Kế hoạch Thế chiến 3 ở châu Âu

Khối Hiệp ước Warsaw và NATO đều từng lập sẵn chiến lược đối phó nhau trong trường hợp bùng nổ chiến tranh tổng lực ở châu Âu.

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ tập trận ở ĐứcRussia-insider.com

Quan hệ giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là NATO, đang trong thời kỳ căng thẳng nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh. Cả hai bên đều cáo buộc nhau là “mối đe dọa an ninh” và liên tục có chuyển động quân sự mang tính răn đe, ứng phó.

Không ít nhà phân tích đã đặt ra viễn cảnh nổ ra xung đột với diễn biến khó lường. Trong đó, chuyên san The National Interest lật lại những hồ sơ được giải mật về kế hoạch chiến tranh của NATO lẫn Liên Xô cùng các đồng minh trong khối Hiệp ước Warsaw năm xưa, khi mà Thế chiến 3 có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Bảy ngày đến sông Rhine

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chính quyền Ba Lan công bố tài liệu tuyệt mật thời Liên Xô tiết lộ về kế hoạch chiến tranh mang tên Seven Days to the river Rhine (tạm dịch: 7 ngày đến sông Rhine). Đây là nội dung chủ chốt trong cuộc tập trận quy mô lớn của khối Warsaw năm 1979, với giả định phản công một cuộc xâm lược của NATO rồi lấy đà xua quân tràn qua Bức tường Berlin. Mục tiêu cuối cùng là trong vòng một tuần sẽ vượt sông Rhine, tức kiểm soát hoàn toàn CHLB Đức (Tây Đức), Bỉ, Đan Mạch và Hà Lan, áp sát biên giới Pháp.

Cụ thể, ngay sau khi NATO dùng vũ khí hạt nhân tấn công Ba Lan, Liên Xô và các đồng minh sẽ lập tức giáng trả cũng bằng vũ khí hạt nhân vào những khu đô thị lớn ở Tây Đức như Hamburg, Dusseldorf, Cologne, Frankfurt, Stuttgart, Munich và cả thủ đô Bonn. Đại bản doanh NATO ở Brussels (Bỉ) và cảng Antwerp của nước này sẽ bị tiêu diệt. Các thành thị ở Đan Mạch và thủ đô Amsterdam của Hà Lan sẽ trở thành bình địa sau 2 cuộc tấn công hạt nhân. Kết quả là NATO trở thành rắn không đầu, chính quyền Tây Đức, Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch sụp đổ hoặc kiệt quệ và dễ dàng gục ngã trong ngày thứ 7 của kế hoạch.

Điều đáng lưu ý là kế hoạch của Khối Warsaw nhấn mạnh không trực tiếp tấn công Anh và Pháp để không phải đối đầu trực tiếp với thế lực mạnh nhất châu Âu lúc đó, trong khi Mỹ sẽ gặp khó khăn về địa lý lẫn chính trị trong việc triển khai cứu viện lực lượng đóng ở châu lục. Việc đánh phủ đầu những thành phố cảng như Hamburg, Antwerp và Amsterdam cũng nhằm giảm khả năng nhận tiếp viện từ Anh và Mỹ.

Sau đợt dọn đường bằng hạt nhân, Khối Warsaw sẽ triển khai lực lượng quy ước tiến chiếm. Do Ba Lan đã trở thành “vùng đất chết” sau khi bị NATO tấn công hạt nhân nên quân chủ lực của Liên Xô sẽ bị chia cách với lực lượng đóng tại CHDC Đức (Đông Đức), Tiệp Khắc và Hungary. Tuy nhiên, những đơn vị đồn trú này cộng thêm quân lực sở tại được cho là vẫn đủ sức áp đảo đối phương.

Dẫn đầu sẽ là Nhóm lực lượng Liên Xô ở Đông Đức (GSFG) gồm 5 đội quân, với mỗi đội có 3 - 4 sư đoàn xe tăng, bộ binh cơ giới. Ở phía bắc, GSFG triển khai 7 sư đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới phối hợp cùng Quân đội nhân dân quốc gia Đông Đức cũng như đặc nhiệm, lính dù và pháo binh để đương đầu với lực lượng kết hợp giữa Hà Lan, Tây Đức, Anh và Bỉ. Trận chiến này sẽ diễn ra tại khu vực từ biên giới Đông - Tây Đức đến Hà Lan và Bỉ.

Còn ở phía nam, một lực lượng hùng hậu, với tổng số 19 sư đoàn của Liên Xô, Áo và Tiệp Khắc sẽ thẳng tiến đến sông Rhine bằng tuyến đường chưa tới 194 km nhưng cực kỳ gian truân về quân sự lẫn địa lý. Khối Warsaw sẽ đối mặt với 10 sư đoàn Mỹ và Tây Đức, vốn là lực lượng được trang bị tốt nhất của NATO thời điểm đó, đồng thời phải chiến đấu trong điều kiện nhiều đồi núi, thung lũng dễ thủ khó công. Vì thế, không quân Liên Xô sẽ tập trung hỗ trợ cho mặt trận này và phong tỏa khu vực xung quanh những cây cầu chiến lược để mở đường cho bộ binh.

Cùng lúc đó, đặc công Liên Xô tìm cách vô hiệu hóa tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và bom hạt nhân của NATO; còn hải quân tập trung chống tàu Mỹ tiếp cận khu vực đồng thời sẵn sàng tấn công hạt nhân vào đất liền nếu cần. Theo The National Interest, mục tiêu chính của Khối Warsaw hy vọng đánh nhanh thắng nhanh, ép Anh, Pháp và Mỹ phải quay lưng với những đồng minh NATO nếu không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến hạt nhân hủy diệt tất cả.

