệu sai phạm liên quan đến dự án xây dựng khu xử lý nước thải tại khu công nghiệp này.

Điều bất hợp lý là hiện tại khu công nghiệp Cái Lân đã có đã có một nhà máy xử lý nước thải, chưa sử dụng hết ½ công suất. ½ diện tích còn lại của nhà máy sử dụng làm sân bóng nên việc xây dựng thêm một nhà máy xử lý nước thải là lãng phí không đúng với quy hoạch.

Theo điều tra của PV, dự án xây dựng nhà máy nước thải thuộc nguồn vốn Nhà nước cấp trên cơ sở vốn vay ODA có giá trị lên tới 150 tỷ đồng, trong đó vốn của Nhà nước là 105 tỷ đồng, số vốn còn lại do nhà thầu tự huy động để xây dựng công trình xử lý nước thải.

Theo quy định của pháp luật trong trường hợp các dự án có nguồn vốn của nhà nước từ 30% trở lên thì phải đấu thầu công khai nhưng năm 2011 thì Ông Nguyễn Văn Thành (Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh - Trưởng ban khu Công nghiệp Cái Lân) cấp giấy phép đầu tư cho Công ty Hoài Nam (trụ sở đóng tại KCN Cái Lân) là cố tình làm trái quy định của Nhà nước.

Rõ ràng ở đây một số cán bộ UBND TP Hạ Long và cán bộ UBND tỉnh Quảng Ninh đã không nắm rõ pháp luật hoặc cố tình làm trái nên mới chỉ định thầu với Công ty Hoài Nam.

Ga Cái Lân "đắp chiếu" từ 2 năm nay

Ga Cái Lân "đắp chiếu" từ 2 năm nay

Trong quá trình thực hiện bài viết, PV còn phát hiện thêm những “mập mờ” của chính quyền TP Hạ Long xung quanh việc ra hàng loạt những văn bản về cưỡng chế, đền bù giải phóng mặt bằng lô đất rộng 4,3 ha tại địa chỉ tổ 3, khu 10, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long.

Bà Bùi Thị Tám (Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Hạ Long) cho biết, lô đất này trước đây thuộc quản lý của Lâm trường Hồng Gai. Cuối năm 1993, UBND TP. Hạ Long có Quyết định giao cho ông Nguyễn Đình Bá, trú tại tổ 2, khu 9, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long với thời hạn 50 năm.

Ngày 7/1/2005, ông Nguyễn Đình Bá chuyển nhượng lại diện tích đất trên cho ông Nguyễn Ngọc Hiền và ông Ngô Đình Quảng. Đến năm 2008, ông Hiền và ông Quảng chuyển nhượng 4,3 ha đất và tài sản trên đất cho bà Bùi Thị Tám.

Mặc dù Quyết định số 1067/QĐ-UB ngày 15/10/1993 của UBND TP. Hạ Long giao đất cho ông Bá có thời hạn 50 năm sử dụng để trồng rừng, nhưng chưa được 20 năm, ngày 24/5/2011, UBND TP. Hạ Long đã có Thông báo số 269/TB-UBND về việc thu hồi chính thửa đất trên để xây dựng Khu xử lý nước thải của Khu Công nghiệp Cái Lân. Đơn vị được giao thực hiện dự án là Công ty TNHH Hoài Nam.

Để thực hiện dự án trên, UBND TP. Hạ Long giao cho UBND phường Bãi Cháy làm việc với ông Hiền và ông Quảng. Hai ông này cho biết đã chuyển nhượng khu đất này cho bà Tám năm 2008, không còn quyền lợi gì tại đây và cam kết bằng văn bản không có tranh chấp với bà Tám nhưng UBND TP. Hạ Long vẫn không giao tiền đền bù cho bà Tám.

Ngày 26/12/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định số 3566/QĐ-UBND về việc quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2014. Thế nhưng, bỏ qua tất cả, UBND TP Hạ Long vẫn “áp giá” đền bù cũ cho lô đất trên.

Không những thế, trong biên bản kiểm kê và quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng đều thừa nhận diện tích đất của bà Tám bị thu hồi có nguồn gốc được giao từ năm 1993.

Khu đất 4,3 ha liên quan đến những khuất tất của chính quyền TP Hạ Long

Theo luật đất đai, bà Tám cùng các chủ lô đất trước đó đều đầu tư tiền bạc, công sức tôn tạo, san lấp và lấn biển phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi lập phương án đền bù, các cơ quan liên quan đã không có phương án hỗ trợ công san lấp đất, cải tạo khu đất trên cho bà.

Một điều hết sức khó hiểu nữa đó là Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng vẫn lấy nguyên số liệu kiểm kê tài sản và giá trị tài sản trên đất ngày 14/9/2012 để áp giá đền bù vào thời điểm năm 2014 là không đúng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Bà Bùi Thị Tám tiếp tục khiếu nại cho đến năm 2014 chính quyền mới công nhận quyền sở dụng đất của bà Bùi Thị Tám và ra quyết định bồi thường, hỗ trợ bà Tám với tổng số tiền là hơn 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Tám không đồng ý bởi UBND TP Hạ Long không đối thoại với chủ sử dụng đất, không kiểm đếm hoa màu, cây trồng.

