Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng giai đoạn 2014-2020

1. MỤC TIÊU

1.1. Mục tiêu chung

Tăng cường khả năng ứng phó của ngành xây dựng đối với thiên tai, biến đổi khí hậu; sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm nhẹ biến đổi khí hậu; phát triển ngành xây dựng theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

1.2. Mục tiêu cụ thể

1.2.1. Đánh giá và dự báo được những tác động có thể của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD) đối với ngành xây dựng qua các thời kỳ khác nhau của thế kỷ XXI, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp ứng phó và giảm nhẹ tác động của BĐKH và NBD đối với ngành Xây dựng.

1.2.2. Nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH của ngành qua các thời kỳ, đảm bảo tính an toàn và ổn định cho công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn với chi phí hợp lý.

1.2.3. Giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong các hoạt động của ngành, đặc biệt trong sản xuất vật liệu xây dựng; đẩy mạnh phát triển công trình xanh, đô thị xanh, góp phần giảm nhẹ BĐKH, phát triển bền vững.

2. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

2.1. Đánh giá và dự báo những tác động của BĐKH và NBD đối với ngành Xây dựng trong thế kỷ XXI

2.1.1. Cập nhật các kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam do Bộ TN&MT thực hiện, trên cơ sở đó xác định và bổ sung những kịch bản BĐKH cho ngành Xây dựng, cho các vùng khí hậu xây dựng khác nhau theo hai giai đoạn: a) ngắn hạn đến năm 2030; b) dài hạn từ 2030 đến 2100.

2.1.2. Dự báo sự phát triển của ngành Xây dựng đến năm 2030 và mở rộng tới cuối thế kỷ XXI, làm rõ những đối tượng chịu tác động của BĐKH và NBD trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quy hoạch và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; nhà ở và công sở, vật liệu xây dựng; phát triển của khoa học và công nghệ xây dựng.

2.1.3. Điều tra, khảo sát về mức độ ảnh hưởng của khí tượng và BĐKH đến các đối tượng khác nhau của ngành Xây dựng tại các vùng, miền của nước ta, đặc biệt chú ý tới các vùng thấp ven biển và đồng bằng sông Cửu Long.

2.1.4. Đánh giá những tác động tiềm tàng của BĐKH và NBD trong thế kỷ XXI đến các lĩnh vực khác nhau của ngành: (i) Đầu tư xây dựng; (ii) Quy hoạch và phát triển đô thị; (iii) Hạ tầng kỹ thuật đô thị và điểm dân cư nông thôn; (iv) Hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu kinh tế; (v) Nhà ở, công sở và các công trình hạ tầng xã hội; (vi) Vật liệu xây dựng; (vii) Môi trường ngành xây dựng.

2.2. Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng có liên quan đến BĐKH và NBD

2.2.1. Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các văn bản pháp luật, các hướng dẫn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; quy hoạch và xây dựng hạ tầng kỹ thuật; đầu tư xây dựng nhà ở, công sở và các công trình hạ tầng xã hội; vật liệu xây dựng có tính đến các tác động của BĐKH và NBD.

2.2.2. Điều chỉnh, bổ sung các nội dung về ứng phó với BĐKH và NBD trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đô thị và điểm dân cư nông thôn; thiết kế, xây dựng công trình nhà ở, công sở và công trình hạ tầng xã hội dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu.

Tập trung đối với các quy chuẩn, tiêu chuẩn về số liệu khí hậu thủy văn, dữ liệu bản đồ ngập lụt với tỷ lệ thích hợp cho công tác quy hoạch xây dựng; về tải trọng và tác động; về cấp thoát nước trong và ngoài công trình; về công trình xử lý nước thải, chất thải rắn.

2.2.3. Nghiên cứu và xây dựng mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nhằm ứng phó và giảm thiểu các tác động của BĐKH & NBD. Cụ thể là các tiêu chuẩn về thiết kế và xây dựng các “Công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, “công trình xanh”,”đô thị xanh, đô thị sinh thái”; các vật liệu và sản phẩm xây dựng xanh (tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu ô nhiễm).

2.3. Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp ứng phó với BĐKH và NBD của ngành Xây dựng

2.3.1. Rà soát và điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu kinh tế trên các vùng ven biển, vùng đồng bằng thấp gần biển chịu ảnh hưởng của nước biển dâng và thiên tai (bão, lũ lụt, trượt lở đất). Định hướng các giải pháp ứng phó chủ đạo (bảo vệ, thích ứng, rút lui) đối với các tác động của NBD.

2.3.2. Nghiên cứu các giải pháp ứng phó có hiệu quả đối với BĐKH và NBD trong công tác cải tạo, xây dựng mới hạ tầng kỹ thuật đô thị, điểm dân cư nông thôn và khu công nghiệp (hệ thống cấp thoát nước, giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng, hệ thống thu gom và xử lý rác thải), nhất là các đô thị nằm ở các vùng thấp ven biển thường bị ngập úng, các vùng có xu hướng gia tăng khô hạn, xâm nhập mặn.

2.3.3. Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp mới trong thiết kế và xây dựng công trình nhằm giảm thiểu các tác hại của gió bão, tố lốc, lũ lụt, trượt lở đất, đặc biệt trên các khu vực chịu ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai như các tỉnh ven biển miền Trung; tập trung nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp với nhà ở khu vực nông thôn, nhà ở cho người nghèo.

2.4. Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp giảm nhẹ BĐKH trong ngành Xây dựng

2.4.1. Tiến hành kiểm kê khí gây hiệu ứng nhà kính trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như sản xuất xi măng, sản xuất gạch, ngói, tấm lợp; tổ chức nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua giảm mức tiêu hao nhiên liệu, giảm hoặc thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch đang dùng trong quá trình sản xuất.

