Kèn Đinh Năm và trăn trở giữ 'hồn' dân tộc

Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc ít người, hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có hệ thống nhạc cụ của đồng bào nơi đây. Bên cạnh những nhạc cụ phổ biến như cồng chiêng, đàn T'rưng, hay đàn Đinh Pút, đàn Goong… còn có một nhạc cụ độc đáo khác đó là cây kèn Đinh Năm, hay còn gọi là kèn bầu 6 ống.

Theo tiếng Ê Đê, "đinh" là ống, "năm" là số 6 trong hệ đếm của người Ê Đê. Kèn Đinh Năm thuộc họ hơi - chi thổi - lam (lưỡi gà). Tiếng kèn Đinh Năm vang lên tự do, khoáng đạt như chính tâm hồn người Ê Đê giữa núi rừng đại ngàn. Nó không tuân theo một khuôn mẫu nhạc lý nào, lúc tiếng kèn cất lên cũng là lúc một điệu kèn Đinh Năm mới được sáng tạo mô tả đúng tâm trạng của người thổi lúc đó.

H' Hoa Niê Kđok ngẫu hứng thể hiện đoạn nhạc bằng kèn Đinh Năm.

Theo phong tục truyền thống của người Ê Đê, Đinh Năm chỉ được thổi liên tục trong nhà khi có đám tang, từ lúc người đó tắt thở đến khi chôn cất xong. Cũng có thể thổi trên rẫy, nhưng tuyệt đối không được thổi trong nhà, trong buôn khi không có đám tang. Tuy nhiên, ngày nay các kiêng cữ đó không còn quá chặt chẽ, có thể sử dụng Đinh Năm ở nhiều nơi, đặc biệt trong các lễ hội, các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Là một trong những nghệ nhân cuối cùng biết chế tác và chơi tất cả các loại nhạc cụ của dân tộc Ê Đê, trong đó có kèn Đinh Năm, già làng Ama Loan, buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc cho biết: "Đôi khi những chàng trai cũng dùng Đinh Năm để tỏ tình với các cô gái. Chỉ nghe tiếng đàn thôi là cô gái chưa gặp, chưa yêu đã xốn xang rồi".

Những năm gần đây, trước nhiều luồng văn hóa hiê%3ḅn đại len lỏi vào đời sống âm nhạc của đồng bào các dân tô%3ḅc, giới trẻ ngày càng bị cuốn hút bởi âm thanh phát ra từ những nhạc cụ điện tử... khiến nhạc cụ dân tô%3ḅc ngày càng mất dần vai trò của mình. Còn lại chỉ là những nhạc cụ được đưa lên sân khấu nhưng không còn nhiều người biết chế tác, sử dụng. Đó cũng là trăn trở của cô gái trẻ H' Hoa Niê Kđok, con gái út của già làng Ama Loan: "Mặc dù bây giờ Đinh Năm đang bắt đầu nhâ%3ḅn được sự quan tâm nhiều hơn, nhưng vài năm nữa không chắc sự quan tâm này còn được nguyên vẹn. Người ta có thể giữ được âm thanh của nó nhưng để chế tác ra nó thì khó".

H' Hoa Niê Kđok cũng bày tỏ khao khát được học nhiều hơn nữa từ người cha của mình những kỹ năng chơi và chế tác Đinh Năm để gìn giữ loại nhạc cụ độc đáo này. Là người trẻ có nhiều trăn trở với văn hóa dân tô%3ḅc, H' Hoa Niê tâm sự: "Người Ê Đê ngoài Đinh Năm còn rất nhiều loại nhạc cụ khác, nếu lớp trẻ chúng tôi không giữ được thì sau này sẽ dần mai mô%3ḅt".

Bài và ảnh: DUNG NHI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ken-dinh-nam-va-tran-tro-giu-hon-dan-toc-510891