Kẻ bên lề Nga tiềm ẩn sức mạnh trong khủng hoảng vùng Vịnh

Moscow sẽ trở thành một trong những đối tác kinh tế lớn của Doha khi cuộc khủng hoảng ngoại giao vẫn tiếp diễn.

Đại sứ Qatar tại Nga Fahad Mohammed Attiyah, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik rằng Moscow sẽ trở thành một trong những đối tác kinh tế lớn của Doha. Tuyên bố này có thể là do sự cô lập hiện tại của Doha bởi các nước láng giềng Ả Rập.

Các nhà phân tích chính trị Nga đã giải thích những ảnh hưởng mà sự căng thẳng ngoại giao hiện tại ở Vịnh Ba Tư mang đến cho cả hai nước.

Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này sẽ ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa Nga và Qatar, khiến Moscow trở thành một trong những đối tác chính của Doha, Đại sứ Qatar tại Nga Fahad Mohammed Attiyah nói với Sputnik.

"Chúng tôi đang có một triển vọng kinh tế mới, tăng cường quan hệ đối tác hiện có với Nga và với các quốc gia khác, cũng như xây dựng một nền kinh tế cơ động hơn, một phần đòi hỏi sự tự lập hơn và một phần liên quan đến sự gắn kết và đa dạng hóa hơn - không chỉ phụ thuộc vào một số quốc gia nhất định."

Ngài Đại sứ cũng nói rằng, “Nga chắc chắn là một trong những nước mà tôi có thể nói là một trong những đối tác chính trong kế hoạch kinh tế tương lai”.

Về vấn đề này, nhà phân tích chính trị Anton Mardasov, người đứng đầu khoa nghiên cứu về các xung đột ở Trung Đông tại Viện Phát triển Đổi mới, cho rằng Qatar cần chứng tỏ liên minh giữa họ với một số quốc gia.

Vượt lên ngoại giao

"Có nhiều yếu tố chính trị hơn là kinh tế trong tuyên bố của đại sứ Qatar tại Nga, cũng như trong tình hình hiện nay, Qatar đang cần các quốc gia sẽ gắn kết và tiếp xúc chính trị với họ để không bị coi là một nhà nước cô lập nhỏ yếu ", ông nói với tờ Vzglyad của Nga.

Do đó, ông giải thích, Doha đang cố gắng chứng minh mối quan hệ của mình với Moscow vượt ra ngoài các mối quan hệ ngoại giao.

Nhà phân tích chính trị Nadana Fridriksson chia sẻ quan điểm này. Bà cho rằng trong khi bị các quốc gia Ả Rập khác cô lập, Qatar hiểu rằng họ không có nhiều đồng minh và sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối với Nga.

"Nếu việc phong tỏa Qatar của các nước vùng Vịnh vẫn tiếp diễn,điều này sẽ thúc đẩy Doha tiến tới các mối quan hệ đồng minh mới", bà nói với tờ Vzglyad.

Trong khi đó, ông Anton Mardasov lưu ý rằng Nga và Qatar đang có tiềm năng phát triển quan hệ đối tác kinh tế, hơn nữa, các bước đi cơ bản đã được thực hiện. Hai nước đã có các dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Chuyên gia này cũng nhắc lại rằng Doha đã mua cổ phần trong tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft của Nga.

Trong bối cảnh bị cô lập, Doha cần tìm nhiều đối tác mới. (Nguồn: Sputnik)

Ông nghĩ rằng trong thời gian bị cô lập, các cuộc tiếp xúc chính trị giữa Moscow và Doha có thể phát triển thành hợp tác kinh tế lớn hơn. Tuy nhiên ông chưa rõ liệu điều này có thể dẫn ngay tới các dự án quy mô lớn hay không.

Nadana Fridriksson cũng nói rằng hai nước đã đàm phán về các khoản đầu tư từ lâu trước khi diễn ra cuộc phong tỏa Ả Rập. Vì vậy bà cho rằng các khoản đầu tư của Qatar vào nền kinh tế Nga có thể trở thành ưu tiên trong hợp tác giữa Moscow và Doha. Hợp tác về khí đốt cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác của họ.

"Nga và Qatar từng cạnh tranh và là đối thủ, nhưng khi họ bắt đầu hợp tác, họ có thể nhất trí về việc cùng nhau đổ bộ vào thị trường châu Âu", bà nói. Khi Nga và Qatar thiết lập mối quan hệ tốt đẹp thì trong tương lai Nga có thể đảo ngược việc là đối thủ về khí đốt với Qatar và trở thành đối tác khí đốt của nước này.

Nền kinh tế không phải là lĩnh vực duy nhất để kết nối quan hệ giữa Nga và Qatar. Có rất nhiều điều kiện tiên quyết cho sự hợp tác trong chính trị dù hiện tại hai nước có mối quan hệ khá mơ hồ, các nhà phân tích nói.

Hợp tác chính trị

Trước hết, các điều kiện này có thể là Syria, Nadana Fridriksson gợi ý.

"Chúng tôi rất quan tâm đến tất cả các thông tin do Qatar nắm giữ, và trước hết, liên quan đến việc tài trợ cho các nhóm chiến binh khác nhau. Nếu Doha chia sẻ thông tin này với Nga, Moscow sẽ có một lợi thế mạnh mẽ ở Syria", bà nói.

Anton Mardasov cũng lặp lại quan điểm này. Ông nói rằng Qatar đã quan tâm tới sáng kiến của Nga nhằm thiết lập và duy trì các khu vực giảm leo thang tại Syria. Nếu Moscow muốn tìm kiếm một thỏa thuận chính trị và một cuộc đối thoại giữa chính phủ Syria và phe đối lập, đây có thể là một cơ sở tốt để hợp tác với Qatar.

Bên cạnh đó, Doha có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập các mối liên lạc giữa các cơ quan tình báo, ví dụ như việc giải cứu nhiều người dân trên toàn thế giới theo cách Mỹ đang thực hiện, nhà phân tích chính trị này cho biết.

Cuộc khủng hoảng Libya cũng có thể trở thành cơ sở hợp tác, Mardasov nói. Nga có những mối quan hệ tốt với Khalifa Haftar, người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya – đang hoạt động tại phía đông Lybia.

Lybia đã chìm trong bất ổn khi Khalifa Haftar phản đối chính phủ - được Liên hợp quốc hậu thuẫn, do Fayez al-Sarraj lãnh đạo ở Tripoli. Trong khi đó, những phe phái bắt tay lật đổ ông Gaddafi trước đây nay bùng lên cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ.

Moscow có thể thông qua Doha để củng cố quan hệ với Fayez al-Sarraj, nhà phân tích chính trị nói. Trong mọi trường hợp, hợp tác với Qatar chỉ có thể làm tăng vị thế của Nga ở Trung Đông, ông kết luận.

(Theo Sputnik)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/ke-ben-le-nga-tiem-an-suc-manh-trong-khung-hoang-vung-vinh-247698.html