Kể chuyện năm 1975: 'Xé rào' cho 'sĩ quan biệt phái'

Cuối tháng 4.2017, trong một sự kiện, tôi thấy thầy Đặng Văn Khai đến trước mặt ông Nguyễn Văn Kán (cựu Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Tân), trang trọng: “Thay mặt bạn bè là “sĩ quan biệt phái” (SQBP) ở huyện Phú Tân năm xưa, gửi lời cảm ơn vì đã bảo lãnh cho họ đi dạy học ngay năm 1975”. Bất ngờ, ông Kán đáp: “Tôi chỉ là người thừa hành, anh Bảy Nhị mới là người nghĩ ra và tổ chức thực hiện. Nếu muốn cảm ơn thì nên cảm ơn anh Bảy”.

Thầy giáo Đặng Văn Khai (phải ảnh lớn) - “sĩ quan biệt phái” - vui mừng khi gặp lại ông Nguyễn Văn Kán. Ảnh: P.V

Cán bộ “biệt phái” cứu “sĩ quan biệt phái”

Anh Bảy Nhị, hay anh Bảy tức Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Ngày 1.5.1975, anh được Tỉnh ủy Long Châu Tiền “biệt phái” về huyện Phú Tân phụ trách cải tạo nông nghiệp kiêm Phó ban Tuyên huấn Huyện ủy. Theo phân cấp tổ chức lúc bấy giờ, tuyên huấn “quản” giáo dục. Trước hôm khai giảng năm học mới, anh Nguyễn Văn Kán - cán bộ Phòng Giáo dục - đến “cấp báo” với anh Bảy Nhị về khả năng "vỡ trận" khai giảng năm học mới đầu tiên sau giải phóng, vì thiếu quá nhiều giáo viên”. Nguyên nhân, do nhiều giáo viên bị mời đi học tập cải tạo vì mang danh “SQBP”.

“Gọi là mang danh vì phần lớn họ là những hạ sĩ quan, sĩ quan (thiếu úy, trung úy) được gắn "lon" trong đợt tổng động viên của Thiệu sau khi Mỹ rút quân. Danh là sĩ quan, nhưng thực chất vẫn còn là giáo viên phổ thông. Không tham gia quân ngũ, nhất là không gây tội ác lần nào với nhân dân” - anh Bảy nói.

Khi thấy số anh em này bị mời đi học tập, cải tạo, anh thấy rất áy náy. Chuyện thiếu giáo viên đã gợi ra ý tưởng bảo lãnh họ về dạy học... “Tôi đưa vấn đề ra Huyện ủy họp bàn. Tôi báo cáo tình hình giáo viên bị “phong hàm” úp bộ như vậy mà bị đi cải tạo thật oan. Trong khi con em mình đi học thiếu thầy. Chờ chi viện thì chưa biết đến khi nào. Vì lẽ đó, tôi đề xuất chủ trương: Bảo lãnh “giáo viên biệt phái” về giảng dạy" - anh Bảy nhớ lại. Lý lẽ của anh chân tình và thiết thực nên thuyết phục được nhiều thành viên Huyện ủy, nhưng so với thực tế đầy khắc nghiệt lúc bấy giờ thì hành động này là một bước đột phá, "xé rào" đầy quả cảm.

Để giúp tôi hình dung hết sự khắc nghiệt của thời điểm này, ông Nguyễn Văn Kán cho biết: “Tình hình lúc đó hết sức rối, thậm chí ngay cả đồng chí Hồ Thanh là Chủ tịch Ủy ban Quân quản của huyện Phú Tân cũng bị nhóm du kích xã bắt giữ chỉ vì nghi giấy tờ tùy thân và công vụ của đồng chí là... giả mạo. Vì vậy, việc đề xuất chủ trương bảo lãnh hàng chục “SQBP” đi dạy học mà không phải đi học tập cải tạo đúng theo thời gian quy định của anh Bảy là "động trời". Bởi chỉ cần một lời “tố”, anh không chỉ mất hết sinh mạng chính trị...”.

Sau khi thông qua chủ trương, theo đề xuất của anh Bảy, Huyện ủy Phú Tân quyết định giao cho anh Năm Thông (Nguyễn Văn Phán) - Trưởng Công an huyện cử người đi lãnh số anh em (thiếu úy, trung úy biệt phái) về dạy học. Thế là “cán bộ biệt phái” đã giải cứu thành công “SQBP”.

