'Kẻ trừng phạt' và cuộc chiến chống ma túy

Như đã cam kết từ trước nhậm chức, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte- người được mệnh danh là “kẻ trừng phạt” đã phát động một chiến dịch trấn áp tội phạm lớn chưa từng có ở quốc gia Đông Nam Á này. Dù hiệu quả nhưng chiến dịch cũng đã làm dấy lên không ít lời chỉ trích và những câu hỏi khó.

Hình ảnh đẫm máu trong cuộc chiến chống ma túy.

Suốt một khoảng thời gian kể từ khi ông Duterte triển khai chiến dịch trấn áp tội phạm, hàng loạt những bức ảnh chiếu cảnh những thi thể của nghi phạm buôn bán ma túy xuất hiện ồ ạt trên các mạng truyền thông trong nước và nước ngoài: Những thi thể bị trói tay trói chân, áo ướt đẫm máu, khuôn mặt bị che bởi băng dán và kèm một tấm biển cáo buộc về tội ác của chúng.

Một phần quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử Tổng thống trước đây của ông Duterte chính là cho thấy sự cứng rắn và quyết tâm của ông trong việc trấn áp tội phạm - dù cách tiếp cận của ông luôn bị giới phê bình coi là bạo lực và bỏ qua các khâu cần thiết trong việc bắt giữ.

Ông Duterte cũng không ngừng tuyên bố rằng trong thời đại của ông người ta sẽ chứng kiến sự kết thúc của tội phạm, đôi lúc ông còn ám chỉ rằng không phản đối lực lượng cảnh sát hay thậm chí người dân ra tay tiêu diệt các nghi phạm. Trong một bài phát biểu trên truyền hình hồi tháng Sáu vừa qua, ông Duterte nói rằng: “Nếu một kẻ tội phạm chống trả, và chống trả đến chết, các bạn có thể giết hắn. Cứ thoải mái gọi cho chúng tôi, cho cảnh sát, hoặc tự bạn làm nếu bạn có súng…Tôi ủng hộ các bạn”.

Theo danh sách thống kê “Kill List” của tờ nhật báo Inquirer, một trong những bảng thống kê số tội phạm bị tiêu diệt chính xác nhất ở Philippines, có tới 465 tội phạm bị tiêu diệt trong khoảng thời gian từ 30-6, ngày ông Duterte tuyên thệ nhậm chức cho đến 1/8. Theo cảnh sát, có ít nhất 239 nghi phạm buôn ma túy bị tiêu diệt trong 3 tuần kể từ sau khi ông Duterte lên làm Tổng thống.
Những bức ảnh biết nói

Mới đây, một bức ảnh đặc biệt gây sốc liên quan tới chiến dịch này lại gây sốt trên cộng đồng mạng. Nó cho thấy cảnh một thi thể nghi phạm buôn bán ma túy tên Michael Siaron đang nằm trong vòng tay của vợ ngay trên đường phố, Jennilyn Olayres. Bên cạnh đó là một tấm biển bằng giấy ghi dòng chữ “pusher”- chỉ những kẻ buôn bán ma túy lẻ.

Nghi phạm này bị tiêu diệt bởi một tay súng đi trên chiếc xe đạp đôi trên phố Pasay Rotunda ở thủ đô Manila ngày 23/7. Bà Olayres một mực khẳng định rằng chồng mình chỉ là một người lái xe xích lô và không liên quan gì tới ma túy cả.

Bà Olayres ôm người chồng mà bà khẳng định chỉ là lái xe xích lô chứ không liên quan tới ma túy.

Dù vậy, ông Duterte đã không đồng cảm với người phụ nữ đang tuyệt vọng đó, hay người đàn ông đã bị sát hại trong bức ảnh. Đưa ra phản ứng của mình khi bức ảnh này được đăng tải trên trang nhất của một số tờ báo Philippines hồi tuần trước, ông Duterte đã coi nó như một lời cảnh báo.

“Nếu không muốn bị chết và bị đau đớn, đừng hy vọng gì vào các linh mục và các tổ chức nhân quyền. Họ không thể ngăn chặn cái chết”- ông Duterte bình luận về bức ảnh nọ. “Cuối cùng bạn cũng chỉ nằm sóng xoài trên đất như vậy. Rất bi thảm”.

Ông Duterte còn thúc đẩy nhân đôi nỗ lực chống tội phạm, bất chấp những lời chỉ trích cho rằng sự ủng hộ của ông đối với việc giết chóc mà không qua quá trình xét tội sẽ dẫn đất nước đến một con đường vô luật pháp hết sức nguy hiểm.

Hôm thứ Tư vừa qua, ông cũng tuyên bố rằng lý do mà ông giành chiến thắng áp đảo trong tổng tuyển cử là nhờ “biện pháp an ninh” mà ông đưa ra. Ông cũng không ngần ngại nói rằng ảnh hưởng của ma túy đối với cộng đồng khiến ông “thực sự tức giận” trong lúc còn giữ vị trí Thị trưởng thành phố Davao. “Đó là một cuộc chiến, không phải cuộc khủng hoảng”- ông Duterte nói. “Tại sao những kẻ đó lại được sống?”.

