Kế hoạch tuyệt vời cho kỳ nghỉ hè của con

Sau một năm học mệt mỏi, kỳ nghỉ hè là thời gian để trẻ được nghỉ ngơi, hoạt động thể chất để phát triển toàn diện hơn, vậy cha mẹ nên lập kế hoạch hè cho con ngay nhé.

Điều cần thiết phải lên kế hoạch hè cho con

Hè là thời điểm tuyệt vời để con phát triển vượt trội về kĩ năng, về thể chất, về tinh thần. Lên kế hoạch hè thế nào để con không có áp lực, học chơi – chơi học, là điều cần làm ngay từ bây giờ.

Nếu coi hè là “học kì thứ 3” thì bố mẹ hãy biết cách tận dụng triệt để “thời gian vàng” này để trẻ có sự phát triển tối đa. Bởi đây là thời kì trẻ không hoàn toàn thuộc về một trường lớp nào, do đó việc lựa chọn và xác định “giáo trình học hè” cho con là của bố mẹ.

Không phải tự nhiên mà vấn đề học hè lại tồn tại trong rất nhiều năm nay và được đem đi mổ xẻ nhiều lần trong các cuộc họp. Theo một số nghiên cứu, 80% trẻ em gái và hơn 70% trẻ trai có sự phát triển tốt hơn trong mùa hè (điều này cũng có thể đúng với những đất nước có kì nghỉ đông). Khi đó, tâm lý của trẻ có sự giải phóng, thoải mái hơn so với năm học chính nên việc những điều mà trẻ được tiếp thu không còn căng thẳng. Không bị gò bó, ép buộc vì thành tích, điểm số, bộ não vận động linh hoạt và tự do hơn khi bị “ép” trong khuôn khổ kiến thức của năm học.

Bố mẹ thường có tâm lý muốn con mình cái gì cũng phải biết mà không quan tâm con mình có năng khiếu môn gì hay có thích học những môn đó không, hoặc một số bậc phụ huynh cho biết do chưa phát hiện được năng khiếu của con nên cứ cho con học hết tất cả các môn đến khi nào tìm thấy được năng khiếu của con thì tập trung đầu tư cho bé môn đó.

Hậu quả của tâm lý đó là những đứa trẻ sau 9 tháng học hành ở trường, lại phải tiếp tục 3 tháng học hè, dù những môn này thú vị và đỡ căng thẳng hơn, nhưng cũng làm các bé mất đi mùa hè thật sự của mình khi không còn thời gian vui chơi, giải trí.

Nhưng cũng có những phụ huynh biện minh là mình có được nghỉ hè đâu? Mà vẫn phải đi làm, đi kiếm ăn, vậy nếu không cho con đi học cái này cái kia, thì biết gửi con đi đâu, biết bầy ra cái gì để hết ngày hết giờ của con? Như vậy cái lý do phát triển năng khiếu hay hình thành kỹ năng sống chỉ là cái vỏ bên ngoài cho một cái mục đích rất “đời thường” đó là có thứ để học, có chỗ để gửi con thôi!

Điều đó không có gì sai – thế nhưng tại sao chỉ cần gửi con, chỉ cần có chỗ cho con hoạt động, nhưng cũng đòi hỏi con phải đạt được những kết quả thành tích hay bắt con theo học cả những thứ trái với sở thích của con?

Hãy nghe tâm sự của một phụ huynh khi lên lịch học hè dày đặc cho cậu con trai hiện đang học lớp bốn của mình là: “Con trai tôi từ khi đi học lớp một luôn đứng trong top đầu lớp, tôi muốn con phát huy được tối đa khả năng của mình để hết tiểu học, cháu sẽ thi đỗ vào một trường điểm trung học cơ sở.” Nghe mẹ nói vậy, cậu con mếu máo: “Con chỉ có một ước mơ là được nghỉ hè thật sự như các anh, chị con ở quê nội, không phải nghĩ đến việc đi học hè. Con thích đi thả diều, thích đạp xe chứ không thích đi học giải toán trên máy tính. Nhưng năm nào con cũng phải đi học hè, hết ở trường, ở trung tâm ngoại ngữ, nhà văn hóa lại đến học gia sư tại nhà”

Nhưng không phải phụ huynh nào cũng thế – Như hai phụ huynh này, họ đã giải bài toán học hè cho con như thế nào?

