Kẻ ngông cuồng đã trở thành 'vua của thế giới'

12 năm trước, khi Titanic trở thành siêu phẩm điện ảnh ăn khách nhất thế giới mọi thời đại và giật về tới 11 tượng vàng Oscar, James Cameron đã 'ngông cuồng' tuyên bố 'I'm King of the world' (Tôi là ông vua của thế giới).

12 năm sau, năm 2010, với siêu phẩm điện ảnh thứ 2 là Avatar, James Cameron cho cả thế giới thấy ông thực sự là “ông vua mới của điện ảnh thế giới” và cái ngông của ông là cái ngông của một đạo diễn thiên tài.

Tay ngang số 1

Ít ai có thể ngờ rằng, con người được rất nhiều tờ báo đánh giá là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất mọi thời đại lại chưa từng học qua trường lớp nào liên quan đến điện ảnh hay nghệ thuật.

James Francis Cameron (tên đầy đủ của đạo diễn James Cameron) sinh trưởng ở Ontario, Canada trong một gia đình cha là kỹ sư điện, mẹ là y tá kiêm họa sĩ nghiệp dư. Năm 1971, gia đình Cameron chuyển đến Fullerton, California, Mỹ sinh sống.

James Cameron trên đại lộ danh vọng

Thể theo nguyện vọng của gia đình, James theo học ngành Vật lý tại Đại học bang California. Những lần theo bạn bè tới thưởng thức các tác phẩm điện ảnh kinh điển được lưu trữ trong thư viện phim của Đại học Nam California đã khiến chàng sinh viên chuyên ngành Vật lý trở nên đam mê nghệ thuật thứ bảy từ lúc nào mà chính bản thân cũng không tự ý thức được.

Niềm đam mê ấy cứ đeo bám và thôi thúc chàng sinh viên kể cả khi đã ra trường, không được làm đúng ngành nghề đã học, cam phận làm một tay lái xe tải quèn. Tuy nhiên, chính những năm tháng “hèn hạ” này đã góp phần quan trọng làm nên một thiên tài điện ảnh James Cameron sau này. Bởi vì, mỗi khi có thời gian rỗi là chàng tài xế nghèo lại mày mò cầm bút, thử viết nên những tình huống, câu chuyện theo dạng thức mà giới điện ảnh chuyên nghiệp gọi bằng 4 từ: Kịch bản điện ảnh.

Bước ngoặt xảy đến với James Cameron và cả nền điện ảnh thế giới vào năm 1977. Sau khi xem xong những thước phim gốc của bộ phim nổi tiếng Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao), Cameron quyết định vĩnh biệt… vô lăng, bước vào ngành công nghiệp điện ảnh bằng một quyết định được coi là táo bạo và liều lĩnh. Lợi thế và cũng là yếu tố quyết định góp phần làm nên một đạo diễn James Camroon lừng danh ở thể loại phim khoa học viễn tưởng sau này chính lại nhờ những năm tháng theo học chuyên ngành Vật lý năm xưa.

Sản phẩm đầu tiên trong chặng đường đời làm điện ảnh của James Cameron là một kịch bản viết chung với 2 đồng nghiệp khác, dài vỏn vẹn 10 phút, mang tựa đề Xenogenesi. Ít ai có thể ngờ rằng, một James Camron chịu chơi có tiếng trong giới làm phim Hollywood, người đã thuyết phục hãng Fox chi số tiền khổng lồ tới 250 triệu USD và ứng dụng công nghệ không gian 3 chiều (3D) vượt trội để làm nên siêu phẩm Avatar ngày hôm nay, cách đây gần 30 năm, từng phải tích cóp từng đồng xu từ việc bán kịch bản Xenogenesi để thuê một studio cỡ nhỏ, một máy quay hạng trung bình và mua mấy cuộn phim loại 35mm. Chưa kể, để biết cách sử dụng một chiếc máy quay phim như thế nào, chàng đạo diễn tương lai đã không có cách nào khả dĩ hơn ngoài việc mất tới nửa ngày trời để… tháo tung chiếc máy quay. Có thể nói, chính James Cameron đã là người thầy điện ảnh của chính mình.

Đạo diễn của những “bom tấn”

Chính sự mày mò, không ngại gian khổ, liên tục tìm tòi ấy đã góp phần làm nên một James Cameron - “Vua phòng vé”, đạo diễn của hàng loạt bộ phim “bom tấn” sau này. Thêm một chút may mắn, cả cái duyên làm phim trời cho, James Cameron không mất nhiều thời gian để khẳng định mình tại kinh đô điện ảnh Hollywood.