Quân đội Nga tập trận ở Crimea, tháng 2.2016 Bộ Quốc phòng Nga

Kế hoạch của NATO

Trái với Liên Xô, NATO đặt giả thiết không có bên nào sử dụng vũ khí hạt nhân ngay từ đầu mà đây là bước cuối cùng khi một trong hai bị dồn vào chân tường. Vì thế, trong chiến lược công bố năm 1988, khối này công bố kế hoạch chiến tranh 4 mục tiêu gồm: áp đảo trên không, duy trì các tuyến đường biển mở tới Mỹ, bảo vệ Tây Đức và không để lâm vào tình trạng sử dụng vũ khí hạt nhân. Chỉ cần một trong số này thất bại thì cuộc chiến sẽ kết thúc.

Mặt khác, NATO đặt nguyên tắc phòng ngự chủ động áp sát Đông Đức nếu cần vì nếu sử dụng chiến lược phòng ngự lùi sâu thời Thế chiến 2 sẽ trao toàn bộ Tây Đức vào tay Liên Xô cũng như công sức hơn 40 năm xây dựng phục hồi thời hậu chiến sẽ đổ sông đổ bể.

Theo đó, hải quân NATO tập trung bảo vệ các tuyến đường biển ở Đại Tây Dương để có thể nhận tiếp viện từ Mỹ và Canada. Khi cần, Mỹ sẽ triển khai 2 đến 3 nhóm tác chiến tàu sân bay cùng một đội pháo hạm tấn công các căn cứ của Hạm đội phương Bắc Liên Xô để phân tán sức mạnh đối phương cũng như cô lập tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô khỏi sự hỗ trợ từ đất liền. Phe NATO sẽ nỗ lực dồn tàu Liên Xô, Ba Lan và Đông Đức vào biển Baltic để ngăn chặn một cuộc đổ bộ vào Đan Mạch. Trong khi đó, hải quân Tây Đức canh chừng không để đặc nhiệm Ba Lan cố đổ bộ vào Hamburg.

Cùng lúc, chiến đấu cơ Mỹ, Anh, và Tây Đức cùng nhiều máy bay chiến đấu khác sẽ hợp sức tạo thế vượt trội trên không, còn oanh tạc cơ tấn công tầm thấp Tornado IDS của Anh và Tây Đức có sứ mệnh dội bom phản công căn cứ ở Đông Đức và Ba Lan. Máy bay ném bom F-111 của Mỹ và các phi đội khác của liên minh sẽ thực hiện nhiệm vụ phong tỏa, dội bom cầu đường, trụ sở chỉ huy, nguồn tiếp tế… nhằm hãm đà tiến của phe Warsaw cũng như yểm trợ cho lục quân tấn công.

Các lực lượng trên bộ NATO khi đó vừa được trang bị những hệ thống tác chiến mới, còn được sử dụng cho đến tận ngày nay. Cụ thể, năm 1988, Đơn vị lục quân 7 của Mỹ đóng ở châu Âu nhận hệ thống tác chiến chủ lực gồm xe tăng M1 Abram, xe tác chiến bộ binh M2 Bradley, trực thăng tấn công AH-64 Apache, trực thăng vận tải UH-60 Blackhawk và tên lửa phòng không Patriot. Tây Đức bắt đầu triển khai xe tác chiến bộ binh Marder và xe tăng Leopard II.

Theo kế hoạch, Nhóm lục quân phía bắc (NORTHAG) được giao sứ mệnh bảo vệ khu vực từ biên giới Đông - Tây Đức đến Hà Lan và Bỉ, đánh bật mọi uy hiếp đối với Bonn cũng như các thành phố cảng Antwerp và Rotterdam, vốn đóng vai trò sống còn phục vụ các đợt tiếp viện. Trong khi đó, Nhóm lục quân miền trung (CENTAG) bảo vệ phía nam Tây Đức và đóng chốt ngay tuyến đường hiểm yếu dẫn đến sông Rhine.

Theo kế hoạch, NATO sẽ dùng 12 đơn vị trù bị cấp lữ đoàn của Tây Đức để ngăn chặn các cuộc tấn công phá hoại từ trên không và đặc nhiệm của đối phương nhằm vào căn cứ không quân, cầu đường, trụ sở chỉ huy, kho tiếp tế…

Chỉ khi các lực lượng quy ước thất bại hoàn toàn thì NATO mới tính tới sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tuy nhiên, bước đi này chắc chắn sẽ lôi kéo tất cả vào một cuộc chiến có thể kết liễu nền văn minh nhân loại, theo The National Interest.

NATO triển khai quân sát Nga

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Warsaw (Ba Lan) từ ngày 8 - 9.7, lãnh đạo các nước nhất trí lần đầu tiên triển khai quân lực đến các quốc gia Baltic và Ba Lan kề cận Nga, đồng thời tăng cường tuần tra nhằm bảo vệ những quốc gia này.

Theo Reuters, NATO quyết định điều động luân phiên 4 tiểu đoàn do Anh, Canada, Đức và Mỹ dẫn đầu tới Ba Lan, Lithuania, Estonia và Latvia. Mặt khác, NATO nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán và khôi phục lại các biện pháp xây dựng lòng tin với Nga.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc NATO bàn về bất kỳ mối đe dọa nào từ Nga là “chuyện lố bịch” nhưng nhấn mạnh Moscow vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại và sẵn sàng hợp tác với NATO. Đại diện thường trực của nước này tại NATO Alexander Grusko cũng cảnh báo rằng việc NATO tăng cường hoạt động quân sự gần biên giới Nga đang phá vỡ lòng tin giữa hai bên và Moscow sẽ có biện pháp quân sự đáp trả, theo Hãng tin TASS.

Minh Trung

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/ke-hoach-the-chien-3-o-chau-au-721616.html