Kết nối hạ tầng nông thôn mới với hạ tầng đô thị trong tương lai

Đông Anh là địa phương có hạ tầng giao thông tốt, với các tuyến quốc lộ 5 kéo dài, quốc lộ 3 mới, đường Võ Nguyên Giáp… chạy qua địa bàn. Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo của huyện Đông Anh đang đổi thay nhanh chóng. Điều đó cho thấy tiềm năng đô thị hóa của huyện là rất lớn. Tuy nhiên, để trở thành một đô thị, huyện Đông Anh cần chuẩn bị tốt hạ tầng, tạo nền tảng để hạ tầng nông thôn mới có thể kết nối với hạ tầng đô thị trong tương lai.

Hiếm địa phương có hạ tầng thuận lợi như huyện Đông Anh hiện nay. Là cửa ngõ của thành phố đi sân bay Nội Bài, trên địa bàn có hai cây cầu lớn là Nhật Tân và Thăng Long, với những tuyến quốc lộ 5 kéo dài, quốc lộ 3 mới chạy qua. Tất cả các tuyến đường này đều được xây dựng đồng bộ, mặt cắt lớn, cho phép các phương tiện lưu thông với tốc độ cao. Về kinh tế, năm 2016, huyện Đông Anh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 1.182 tỷ đồng, bằng 127% dự toán thành phố giao, là một trong những huyện tốp đầu của thành phố về phát triển kinh tế. Cơ cấu kinh tế hiện là công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp. Khu công nghiệp Thăng Long là một trong những khu công nghiệp lớn của cả nước, thu hút khoảng 60 nghìn lao động, có tỷ suất đầu tư khá cao, khoảng 10 triệu USD/ha. Ngoài ra, các làng nghề của Đông Anh cũng phát triển mạnh, nhất là các làng nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ tại hai xã Vân Hà, Liên Hà. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã vươn tới thị trường nước ngoài. Nông nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh chiếm tỷ trọng nhỏ, song có sự chuyển dịch mạnh. Hiện Đông Anh là nơi cung cấp hoa, rau an toàn, thịt gia súc, gia cầm cho thành phố. Cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển mạnh sang dịch vụ - công nghiệp khi trên địa bàn huyện có một loạt dự án lớn đang từng bước được triển khai như: Công viên văn hóa, giải trí và du lịch Kim Quy, Trung tâm Triển lãm hội chợ quốc gia, Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của thành phố… và trục đường Nhật Tân - Nội Bài.

Với những đổi thay nhanh chóng nêu trên, huyện Đông Anh được dự báo sẽ trở thành một vùng đô thị mới trong tương lai không xa. Tuy nhiên, để trở thành một đô thị trong tương lai cũng không hẳn hoàn toàn thuận lợi. Việc đấu nối hạ tầng giao thông của huyện với hạ tầng của thành phố đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Hạ tầng nông thôn mới hiện tại còn phải tiếp tục nâng cấp để tương thích với hạ tầng đô thị trong tương lai. Tình trạng ô nhiễm làng nghề còn nan giải. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều dự án lớn, nhưng tính đồng bộ, liên kết của các dự án chưa cao. Điển hình như Công viên văn hóa, giải trí và du lịch Kim Quy nằm gần Khu Di tích Cổ Loa, nhưng chưa có sự kết nối chặt chẽ để phát huy tiềm năng của Khu Di tích Cổ Loa, chưa có sự đồng bộ về hạ tầng. Huyện Đông Anh đề xuất thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 11 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đấu giá quyền sử dụng đất để có vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Trong đó, có những dự án đường giao thông quan trọng như: Tuyến đường nối từ đường Cao Lỗ đến khu công nghiệp Đông Anh; tuyến đường nối từ quốc lộ 3 (cũ) đến quốc lộ 3 (mới); tuyến đường nối từ quốc lộ 5 (kéo dài) đến khu công nghiệp Đông Anh; tuyến đường từ ngã tư Nguyên Khê (quốc lộ 3 cũ) nối với đường Bệnh viện Đông Anh - Đền Sái... Tổng vốn đầu tư các tuyến đường nêu trên là khoảng 3.802 tỷ đồng. Đông Anh cũng đề xuất xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề để góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Huyện ủy Đông Anh mới đây, đại diện các Sở Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư... đều cho rằng vấn đề lớn đối với Đông Anh trong thời gian tới là việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chuẩn bị cho đô thị hóa. Trong đó, tập trung vào ba nội dung quan trọng là giao thông, thoát nước, môi trường. Việc chuẩn bị sớm sẽ giúp tránh xảy ra những vấn đề nan giải trong quá trình đô thị hóa.

Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định Đông Anh là huyện có nhiều tiềm năng để trở thành đô thị trong tương lai, đồng chí cũng nhất trí với đề xuất của huyện Đông Anh về xây dựng hạ tầng các khu đấu giá quyền sử dụng đất để lấy vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, huyện Đông Anh cần phối hợp tốt với các sở, ngành chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, để hạ tầng nông thôn mới phù hợp với hạ tầng đô thị. Đông Anh cần nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được; cần liên tục rà soát, quản lý tốt quy hoạch để tránh lãng phí trong xây dựng. Cùng với đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Muốn các khu công nghiệp được lấp đầy, phải đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tham gia tháo gỡ vướng mắc cùng các doanh nghiệp. Khẩn trương triển khai các cụm công nghiệp làng nghề, đưa cơ sở sản xuất ra khỏi các khu dân cư để chống ô nhiễm. Các cấp chính quyền phải thể hiện rõ hơn vai trò trong phát triển nông nghiệp, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, làm tốt khâu kết nối giữa người dân và thị trường. Đồng chí nhấn mạnh, để phát triển đô thị không chỉ cần hạ tầng, mà còn cần phát triển văn hóa. Đông Anh cần phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống song song với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, mà trước hết, các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/32266302-ket-noi-ha-tang-nong-thon-moi-voi-ha-tang-do-thi-trong-tuong-lai.html