Chỉ 1 năm sau khi vào làm tại xưởng phim nhỏ bé Roger Corman, James Camroon đã được tín nhiệm giao làm phim. Bộ phim khoa học viễn tưởng Battle Beyond the Star sản xuất năm 1980 có thể coi là bộ phim đầu tay của đạo diễn James Cameron. Kinh phí làm phim quá eo hẹp, thiết bị công nghệ làm phim quá cũ kĩ, lạc hậu… Nhưng, những yếu tố tưởng như là lực cản đối với mọi nhà làm phim lại là nhân tố vô cùng quan trọng kích thích khả năng thu vén và sự sáng tạo không ngừng trong James Cameron.

Sau Battle Beyond the Star, vận may liên tục mỉm cười với nhà đạo diễn trẻ. Hầu như năm nào James Cameron cũng có phim để làm. Trong đó, điểm nhấn là phần 2 của serie phim Piranha mang tựa đề Piranha II: The Spawning (1981). Đang làm phim này, James Camroon đã nung nấu ý tưởng làm một phim khác. Sau này, chính James Camroon tiết lộ, thời gian trên trường quay của Piranha II: The Spawning là lúc những ý tưởng đầu tiên của series The Terminator¬ (Kẻ hủy diệt) - “bom tấn” đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh huy hoàng của ông “Vua phòng vé” - ra đời.

Năm 1984, phần I của The Terminator ra mắt công chúng yêu điện ảnh. Các rạp chiếu phim đông nghẹt khán giả, tên tuổi của người hùng cơ bắp Arnold Schwarzenegger qua bộ phim này cũng trở nên nổi tiếng khắp thế giới. James Cameron trở thành một thương hiệu lớn trong giới làm phim Hollywood. Đặc biệt, trong mảng phim khoa học viễn tưởng hay chiến tranh, đạo diễn này dường như không có đối thủ. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tài năng đang độ chín, sức mạnh thương hiệu đủ sức thuyết phục những nhà sản xuất chịu chơi nhất, giàu có nhất.

Hơn 20 năm qua là quãng thời gian James Cameron thỏa sức sáng tạo, thỏa sức biến những ước mơ điện ảnh, kể cả hoang đường nhất, thành hiện thực và… hái ra tiền. Hơn 20 năm qua, dường như phim nào James Cameron đứng tên đạo diễn đều xứng danh siêu phẩm điện ảnh, cả về mặt doanh thu lẫn nghệ thuật. Sau The Terminator (1984) là Aliens (1986), The Abyss (1989), Terminator 2: Judgment Day (1991), True Lies (1994), Titanic (1997), và Avatar (2009). Phim nào cũng ngốn tiền và… đẻ ra tiền.

Tốn kém hàng trăm triệu USD nhưng thu về cho nhà sản xuất số lãi gấp 3, 4 lần, thậm chí hàng tỉ USD. Phần I của The Terminator có lẽ là siêu phẩm điện ảnh “rẻ” nhất trong series bom tấn của James Cameron, “chỉ tốn” 6,5 triệu USD nhưng thu về tới 78 triệu USD; True Lies 115 triệu USD, thu về hơn 400 triệu USD; Titanic tốn hơn 200 triệu USD nhưng doanh thu phòng vé đạt mức kỷ lục hồi bấy giờ là 1,8 tỉ USD, trở thành một trong những bộ phim ăn khách mọi thời đại.

Avatar từng khiến lãnh đạo hãng Fox phải tốn khá nhiều thời gian để cân đong đo đếm bởi trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nhưng ông đạo diễn quen xài sang này đòi đầu tư tới gần 400 triệu USD để làm phim. Rốt cuộc, các ông trùm của Fox đã phải cám ơn trời Phật vì đã không để kịch bản của James Cameron về với đối thủ Walt Disney. Sau thời gian công chiếu trên toàn thế giới, tính tới ngày 21-2-2010, đã đạt hơn 2,46 tỉ USD và “nhấn chìm con tàu Titanic” về mặt doanh thu.

Thương hiệu James Camroon càng trở nên… vô giá khi được kiểm chứng không chỉ bởi những con số doanh thu khổng lồ mà còn bởi hàng loạt giải thưởng danh giá (năm 1997, Titanic giành tới 11 giải Oscar trong đó có Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất. Năm 2009 Avatar giành thắng lợi áp đảo tại giải thưởng điện ảnh Quả cầu vàng và nhiều khả năng giành cú đúp tương tự tại Oscar 2010 công bố trong tháng 2 này). Kết thúc năm 2009, chứng kiến sự thắng lợi cả về mặt doanh thu lẫn nghệ thuật của Avatar, The Los Angeles Times - một trong những nhật báo uy tín và khắt khe nhất nước Mỹ - đã phải thừa nhận James Camroon thực sự là “Vua của thế giới”.

