Kẽ hở quản lý: Một tài sản có thể bán cho nhiều người

Một vấn đề đang khiến dự luận hết sức quan tâm, cũng như nhiều người đang "vấp" và phải nhận trái đắng khi bỏ ra cả đống tiền mua tài sản nhưng vẫn không hợp pháp vì nó đã có chủ.

Những mánh khóe lừa đảo tinh vi, liều lĩnh này cần được lên án. Tuy nhiên, một lần nữa, cần nhìn nhận thực tế, trong các giao dịch hành chính, thủ tục còn nhiều kẽ hở, tắc trách của của cán bộ một số chính quyền cơ sở, cũng như mất cảnh giác và chủ quan của người mua hàng.
Đầu tháng 8/2013, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử và tuyên án phạt 13 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Thước (sinh năm 1974, trú tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thước bị phạt tù do có hành vi đã bán mảnh đất của bố mẹ để lại cho hai người khác nhau. Điều đáng nói là cả hai lần bán này đều được cấp có thẩm quyền chứng nhận hợp pháp.
Bố mẹ của Thước được Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm cấp "sổ đỏ" cho 572m2 đất tại xã Hội Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội (nay là phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội).
Năm 2005, hai ông bà bán cho chị Vũ Thị Quyên (trú tại quận Long Biên) 46,1 m2 đất nằm trong 182m2 đất thổ cư và chị Quyên đã được Ủy ban nhân dân quận Long Biên cấp “sổ đỏ” cho diện tích đất đã mua.
Việc giao dịch mua bán đất này, Thước tham gia từ đầu chứng kiến, nhận tiền đặt cọc, ký vào biên bản bàn giao đất và là người giao sổ đỏ cho chị Quyên. Khi cấp "sổ đỏ" cho chị Quyên, Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Long Biên không chỉnh lý biến động vào sổ đỏ của bố mẹ Thước.
Sau khi bố mẹ mất, tháng 11/2008, Thước làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế toàn bộ 572 m2 đất, gồm cả phần đất đã bán cho chị Quyên. Phần kê khai anh chị em ruột, Thước tự khai là con duy nhất.
Năm 2009, Thước được Ủy ban nhân dân quận Long Biên cấp sổ đỏ cho 182 m2 đất, không chỉnh lý biến động diện tích đất đã bán cho chị Quyên. Ngày 23/7/2010, Thước bán cho chị Nguyễn Thị Bốn (trú tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên) diện tích 43 m2 với giá 600 triệu đồng.
Đây chính là diện tích trước đó bố mẹ Thước đã bán cho chị Quyên. Chị Bốn lại bán cho chị Lê Thị Dung với giá 666,5 triệu đồng.
Năm 2010, Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Long Biên đã chỉnh lý thay đổi sau khi cấp "sổ đỏ" cho Thước và chứng nhận chị Dung là chủ sử dụng đất. Hoàn tất thủ tục mua bán, ngày 23/2/2011, chị Dung thế chấp diện tích đất trên cho ngân hàng để vay 500 triệu đồng.
Trong khi đó, tháng 8/2011, chị Quyên xây dựng nhà mới biết Thước đã bán mảnh đất này cho 2 người khác.
Tại tòa, Thước khai, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý cấp "sổ đỏ", Thước đã kê khai gian dối là con duy nhất để nhận di sản thừa kế, trong khi gia đình Thước có 4 chị em.
Đối với các cán bộ Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Long Biên, khi thẩm định hồ sơ đã không chỉnh lý biến động vào sổ đỏ của gia đình Thước phần diện tích đã bán cho chị Quyên dẫn đến việc Thước lợi dụng sai sót đó để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra xét thấy chưa đến mức xử lý hình sự nên chỉ đề nghị Ủy ban nhân dân quận Long Biên có hình thức xử lý.
Đây không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất một tài sản bán cho hai người. Cách đây mấy tháng, anh Lê Quang Khánh khi đến cơ quan thuế để nộp thuế cho căn hộ anh đã mua năm 2011 của Trương Minh Hải (trú tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì mới “ngã ngửa” ra khi biết rằng căn hộ này sau đó đã được Hải bán cho anh Nguyễn Tuấn Anh (ở Thanh Hóa).
Chuyện có vẻ khó tin, nhưng cả 2 lần giao dịch mua bán này của Hải đều được 2 văn phòng công chứng khác nhau xác nhận.
Anh Lê Quang Khánh cho biết năm 2011, anh có mua một căn hộ của anh Trương Minh Hải ở dự án khu đô thị Nam Cường. Anh và anh Hải đã đến Văn phòng công chứng 18 Văn Cao (Hà Nội) làm thủ tục chuyển nhượng hợp đồng.
Cách đây 1 năm, anh Hải hỏi mượn tôi giấy tờ gốc của căn hộ để thu xếp chuyện gia đình. Tin vào giá trị pháp lý của bản công chứng chuyển nhượng tài sản mình đang giữ nên tôi đã đưa toàn bộ hợp đồng gốc và các phiếu thu cho anh Hải, tuy nhiên đến khi đòi lại thì anh ta không chịu trả.
Cách đây mấy tháng tôi đi nộp thuế cho căn hộ này thì cơ quan thuế cho biết căn hộ này đã được anh Hải chuyển nhượng cho anh Nguyễn Tuấn Anh. Qua tìm hiểu thì biết giao dịch chuyển nhượng đó cũng được thực hiện thông qua 1 văn phòng công chứng khác là Văn phòng công chứng Hà Nội ở 38A Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo anh Khánh, Văn phòng công chứng Hà Nội 38A Hoàng Ngân, có lỗi khi công chứng cho 1 tài sản đã được chuyển nhượng trước đó. Tuy nhiên, theo quy định của Luật công chứng, các văn phòng công chứng chỉ có trách nhiệm chứng nhận đúng giao dịch, đầy đủ thủ tục và hợp lệ, đúng người, đúng tên tuổi ghi trên giấy tờ…
Còn việc xác định xem tài sản đó đã có giao dịch trước đấy hay không thì thông thường các văn phòng công chứng chia sẻ thông tin cho nhau trên hệ thống dữ liệu thông tin ngăn chặn của Hội công chứng thành phố Hà Nội.
Theo đó, các phòng công chứng, văn phòng công chứng trên địa bàn sẽ cung cấp, cập nhật thông tin về giao dịch, hợp đồng đã được công chứng trước đó, để các văn phòng công chứng khác tham khảo, nhằm hạn chế việc thực hiện đồng thời nhiều giao dịch đối với một tài sản, hạn chế việc công chứng đối với giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đã có quyết định thu hồi, đã bị hủy, đã bị mất…
Vấn đề nằm ở chỗ, việc tham khảo và cập nhật này không phải là yêu cầu bắt buộc đối với các văn phòng công chứng. Tốt nhất khi giao dịch đất đai cần tìm đến đúng đơn vị đã ký cấp "sổ đỏ" để thẩm tra xác định chính xác giấy tờ.
Những sai sót, tắc trách trong công tác quản lý Nhà nước và thiếu trách nhiệm trong hoạt động của các văn phòng công chứng… là những khe hở lớn khiến cho các đối tượng xấu hoàn toàn có thể dùng một tài sản để bán cho nhiều người mà không ai có thể kiểm soát./.

Kim Anh (TTXVN)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/ke-ho-quan-ly-mot-tai-san-co-the-ban-cho-nhieu-nguoi/20138/211699.vnplus