Kết nối giao thông - đồng hành phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX xác định, một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là huy động tối đa các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Hơn hai năm qua, tỉnh Phú Thọ đã ưu tiên nguồn lực cho nhiệm vụ này, nhất là giao thông kết nối vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực, trong đó có hai tỉnh cận kề, chung với dòng sông Lô là Vĩnh Phúc và Tuyên Quang- tạo thế 'chân kiềng' vững chãi, liên kết, hợp tác, phát triển.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ- Vĩnh Phúc và các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Phú- cây cầu thắm tình đoàn kết giữa hai tỉnh

“Có một Vĩnh Phú thủy chung”

Ngày 1/1/1997, tỉnh Vĩnh Phú chia tách thành Phú Thọ và Vĩnh Phúc theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong số báo Báo Phú Thọ đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh Phú Thọ, cũng là mừng Xuân 1997 (ra ngày 1/1/1997) có bài viết “Có một Vĩnh Phú thủy chung” của tác giả Nguyễn Đắc Sinh khiến chúng tôi và nhiều độc giả ấn tượng. Cái tên mang đầy sự cảm thán, khẳng định sự đoàn kết, gắn bó thủy chung giữa hai tỉnh Phú Thọ- Vĩnh Phúc.

Cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô được khánh thành giúp nối liền giao thông Phú Thọ- Vĩnh Phúc

Cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô được khánh thành giúp nối liền giao thông Phú Thọ- Vĩnh Phúc

Để rồi sau 26 năm, chúng tôi lại được chứng kiến sự hân hoan của bao người trong ngày hai tỉnh khánh thành cây cầu mang tên Vĩnh Phú. Một Vĩnh Phú thủy chung, một Vĩnh Phú chia tỉnh nhưng không “chia tình”, cây cầu đã góp phần rút ngắn khoảng cách về địa lý, giúp người dân hai huyện Lập Thạch, Sông Lô- tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Việt Trì- tỉnh Phú Thọ đi lại thuận lợi, tăng cường giao thương, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, gắn kết giữa hai tỉnh nói riêng và kết nối giao thông khu vực nói chung.

Cầu Vĩnh Phú khởi công tháng 12/2021, hoàn thành vào tháng 8/2023, trước kế hoạch 4 tháng với tổng đầu tư hơn 540 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 509m, đáp ứng đủ 4 làn xe cơ giới kết nối trực tiếp huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) với TP Việt Trì (Phú Thọ).

Trong lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang xúc động phát biểu, khẳng định đây chỉ là một trong những quyết sách, dự án đã hoàn thành của hai tỉnh. Thời gian tới, hai tỉnh sẽ còn tăng cường phối hợp, trao đổi nhiều hơn nữa để cùng triển khai các chương trình hợp tác, các dự án liên kết phát triển; trong đó phấn đấu đầu tư thêm các công trình giao thông quan trọng kết nối hai địa phương như cầu Hải Lựu (thay bến phà Tiên Du, huyện Phù Ninh), cầu Như Thụy (thay bến phà Then, huyện Phù Ninh), cầu Cao Phong kết nối tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ với Thủ đô Hà Nội qua cầu Văn Lang. Đồng thời sớm triển khai Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì để phát huy hiệu quả cầu Hạc Trì. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời không ngừng vun đắp tình cảm, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc hai tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và động viên cán bộ công nhân thi công cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ (tháng 1/2023)

Tốc độ tối đa cho phép của cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ là 90km

Tốc độ tối đa cho phép của cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ là 90km

“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”

Trong những ngày chuẩn bị đón Xuân mới 2024, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khánh thành và đưa vào sử dụng đáp ứng niềm mong mỏi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc hai tỉnh cũng như cả vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ tổng chiều dài 40,2km (địa phận tỉnh Tuyên Quang 11,3km; địa phận tỉnh Phú Thọ 28,9km) với mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Điểm đầu tại TP Tuyên Quang và điểm cuối kết nối với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài- Lào Cai thuộc tỉnh Phú Thọ.

Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi người dân tái định cư Đoan Hùng đã ủng hộ di dời đến nơi ở mới, hoàn thành giải phóng mặt bằng thi công dự án cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ

Còn nhớ trước đó chừng một năm, khi dự án cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ mới triển khai, đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, vận động người dân chuyển đến khu tái định cư để “an cư lạc nghiệp”, trong buổi làm việc với hai tỉnh Phú Thọ- Tuyên Quang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến cao tốc đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, tạo ra trục liên kết vùng hết sức quan trọng. Khi được nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ có đường cao tốc từ Phú Thọ lên Tuyên Quang rồi sau là Hà Giang, rút ngắn một nửa thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội đến nơi “địa đầu đất nước”. Vì thế Thủ tướng yêu cầu: "Đã quyết rồi thì phải tập trung làm quyết liệt. Phú Thọ- Tuyên Quang phải nỗ lực hoàn thành xong tuyến cao tốc để sớm đem lại lợi ích cho địa phương và cho cả khu vực".

Nút giao kết nối cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ với cao tốc Nội Bài- Lào Cai

Trong phiên họp thứ Bảy của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GT-VT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo tiếp tục nhấn mạnh tinh thần phải thần tốc hơn nữa, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng ở cấp nào, cấp đó giải quyết! Quan điểm chỉ đạo quyết liệt này cũng là khởi nguồn cho cuộc phát động thi đua “78 ngày đêm vượt nắng, thắng mưa” để hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vượt tiến độ, kịp mừng Xuân mới 2024.

Giao thông kết nối tạo điều kiện phát triển KT-XH, liên kết vùng

-Hạ tầng giao thông phát triển tại TP Việt Trì

Với việc xác định phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm là một trong những lĩnh vực đột phá, ngay từ đầu nhiệm kỳ, hàng loạt dự án lớn đã được tỉnh Phú Thọ triển khai và đẩy nhanh tiến độ như: Tuyến đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70 đi Hòa Bình; tuyến đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; tuyến giao thông liên vùng kết nối Quốc lộ 32, đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 32C đi tỉnh Yên Bái; cầu Vĩnh Phú qua sông Lô kết nối Phú Thọ với tỉnh Vĩnh Phúc... Những công trình này hoàn thành, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành phố, thị xã, hình thành liên kết vùng, mà còn nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai và hệ thống giao thông quốc gia, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và cả khu vực.

Sau 27 năm tái lập tỉnh, Phú Thọ đã ghi dấu ấn rõ nét nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Qua đó đưa tỉnh hòa vào sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, tiếp tục đổi mới, hội nhập để sớm trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Việt Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/ket-noi-giao-thong-dong-hanh-phat-trien/206662.htm