Một vị sau nhiều năm cứ hè đến là đôn đáo khắp nơi tìm các trung tâm, khóa học cho con, đã nhận thấy, người dạy con tốt nhất là bố mẹ và phải làm hằng ngày. Nghĩ vậy, chị đã dành thời gian tìm hiểu tâm lý của các con ở từng độ tuổi, theo sát chương trình học của từng cháu ở trường rồi từ đó tổ chức nhiều hình thức giúp con tìm hiểu về những nội dung liên quan.

Chỉ sau chưa đầy một năm, chị đã thấy các con tiến bộ hẳn. “Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ mình cho các con về quê hay ra ngoại thành, cuốc đất, trồng rau, nhổ cỏ dại giúp người thân… Đứa nào cũng hào hứng lắm”

Một vị khác cũng dạy con kỹ năng sống bằng cách, hằng ngày hướng dẫn con tự phục vụ bản thân và làm việc nhà phù hợp lứa tuổi. Mỗi dịp nghỉ hè, dù bận rộn thế nào, chị cũng sắp xếp để gia đình đi nghỉ cùng nhau ít nhất 3 ngày. Trước mỗi chuyến đi, các con của chị được giao nhiệm vụ tìm thông tin về lịch sử, địa lý… của địa danh sẽ tới và tự chuẩn bị hành lý của mình…

“Tất nhiên, mình cũng muốn cho các con tham gia các hoạt động ở trại hè hay học thêm những kỹ năng bổ ích từ cộng đồng, thế nhưng đó chỉ là cơ hội để bọn trẻ giao lưu, trải nghiệm, thay đổi không khí và thực hành những điều đã học, chứ không phải để chúng thay đổi”.

Như vậy, chúng ta đã thấy thay vì phải đi tìm kiếm những cơ sở trường lớp hay các khóa năng khiếu để gửi con theo học, vừa tốn tiền, tốn sức của cha mẹ mà lại có khi không phù hợp với sở thích và năng lực của trẻ, thì tại sao chúng ta không tìm hiểu ngay chính con mình để tìm ra những biện pháp giúp con “học” một cách vui vẻ, nhẹ nhàng ngay tại gia đình – và mỗi cuối tuần vẫn có thể cho các cháu đến các điểm sinh hoạt vui chơi thoải mái.

Còn nếu nói về năng khiếu thì liệu một hai tháng có đủ để giúp trẻ phát triển được không, khi đó là một lĩnh phải được học hỏi và đào tạo lâu dài mới có thể đạt được những kết quả nhất định.

Còn về việc vui chơi – điều đó cũng giống như việc học bởi vì trẻ được vui chơi sẽ tạo điều kiện giao lưu về ngôn ngữ, thông tin, kiến thức. Từ đó, trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần, góp phần quan trọng cho sự hình thành nhân cách của trẻ.

Thực tế cho thấy, những đứa trẻ được vui chơi hợp lý sẽ có khả năng giao tiếp tốt và tự tin hơn để có sự phát triển lành mạnh về mặt tâm lý. Do đó chúng ta cũng cần biết đến những hoạt động vui chơi nào có thể giúp trẻ phát triển. Có thể đó là những khóa đá banh, bơi lội, thể dục nhịp điệu hay những trại hè được tổ chức bởi những đơn vị có uy tín với mức chi phí hợp lý. Nếu có người thân ở quê, thì đây cũng là dịp thích hợp để cho các cháu về quê, vui chơi nghỉ ngơi một thời gian, vừa gắn kết tinh thần gia đình họ hàng, vừa giúp trẻ thay đổi không gian sống tích cực.

