Kẻ khống chế bé trai 3 tuổi ở TP.HCM sẽ bị xử lý thế nào?

Do xảy ra mâu thuẫn nên vợ Khưa ôm con gái bỏ về quê. Cho rằng chị U. (bạn của vợ Khưa) có liên quan nên Khưa khống chế bé trai con chị này để uy hiếp, yêu cầu vợ quay lại TP.HCM.

Bé trai 3 tuổi bị khống chế suốt nhiều giờ

Công an quận Bình Tân, TP.HCM đang làm rõ hành vi khống chế bé trai 3 tuổi suốt 6 giờ của nghi can Nguyễn Văn Khưa (33 tuổi, quê Hậu Giang) tại một căn phòng trọ trên đường số 7 (phường An Lạc, quận Bình Tân).

Theo thông tin ban đầu, khoảng 7h ngày 5/9, chị U. (tạm trú tại dãy trọ trên đường số 7) đưa con trai 3 tuổi đi học thì bất ngờ bị Khưa giật lấy con, rồi đưa vào phòng cố thủ. Đối tượng cầm bình xăng dọa sẽ đốt cháu bé nếu ai dám vào can thiệp.

Sợ chuyện không hay xảy ra, hàng xóm xung quanh đã gọi điện trình báo cơ quan công an. Nhận được tin báo, lực lượng Công an quận Bình Tân nhanh chóng đến tại hiện trường thuyết phục Khưa thả cháu bé.

Công an cùng người dân túc trực tại nhà trọ để khuyên can Khưa.

Đối tượng không nghe mà còn khóa chặt cửa. Bên trong phòng, cháu bé sợ hãi, khóc lóc. Sợ nguy hiểm đến cháu bé, công an buộc phải điều động 2 xe cứu hỏa đến hiện trường để lên phương án tiếp cận phòng trọ. Đến khoảng 10h, khi chị dâu của Khưa đến khuyên ngăn, bé trai mới được thả ra.

Vừa bước ra ngoài, Khưa đã khóc lóc khai nhận: “Do quá buồn bực việc vợ dẫn con về ngoại, tôi đã nghĩ quẩn chứ không có ý định làm hại bé”.

Được biết, trước đó 3 ngày do xảy ra mâu thuẫn nên vợ ôm con gái bỏ về quê. Cho rằng chị U. (bạn của vợ Khưa) có liên quan nên Khưa khống chế bé trai con chị này để uy hiếp, yêu cầu vợ quay lại TP.HCM.

Để làm rõ những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này, báo Người Đưa Tin xin dẫn ý kiến của luật sư Vũ Quang Bá - công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Kiểm tra sức khỏe của bé trai để đánh giá hành vi phạm tội

Luật sư Vũ Quang Bá.

Căn cứ lời khai của đối tượng Khưa có thể thấy nguyên nhân của vụ việc bắt, giữ cháu bé xuất phát từ mâu thuẫn giữa Khưa và vợ.

Bản thân Khưa đã lầm tưởng người phụ nữ phòng bên cạnh (bạn của vợ Khưa) có liên quan nên đối tượng đã thực hiện hành vi khống chế con của chị này để uy hiếp, yêu cầu vợ quay lại.

Hành vi của Khưa được xác định đã trực tiếp xâm phạm đến các quyền tự do thân thể của cháu bé, đây là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận.

Theo đó, tại Điều 20, Hiến pháp có quy định rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân…”.

Hành vi bắt, giữ bé trai trong phòng với bình xăng trong suốt 6 giờ liền của Khưa đã có dấu hiệu pháp lý tội Bắt, giữ người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123, Bộ luật hình sự.

Theo đó, Điều 123 quy định rõ: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Trước mắt cần phải đảm bảo việc theo dõi, kiểm tra sức khỏe của bé trai cũng như mức độ ảnh hưởng đến tinh thần của cháu bé để làm cơ sở đánh giá hậu quả của hành vi phạm tội của Khưa. Bên cạnh đó, trong trường hợp đối tượng bị khởi tố về tội Bắt, giữ người trái pháp luật thì Khưa có thể bị xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với trẻ em” theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 48, Bộ luật hình sự.

Ls.Vũ Quang Bá

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ke-khong-che-be-trai-3-tuoi-o-tp-hcm-se-bi-xu-ly-the-nao--a338415.html