2.4.2. Kiểm toán, đánh giá mức tiêu hao năng lượng, sử dụng nguồn nước trong các công trình xây dựng bao gồm nhà ở, công sở, công trình công cộng, thương mại, dịch vụ; nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp thiết kế và xây dựng mới, cải tạo các công trình nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm đã được liệt kê trong danh mục do Thủ tướng quyết định.

2.4.3. Nghiên cứu xây dựng và triển khai chiến lược phát triển công trình xanh, hướng tới một nền xây dựng bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; thí điểm xây dựng mô hình khu đô thị xanh, công trình xanh.

2.4.4. Xây dựng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; chuyển đổi nguyên, nhiên vật liệu đầu vào theo hướng “các-bon thấp” trong sản xuất vật liệu và xây dựng công trình.

2.4.5. Nâng cao năng lực quản lý chất thải, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiệu quả để xử lý nước thải, rác thải cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn.

3. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

3.1. Về cơ chế, chính sách

3.1.1. Đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đồng bộ các hoạt động ứng phó với BĐKH và NBD trong ngành Xây dựng.

3.1.2. Đề xuất và triển khai các cơ chế chính sách nhằm xã hội hóa, đa dạng hóa, thu hút nguồn lực đến từ trong và ngoài nước để triển khai có hiệu quả hoạt động của ngành nhằm ứng phó với BĐKH và NBD.

3.1.3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ việc triển khai nhiệm vụ ứng phó với BĐKH và NBD của ngành.

3.2. Về khoa học và công nghệ

3.2.1. Xây dựng kế hoạch và triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có liên quan tới công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐKH và NBD (số liệu khí tượng thủy văn, bản đồ ngập lụt theo các kịch bản đã công bố) dùng trong xây dựng, dự báo và đánh giá tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đến công trình xây dựng, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp ứng phó của ngành; các giải pháp kỹ thuật phòng và giảm nhẹ tác động của thiên tai, ứng phó với BĐKH và NBD;

3.2.2. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh của ngành xây dựng. Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất vật liệu xanh, xây dựng công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.

3.2.3. Nghiên cứu các công cụ lồng ghép, tích hợp các yếu tố BĐKH trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành xây dựng.

3.2.4. Áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng có hiệu quả hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ ứng phó với BĐKH và NBD và kiểm kê khí gây hiệu ứng nhà kính trong ngành xây dựng.

3.3. Về hợp tác quốc tế

3.3.1. Xây dựng kế hoạch thu hút các nguồn tài trợ, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho các hoạt động giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH và NBD của ngành Xây dựng.

3.3.2. Tăng cường hợp tác, kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực, trao đổi thông tin, thiết lập mạng lưới đối tác song phương và đa phương về BĐKH và NBD liên quan đến ngành Xây dựng;

3.3.3. Học tập kinh nghiệm quốc tế về các biện pháp và công nghệ giảm thiểu và thích ứng với BĐKH và NBD của ngành Xây dựng.

3.4. Về tài chính

3.4.1. Nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia được ưu tiên sử dụng trong việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách trong bối cảnh BĐKH và NBD; điều tra, khảo sát, đánh giá tác động của BĐKH; tăng cường năng lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức; đề xuất các giải pháp xây dựng nhằm ứng phó với BĐKH và NBD, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hỗ trợ triển khai thí điểm một số dự án, mô hình trong ngành Xây dựng.

3.4.2. Nguồn vốn ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ được bố trí một phần để hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) liên quan tới ứng phó với BĐKH của ngành Xây dựng. Các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế được bố trí để thực hiện các nhiệm vụ điều tra, điều chỉnh quy hoạch xây dựng.

3.4.3. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân, các tổ chức quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác song phương, đa phương nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH của ngành Xây dựng.

3.5. Về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức; đào tạo nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực

3.5.1. Phổ biến, tuyên truyền và quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng và Chính phủ và của ngành xây dựng cho cán bộ, công chức trong ngành về hoạt động nhằm ứng phó với BĐKH;

3.5.2. Thiết lập hệ thống thông tin, trang Web về BĐKH của ngành từ Bộ đến các địa phương, doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin, dự báo các vấn đề liên quan đến BĐKH và định hướng thực hiện các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng;

3.5.3. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về BĐKH, tác động và các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành.

3.5.4. Tăng cường và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân trong ngành Xây dựng.

3.5.5. Đầu tư có chọn lọc các trang thiết bị đo lường, quan trắc kiểm tra và kiểm soát khí thải có liên quan tới BĐKH cho một số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.

4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

4.1. Các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng; các doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng; Sở Xây dựng các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Kế hoạch hành động này, có trách nhiệm tổ chức xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch.

4.2. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng tổng hợp, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH; đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ; kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, dự án về ứng phó với BĐKH của Bộ Xây dựng.

4.3. Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch này, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung, các đơn vị chủ động báo cáo Bộ trưởng xem xét quyết định.

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN NHẰM ỨNG PHÓ VỚI

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2014-2020 CỦA BỘ XÂY DỰNG

(kèm theo Quyết định số 209 / BXD ngày 04/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Ghi chú:

(*) Nội dung đã được ghi trong Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2020 trong Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

(**) Tên in đậm là đơn vị chủ trì.

(***) Các Cục, Vụ và Văn phòng chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ.

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

của ngành Xây dựng, giai đoạn 2014 - 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 62/2013NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 30/08/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng giai đoạn 2014-2020 (kèm theo Phụ lục Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020 của Bộ Xây dựng).

Điều 2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng có trách nhiệm tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/van-ban-moi/ke-hoach-hanh-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-cua-nganh-xay-dung-giai-doan-2014-2020.html