Điều quan trọng là sự quan tâm đến con trong các hoạt động vui chơi, quan tâm không có nghĩa là theo sát, nhưng là có sự hiểu biết về những sở thích của con để giúp con có các hoạt động vui chơi phù hợp.

Bí quyết để con bạn có kỳ nghỉ hè bổ ích

Dưới đây là những chia sẻ của nhà giáo giúp con có một kỳ nghỉ hè thật bổ ích và thú vị:

Lên kế hoạch cho những ngày nghỉ ý nghĩa

Việc này cần làm từ đầu hè, khi trẻ chưa bước vào kỳ nghỉ, để cả gia đình chủ động và sắp xếp công việc, thời gian hợp lý. Tùy điều kiện hoàn cảnh, kinh tế, mỗi gia đình có thể sắp xếp những kỳ nghỉ khác nhau: Có thể đi du lịch, khám phá những miền đất mới, đến một khu nghỉ dưỡng... hoặc chỉ là về quê, thăm họ hàng, anh em... Đơn giản là tìm một địa điểm để thay đổi không gian sống, tạo cho trẻ sự hào hứng, vui thích.

Cả gia đình cùng làm mới không gian sống

Các thành viên có thể cùng nhau bài trí lại phòng khách, gian bếp, trồng thêm cây xanh trong vườn... hay nếu trẻ còn nhỏ, chỉ đơn giản là sắp xếp, trang trí lại phòng bé hay góc học tập của con. Việc này cũng cần đưa ra những "gạch đầu dòng" cụ thể. Cả gia đình hãy cùng chia sẻ ý tưởng và biến không gian sống của mình trở nên sinh động, ngăn nắp hơn. Việc này giúp mọi người gắn bó với nhau hơn và thêm hứng khởi bắt tay vào các việc khác.

Để con tham gia những hoạt động yêu thích

Hè là thời gian lý tưởng để trẻ sinh hoạt trong những câu lạc bộ tiếng Anh, võ thuật múa hát, đọc sách, vẽ... thay vì nhồi nhét kiến thức với lịch học thêm dày đặc. Điều quan trọng là, trước khi cho con tham gia một hoạt động nào, bố mẹ cần hỏi ý kiến trẻ, hiểu sở thích của con, đồng thời có định hướng những thứ phù hợp với tâm lý, lứa tuổi... của trẻ.

Một số hoạt động thú vị và bổ ích bạn có thể lôi kéo cả gia đình tham gia như mấy mẹ con đi học ấu ăn, cả nhà tập bơi, gia nhập câu lạc bộ đọc sách... Hãy tạo sự hứng khởi ở trẻ chứ đừng bắt buộc các em.

Ôn bài và khám phá năm học mới

Đây là hình thức chơi mà học, học mà chơi. Bố mẹ có thể gợi ý để con xem trước sách giáo khoa của năm học tới, nhất là những bộ môn con yêu thích. Mẹ có thể cùng con đọc trước cuốn tiếng Việt lớp trên, hỏi con xem trong đó có bài thơ nào hay nhất, câu chuyện nào có nhiều nhân vật nhất... gợi ý khéo léo để con có thể nắm được nội dung bài mà không có cảm giác bị nhồi nhét. Cách này giúp trẻ khi vào năm học sẽ nhanh nắm được nội dung bài vở và yêu thích môn học hơn.

Xây dựng thời khóa biểu có độ linh hoạt để trẻ được chơi nhiều hơn

Trong thời gian con được nghỉ hè, bố mẹ không nên quá khắt khe bắt con học liên tục nhưng cũng đừng nên thả lỏng cho trẻ thích gì làm nấy. Hãy lên lịch cho các hoạt động của trẻ một cách linh hoạt: Thời gian nào bé đọc sách, vui chơi, xem truyền hình, vào internet... quy định rõ thời lượng, nội dung các chương trình này và có cách kiểm tra khéo léo.

Tổng hợp

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/gia-dinh-tinh-yeu/len-ke-hoach-he-cho-con-de-con-phat-trien-toan-dien-a190776.html