Hàng chục nghìn tội phạm đã tự ra đầu thú kể từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền. nguồn: EPA.

Mặt trái của cuộc chiến

Chiến dịch của ông Duterte rõ ràng đã mang lại hiệu quả trong trấn áp tội phạm, nhưng hành động và lời nói quá cứng rắn của ông đã làm dấy lên không ít lời chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Bà Cookie Diokno, Tổng Thư ký Tổ chức phi lợi nhuận Free Legal Assistance, nói rằng chiến dịch trấn áp tội phạm của ông Duterte là “kinh khủng và ám ảnh”. Bà này nói rằng bản thân chưa từng chứng kiến một số lượng người chết lớn như vậy trong những năm gần đây; và lần cuối cùng mà bà nhìn thấy thi thể nhiều như mức này là từ khoảng thời gian đen tối của Philippines khi thiết quân luật được áp dụng vào tháng 9/1972. “Có nhiều dấu hiệu cho thấy người dân đang trở nên sợ hãi. Chúng tôi có các tài liệu từ Cơ quan Điều tra Quốc gia, cho thấy trẻ em phải mang các tấm biển hiệu khi đi lại trên phố để không bị giết nhầm”- bà Diokno nói.

Tổ chức quan sát nhân quyền (HRW) trong khi đó đã kêu gọi Ủy ban Kiểm soát tội phạm về ma túy Quốc tế (INCB) và Văn phòng tội phạm về ma túy LHQ (UNODC) lên án “tình trạng giết hại nghi phạm sử dụng và buôn bán ma túy tăng cao đến mức đáng báo động” ở Philippines.

Cảnh sát Philippines xác nhận đã tiêu diệt được hơn 110 nghi phạm buôn bán ma túy kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, trong khi các hãng truyền thông địa phương nói rằng con số này là khoảng 200. Ít nhất 43.000 kẻ buôn bán ma túy đã bị “vô hiệu hóa” và 300 kg Shabu- một loại ma túy đá (methamphtamine) có tính gây nghiện cực cao đã bị tiêu hủy.
Từ con số 52.950 vụ án trong tháng 1-2016, tỷ lệ tội phạm đã giảm xuống còn 46.060 vụ trong tháng 6/2016. Kể từ ngày 1/7 đến nay, có khoảng 3.213 nghi phạm liên quan tới ma túy trên toàn quốc bị bắt giữ, và 293 kẻ bị tiêu diệt.

Vượt tầm kiểm soát?

Trong khi số lượng những kẻ tội phạm liên quan tới ma túy ra đầu thú ngày càng tăng - theo chính phủ là hàng chục nghìn người, tỷ lệ phạm tội trên cả nước cũng giảm đáng kể thì chiến dịch này đã bắt đầu bộc lộ một số mặt trái của nó.

Người phát ngôn chính phủ Ernesto Abella hôm thứ Tư vừa qua thừa nhận, cùng với chính sách tiêu diệt những kẻ có liên quan tới buôn bán sử dụng ma túy, cũng có khả năng người dân cũng “chán ngấy với hệ thống tư pháp hiện tại”, hoặc các băng đảng ma túy sẽ lợi dụng cuộc chiến chống ma túy của chính phủ để thanh toán lẫn nhau. Ông còn bác bỏ ý tưởng cho rằng chính phủ đã thuê những kẻ sát thủ để triệt hạ các trùm ma túy: “Tại sao chúng tôi phải thuê sát thu trong khi chúng tôi có thể tấn công chúng một cách hợp pháp?”.

Ông Duterte khẳng định rằng cuộc chiến của ông không chỉ dừng lại ở mức triệt hạ những con buôn ma túy trên đường phố, mà còn nhắm tới những ông trùm ma túy và cả các quan chức tham nhũng nữa.

Mới hôm thứ Ba vừa qua, Thị trưởng thành phố Albuera- ông Rolando Espinosa đã phải thừa nhận cáo buộc có liên quan tới buôn bán ma túy trái phép. “Giám đốc cảnh sát Dela Rosa có thể sẽ giết tôi nếu tôi không tự đầu thú”- ông Espinosa nói trong một cuộc họp báo tổ chức sau đó.

Con trai của ông Espinosa, người đang bị truy nã vì có liên quan tới buôn bán ma túy, hiện vẫn đang lẩn trốn, và ông Abella nói với các sỹ quan dưới quyền rằng họ được phép bắn hạ kẻ này. Được biết nhiều quan chức khác, hiện không rõ danh tính, cũng có liên hệ tới buôn bán ma túy- theo ông Abella.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/ke-trung-phat-va-cuoc-chien-chong-ma-tuy/114208