“Bất tuân thượng lệnh”

Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra xác minh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và có Văn bản số 4356/ BTNMT –TTr ngày 31/10/2013 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị:

Thực hiện thu hồi đất dứt điểm 4.169,9m2 đất do Công ty TNHH Hoài Nam lấn chiếm để làm nhà tạm, bãi chứa gỗ, bãi chứa chất thải công nghiệp tại khu Công nghiệp Cái Lân, thu hồi 14.771m2 đất khi Công ty TNHH Hoài Nam hết thời hạn được thuê để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Giao cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra năng lực của Công ty TNHH Hoài Nam, sự cần thiết của dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải thứ 2 trong Khu công nghiệp Cái Lân, xem xét nội dung phản ánh, đề nghị của bà Bùi Thị Tám để việc quản lý và sử dụng đất đạt hiệu quả.

Xem xét đề nghị của bà Bùi Thị Tám được quyền đầu tư trên đất đang sử dụng trong trường hợp đất thuộc diện thu hồi để đầu tư dự án có mục đích sản xuất kinh doanh theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 84/2007/NĐ – CP ngày 27/5/2007 của Chính phủ.

Trường hợp phải thu hồi đất để phục vụ theo mục đích chung theo quy hoạch thì bà Bùi Thị Tám là người đang sử dụng đất được giải quyết bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Ngày 21/7/2014, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có Văn bản số 5470/VPCP – V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nội dung đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng thời Văn phòng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện xem xét, giải quyết cụ thể theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong Quý III năm 2014.

Công văn của Chính phủ

Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, ngày 14/8/2014 UBND phường Bãi Cháy đã có Văn bản số 348/ UBND gửi Xí nghiệp Thương mại Hạ Long về việc tạm dừng cưỡng chế đất.

Tuy nhiên ngày 15/8/ 2014, UBND phường Bãi Cháy lại tiếp tục cưỡng chế đất trong khi bà Bùi Thị Tám vắng mặt. Cùng ngày Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh tiến hành bàn giao đất trực tiếp cho Công ty Hoài Nam.

Bị hành xử theo kiểu “coi trời bằng vung” của chính quyền TP Hạ Long, bà Tám tiếp tục có đơn “kêu cứu” gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Ngày 2/12/2014, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) với nội dung đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 4356/ BTNMT – TTr ngày 31/10/2013 như đã nêu trên.

Không những thế, để che giấu việc làm sai trái của mình, các cơ quan công quyền của TP Hạ Long có dấu hiệu tự lập nhiều giấy tờ giả liên quan đến quyền sử dụng lô đất của bà.

Cụ thể, UBND phường Bãi Cháy đã tự lập “bản chứng nhận nhà đất” ngày 25/12/2012 với nội dung bà Tám lấn chiếm đất của công ty Hoài Nam để hợp thức cho giấy chứng nhận đất của Công ty Hoài Nam) và một quyển chứng nhận quyền sử dụng đất số CT00145 ngày 24/06/2011 do các cán bộ phường Bãi Cháy tự ký.

Qua nhiều năm đấu tranh, đến năm 2014, bà Tám đã được UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hạ Long công nhận là chủ sử dụng lô đất. Và đến khi này, để biến báo, UBND phường Bãi Cháy lại có “biên bản chứng nhận nhà đất” khác được ký ngày 07/01/2014. Bà Tám cho biết, bà không hề biết hay ký nhận gì vào những giấy tờ này.

Với những dấu hiệu như trên, chuyện làm giả giấy tờ trên là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự rõ ràng. “Tôi đề nghị Viện khoa học hình sự, các cơ quan chuyên môn tiến hành giám định để làm sáng tỏ sai phạm này”, bà Tám bức xúc.

Đến nay, nhiều cơ quan ban ngành vẫn “làm ngơ” trước những khiếu nại của bà và phớt lờ chỉ đạo của các cơ quan cấp trên. Trong đơn khiếu nại, bà Tám cho rằng, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long đã… bỏ qua tất cả những khiếu nại chính đáng của người dân, thậm chí còn có dấu hiệu chỉ đạo, bao che cho sai phạm.

Chính quyền TP Hạ Long bỏ qua công tác kiểm đếm cây cối khi định giá bồi thường trên lô đất 4,3 ha

Sự việc bị đẩy đi xa hơn nữa đó là ngày 6/6/2016, UBND TP Hạ Long đã tổ chức cưỡng chế, san gạt tại khu vực đất trên mà không hề thông báo hay đưa ra quyết định cưỡng chế nào cho doanh nghiệp.

Để có thêm thông tin về vụ việc, ngày 7/6/2016, PV đã đến UBND phường Bãi Cháy nhưng khi nghe PV nói tìm hiểu về dự án xây dựng khu xử lý nước thải ở KCN Cái Lân thì cán bộ ở đây lập tức thoái thác…

Tiếp đó PV đã đến UBND TP Hạ Long đặt lịch làm việc thì cán bộ văn phòng xin ghi lại số điện thoại và toàn bộ nội dung PV cần tìm hiểu và hứa hẹn báo cáo lãnh đạo TP sắp xếp làm việc vào dịp khác nhưng từ đó đến nay PV vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào…

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Phước Long - Hồng Quân

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/kcn-cai-lan-quang-ninh-chinh-quyen-phot-lo-chi-dao-cua-chinh-phu-278419.html