Bài bản “xé rào”

“Sở dĩ, Huyện ủy chấp thuận cho chủ trương bảo lãnh “SQBP” trở lại dạy học là tôi chuẩn bị đủ bài bản” - anh Bảy Nhị chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Kán kể: “Anh Bảy gợi ý tôi soạn chương trình giáo huấn ngắn, gọn cho nhóm SQBP”. Theo đó, khi được bảo lãnh, SQBP đến tập trung tại Trường Nông lâm súc (nay là THPT Chu Văn An, huyện Phú Tân) để học tập. Sau 7 ngày “đèn sách”, mỗi người được cấp giấy “Quản huấn”. Đây được xem như giấy chứng nhận đủ điều kiện trở lại dạy học của những thầy giáo “SQBP”. Nó vừa lạ, vừa không giống ai. Bởi cùng thời điểm này, hầu hết giáo viên là “SQBP” đều bị đưa đi học tập cải tạo.

Ông Nguyễn Minh Nhị- tác giả của chương trình bảo lãnh “sĩ quan biệt phái” về dạy học (ảnh nhỏ). Ảnh: P.V

Ông Đặng Văn Khai (SN 1940 - xã Bình Mỹ - Châu Phú - An Giang) một trong những giáo viên là “SQBP” nhớ lại: “Tôi học Sư phạm Sài Gòn niên khóa 1960 - 1961. Ra trường, từng dạy học ở Phú Tân nên có quen một số anh giáo viên ở đây sau này là “SQBP”, như: Châu Hòa Nhã, Cao Văn Mách... Sau đó, tôi và Mách được điều đi huyện khác, Nhã ở lại và kết cuộc của chúng tôi cũng hoàn toàn khác. Sau đó, tôi và Mách phải đi học tập cải tạo trên 2 năm, và khi ra về không được bố trí dạy học. Còn Nhã được dạy đến 60 tuổi và hưởng đầy đủ chế độ hưu.

Dù không được trực tiếp thụ hưởng, nhưng sau này, mỗi lần ghé thăm gia đình Châu Hòa Nhã, tận mắt chứng kiến gia đình đầm ấm của bạn, ông Khai vô cùng xúc động và ghi ơn chủ trương bảo lãnh SQBP của huyện Phú Tân. Và đó cũng là tâm tư, tình cảm của nhiều thầy cô giáo khác. "Sau này khi về tỉnh công tác, gặp một cựu giáo chức Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP. Long Xuyên), ông tỏ ra rất tâm đắc với tôi về cách nhìn cầu thị và thái độ trách nhiệm với giáo viên trong những ngày đầu tiếp quản” - vị cựu Chủ tịch tỉnh An Giang ý nhị: “Với tôi đó mới chính là phần thưởng lớn của người làm cách mạng, phần thưởng của nhân dân”.

NGƯT Nguyễn Huy Diễm - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Phú Tân), giúp tôi tiếp cận câu chuyện “xé rào” này với so sánh: “Một giáo viên ở Phú Tân, sau khi xin chuyển công tác về trường gần nhà ở huyện lân cận, thì bị cho thôi dạy và buộc phải đi học tập cải tạo với lý do là “SQBP”.

Bài học dựa vào dân

“Xuất thân từ nông dân, không có điều kiện học nhiều, sở dĩ tôi có được sự quả cảm "xé rào” này là nhờ nhân dân” - anh Bảy Nhị khiến tôi ngạc nhiên với triết lý khiêm cung: “Cuộc đời làm cách mạng đã giúp tôi biết phát huy sức mạnh nhân dân: Dựa vào dân, biết lắng nghe dân, tin dân, hành động do dân, vì dân, thì việc khó đến mấy cũng thành công”.

Theo lời anh Bảy, năm đầu tiên được Tỉnh ủy “biệt phái” về Phú Tân, anh có may mắn là được bố trí ở nhiều nhà dân. Có điều kiện tiếp cận với nhiều thành phần dân trên “Thánh địa Hòa Hảo” - vùng đất khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo - đã cho ông cái nhìn đúng nhất về người dân. "Chính cái gốc sâu vững này đã giúp tôi “thoát tội” với trung ương”, anh Bảy cười.

Việc Phú Tân chủ trương xin lãnh giáo viên là "SQBP" trở về dạy học bị Trung ương yêu cầu giải trình. Anh trình bày với mọi người: “Tại mình không đủ người dạy, người biết dạy thì mình định cho đi học tập cải tạo vì mang danh “SQBP”, trong khi đó bà con xác nhận nhiều giáo viên bị phong hàm “úp bộ” nên thực chất không hề có nợ máu, hay gây tội ác gì. Với suy nghĩ dựa vào dân, tin nhân dân, chúng tôi đề ra chủ trương rồi cùng tập thể Huyện ủy tổ chức thực hiện.. phục vụ nhân dân”. Trung ương nghe thấy hợp lý, thế là Huyện ủy Phú Tân được "tha bổng".

“42 năm trôi qua, bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy mình được thơm lây và cũng rất tự hào: Tuy là cán bộ biệt phái, nhưng vì dân, tôi dám "giải oan" cho "SQBP”, anh Bảy Nhị gửi gắm, lúc chia tay.

LỤC TÙNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/ke-chuyen-nam-1975-xe-rao-cho-si-quan-biet-phai-659832.bld