Kẻ bỏ, người giữ

Giữa lúc Mỹ còn lưỡng lự về quyết định có tăng hay không và thêm bao nhiêu quân ở Afghanistan thì hai đồng minh lâu nay của Mỹ lại có quyết định trái chiều nhau. Nhật Bản đã chính thức tuyên bố chấm dứt sự tham gia quân sự ở Afghanistan, trong khi Anh lại quyết định gửi thêm quân đến chiến trường này.

Nếu như quyết định của Mỹ liên quan đến thực trạng và số phận của quân đội nước này ở Afghanistan thì bước đi nói trên của Nhật Bản và Anh liên quan trước hết đến số phận chính trị của họ ở trong nước chứ không phải vì Afghanistan. Chính phủ mới ở Nhật Bản của Thủ tướng Yukio Hatoyama không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấm dứt tham gia quân sự vào Afghanistan nếu không muốn bị xem là không giữ lời hứa khi tranh cử. Còn Thủ tướng Anh Gordon Brown lại phải bám vào chiến dịch quân sự này để nuôi dưỡng hy vọng cải thiện được tình hình cho chính mình và Công đảng trong nước. Kẻ bỏ đi, người bám giữ đều có liên quan đến Afghanistan nhưng đều là lo ngại cho chính mình trước khi lo ngại cho đất nước Trung Á. Những người bỏ đi không dễ sớm trở lại và những người cố bám giữ cũng chỉ nặng về hình thức chứ chưa giúp cải thiện được thực trạng tình hình. Ông Hatoyama có thể sử dụng việc thực hiện cam kết tranh cử này như một thông điệp về chính sách đối ngoại và an ninh mới. Mấy trăm binh lính mà Anh và có thể là một vài đồng minh khác của Mỹ gửi thêm đến Afghanistan đâu có bõ bèn gì với nhu cầu thực sự của cuộc chiến. Bởi thế, gánh nặng và trách nhiệm chính vẫn do Mỹ gánh chịu và vẫn để dành cho Mỹ trong tương lai. Các đồng minh tăng thêm một chút quân để khích lệ Mỹ tăng thêm nhiều quân đến Afghanistan. Họ duy trì can dự quân sự ở Afghanistan nhưng chỉ với mức độ ít rủi ro, ít nguy hiểm và thiệt hại nhất mà vẫn được lợi cả về đối nội lẫn đối ngoại. Cái khó xử đối với Mỹ cũng chính là ở đấy. Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200942/20091015234054.aspx