Ông “Vua của sự hoàn hảo”

Theo đánh giá của giới phê bình và đồng nghiệp, óc sáng tạo hơn người, sự tự tin, mạo hiểm, chịu chơi và đặc biệt là sự kỹ tính, hoàn hảo đến mức quyết liệt của James Cameron là những yếu tố căn bản đưa nhà đạo diễn này lên ngôi vị một ông “Vua điện ảnh”. Có lẽ hiếm có đạo diễn nào liên tục nuôi dưỡng được trong mình những ý tưởng lớn và đòi hỏi chúng phải biến thành hiện thực một cách thực sự hoàn hảo như James Cameron (đa phần các phim ông vừa là đạo diễn vừa là tác giả kịch bản).

Đang trên trường quay chỉ đạo diễn xuất của một siêu phẩm điện ảnh đồ sộ như Tinanic, Cameron đã “thai nghén” bộ phim “bom tấn” tiếp theo của mình, đó chính là Avatar. Và, không nhiều người biết rằng, James Cameron đã viết kịch bản của Avatar cách đây 14 năm, 2 năm trước khi Titanic ra đời. Trong giới làm phim Hollywood, có lẽ không mấy ai có được sự bền bỉ như James Cameron. 80 trang bản thảo gốc của Avatar đã được hoàn thành từ năm 1995 nhưng James Cameron vẫn quyết định “nhẫn nại chờ thời”, đơn giản bởi ông biết công nghệ kỹ thuật điện ảnh phát triển chưa đủ mạnh để có thể giúp thể hiện trọn vẹn, hoàn hảo những ý tưởng của mình. Mà, hơn ai hết, ông lại là con người tôn thờ “chủ nghĩa hoàn hảo”.

Tròn một thập kỷ chờ đợi, đến năm 2005, khi biết rằng giấc mơ có thể trở thành hiện thực, James Cameron trình dự án "Project 880" (sau này đổi thành Avatar) lên lãnh đạo hãng Fox. Nhưng, như đã nói ở trên, lãnh đạo hãng Fox, sau phút… rụng rời trước kịch bản chuyển thể lên tới 153 trang dày đặc những yếu tố mạo hiểm, những công nghệ làm phim chưa bao giờ được thực hiện hay kiểm chứng, những trường quay quá hoành tráng, ngốn quá nhiều tiền bạc, đã lắc đầu từ chối.

Không nản chí, James Camroon cùng ê-kíp vẫn âm thầm bắt tay làm việc và chuyển đối tác đầu tư sang Walt Disney. May mắn cho Fox là lãnh đạo hãng này đã nhanh chóng “đánh hơi” mùi thành công. Tháng 9/2006, Fox quyết định nhượng bộ Cameron, chính thức thông qua dự án Avatar. Tuy nhiên, là người của “chủ nghĩa hoàn hảo”, Cameron không vội vàng triển khai dự án khi vẫn cảm thấy “chưa đủ công nghệ để đáp ứng các điều kiện của dự án”. Mãi tới gần 1 năm sau, khi mọi yếu tố công nghệ đã đạt chuẩn theo yêu cầu của James Cameron, Avatar mới được chính thức bấm máy.

Người ta còn được chứng kiến sự kỹ tính đến mức quyết liệt của đạo diễn này khi, đáng lẽ Avatar được phát hành vào tháng 5-2009, nhưng James Camroon đề nghị lùi ngày ra mắt công chúng tới tháng 12-2009 để các rạp chiếu phim có thêm thời gian hoàn thiện các phòng chiếu phim 3D - phim không gian ba chiều với thiết bị máy chiếu đặc chủng cùng với mắt kính đặc chủng dành cho người xem.

Không chỉ đến Avatar, các phim của James Camroon xưa nay vẫn thường “đốt” tiền của các nhà sản xuất cũng chính bởi “chủ nghĩa hoàn hảo” đến từng chi tiết của đạo diễn lừng danh này. Ngay từ năm 1989, với phim The Abyss, khi công nghệ làm phim còn chưa đủ sức để tạo dựng một trường quay dưới nước, nhưng với mong muốn phải tạo dựng được một trường quay “thật hơn cả thật”, Cameron đã yêu cầu phải đào sâu tới 12m dưới lòng đất, đổ vào đấy gần 40 triệu lít nước để làm thành một trường quay theo đúng ý đồ kịch bản của ông. Báo chí cũng đã nói nhiều tới việc James Cameron quyết tâm như thế nào trong việc tạo nên một phiên bản tàu Titanic mới to đúng mẫu thật của con tàu huyền thoại xấu số năm xưa.

Tuy nhiên, kỳ công hơn cả trong các phim của James Cameron vẫn là tác phẩm điện ảnh mới nhất Avatar. Ngay cả đến tận bây giờ, khi bộ phim đã được công chiếu rộng rãi, nhiều chi tiết đắt giá trong quá trình làm phim đã được tiết lộ, nhưng rất nhiều người vẫn không thể hình dung nổi “phù thủy” này đã biến hóa thần thông như thế nào để tạo nên một thế giới chắc chắn chỉ có trong tưởng tượng- hành tinh Pandora cách trái đất 4,4 triệu năm ánh sáng - lại trở nên thật và gần gũi với con người hiện tại đến thế.

Người ta vẫn chưa thể hiểu nổi bằng cách nào James Cameron đã tạo nên khung cảnh không gian ba chiều sống động với sự tương tác liên tục giữa nhân vật thật và hoạt hình, những con quái thú chân thực tới nỗi tưởng như chúng có thật; rồi những hòn đá, ngọn núi bay lơ lửng và những cây rừng cao hơn 300m, trong đó có cả một bộ lạc sống trên một cây cao. Tất cả đều hoàn toàn tự nhiên và sống động như chưa hề được tạo dựng nên bằng công nghệ.

Thế nhưng, trên thực tế, tất cả đều được làm bằng công nghệ, dưới tài chỉ huy của “tổng tư lệnh” James Cameron và sự năng động, khéo léo của ê-kíp cộng sự lên tới hàng trăm người. Người ta sẽ còn bàng hoàng về sự kỹ tính, sự cầu toàn của James Cameron nếu biết rằng, để tạo nên sự sống động, chân thực cho từng góc quay, dù nhỏ nhất, đạo diễn này đã cho đặt 102 chiếc máy quay phim cộng thêm hàng trăm chiếc camera tí hon cài trên từng chỏm mũ diễn viên.

Không chỉ thế, để dàn diễn viên diễn một cách có cảm xúc nhất trong môi trường hành tinh Pandora, ông đã đưa họ đến những khu rừng mưa ở Hawai, tạo các hoạt cảnh sống động như trong kịch bản, quay các cảnh tham khảo. Để tạo ra khu đào mỏ của con người trên hành tinh Pandora, những nhà thiết kế bối cảnh đã đến vịnh Mexico để chụp ảnh, quay phim và đo đạc các thiết bị máy khoan ở đây.

James Cameron còn làm việc với Paul Froemer, Trưởng Khoa Ngôn ngữ học tại Đại học Nam California, cùng họ mất 1 năm trời để tổng hợp ngôn ngữ của người thuộc quần đảo Polynesia, một số ngôn ngữ của châu Phi, rồi nghiên cứu về cấu trúc câu, hệ thống phát âm để rồi cuối cùng cho ra đời hệ thống ngôn ngữ dành riêng cho phim.

Trước khi Avatar được phát hành, James Cameron tuyên bố nếu thua sẽ tự bắn vào đầu mình một viên đạn. Thật may mắn, thảm họa này đã không xảy ra. Điều này đủ thấy James Cameron mang trên mình cá tính riêng quyết liệt như thế nào.

Cho đến giờ, Terminator vẫn là bộ phim mà James yêu thích nhất. Một phần vì nó có ý tưởng đặc biệt, khác hẳn những bộ phim cùng thời. Một mặt, vì nó chấm dứt những ngày ông vừa lái xe tải vừa nuôi nghề viết kịch bản và làm phim. Dẫu vậy, Titanic có lẽ là bộ phim mang nặng kỷ niệm nhất với James. Trong phim có cảnh chàng Jack phác họa chân dung nàng Rose. Đó chính là bản vẽ của James Cameron\
Khán giả nhìn thấy hình ảnh Leonardo di Caprio tỉ mẩn vẽ Kate Winslet, nhưng thực ra, bàn tay đưa bút lại là của James.

Theo Hà Trang (báo Thanh Tra)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2010030103472531p0c1021/ke-ngong-cuong-da-tro-thanh-vua-cua-the-gioi.htm