Kết nối thị trường khoa học - công nghệ và truyền thông

Tại buổi tọa đàm với chủ đề: Thị trường khoa học - công nghệ và truyền thông, do Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TP Hồ Chí Minh vừa mới tổ chức, hầu hết các đại biểu chú ý tập trung thảo luận xoay quanh những yếu kém, bất cập ở các khâu trung gian của thị trường KHCN, đặc biệt là lĩnh vực truyền thông (PR).

Qua khảo sát, hiện Việt Nam có 2,8 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN; tám sàn giao dịch công nghệ; 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố; 43 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp KHCN. Từ năm 2011 đến 2015, thông qua các sàn giao dịch công nghệ, chỉ khoảng 500 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết và thực hiện với giá trị 600 tỷ đồng. Thông qua chợ thiết bị và công nghệ, trình diễn kết nối cung cầu công nghệ cũng chỉ có hơn 2 nghìn hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết với tổng giá trị giao dịch hơn 3,4 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 13,7 nghìn tỷ đồng, tăng ba lần so với giai đoạn 2006-2010. Tuy nhiên, thị trường KHCN ở Việt Nam vẫn đang chập chững những bước đi ban đầu với lượng giao dịch quá nghèo nàn và đơn điệu. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù để phát triển thị trường KHCN, UBND thành phố đã có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; tuy nhiên lượng giao dịch kết nối với lĩnh vực truyền thông vẫn còn mờ nhạt, đưa đến hiệu quả ứng dụng, nhân rộng các công trình khoa học vào thực tiễn cuộc sống chưa cao...

Nhiều ý kiến tại tọa đàm đặt ra, liệu đây là lỗi của nhà khoa học, lỗi của các khâu trung gian (định giá, môi giới, sàn giao dịch, truyền thông…) hay lỗi của cơ quan quản lý nhà nước? Có một thực tế rất rõ ràng, những người chủ của sản phẩm công nghệ tại Việt Nam rất hạn chế trong nghệ thuật PR. Họ làm giỏi, nhưng chưa biết cách để quảng bá sản phẩm của mình sao cho hấp dẫn. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty Nhật Quang, là người sở hữu công nghệ gạch âm dương rất hữu ích nếu ứng dụng cho ngành xây dựng, lên tiếng: "Tôi rất lúng túng khi tiếp xúc với giới truyền thông. Dù rất tâm đắc về sáng chế của mình, nhưng nói ra thì thông tin chủ yếu mang tính học thuật, hàn lâm làm cho báo chí lẫn khách hàng không hiểu nổi". Theo Phó Giám đốc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Thanh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương đã có từ rất lâu nhưng các khâu trung gian liên quan đến sản phẩm công nghệ của nước ta lại rất sơ khai và chậm phát triển. "Sáng chế, phát kiến tương đối phong phú, hữu ích. Nhu cầu đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cao. Tuy nhiên, “hạ tầng” kết nối giữa cung và cầu thì lại nghèo nàn và chưa định hình rõ ràng. Ngay tại đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, bốn năm qua, mới có khoảng 40 hợp đồng chuyển giao KHCN được ký kết với tổng trị giá vỏn vẹn chừng 50 tỷ đồng. Đó là những kết quả rất nhỏ so với tiềm năng và nhu cầu thực tế. Bởi, cả một thành phố lớn như vậy mà mỗi năm giá trị chuyển giao chỉ có 10 tỷ đồng là quá thấp. Ở đây có vấn đề về khâu truyền thông. Chúng tôi nghĩ cần phải tiếp cận với doanh nghiệp, biết họ cần gì thì mới hỗ trợ được. Truyền thông cũng cần tiếp cận đối tượng này".

Thực tế cũng cho thấy, truyền thông về KHCN chưa phát triển cũng có phần do tỷ lệ ứng dụng thực tế của các sáng chế, công trình nghiên cứu còn thấp. Hiện chỉ có 39% số nghiên cứu được ứng dụng. Một thí dụ cho thấy các sáng chế của sinh viên tại giải thưởng Eureka 2016 rất hữu ích, rẻ tiền, vô cùng tiện dụng nhưng chỉ có năm sáng chế về KHCN được chuyển giao và báo chí truyền thông gần như không biết, nói gì đến khách hàng có nhu cầu. Cụ thể, tại giải này, nhóm sinh viên Bùi Tấn Tài, Đặng Văn Lập, Nguyễn Thọ Thảo, Lê Bá Đông, Huỳnh Ngọc Long (Khoa Điện - Điện tử, Trường đại học Duy Tân, TP Đà Nẵng) đã thiết kế hệ thống pha chế cocktail tự động giúp pha chế các loại cocktail từ xa một cách tự động đáp ứng được các yêu cầu: chính xác, đơn giản, hoạt động ổn định, tính thẩm mỹ cao. Hệ thống pha chế này được Ban tổ chức đánh giá là làm việc nhanh gọn và chính xác, không cần nhiều người vận hành và giám sát. Tuy nhiên, sáng chế này vẫn chưa được kết nối với truyền thông, nên dù hệ thống pha chế có hoàn hảo, thuận tiện, nhanh gọn cũng chưa được ứng dụng rộng rãi. Ngoài ra, còn nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác rất thành công, thiết thực trong việc hỗ trợ cuộc sống lao động, sản xuất, kinh doanh, điều trị y tế... nhưng khi được công nhận lại không kết nối thông tin rộng khắp đến với cá nhân, tổ chức có nhu cầu ứng dụng, hoặc đến cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ nên sau đó, các công trình khoa học này dường như rơi vào quên lãng.

Thị trường KHCN đang “tắc” ở khâu truyền thông lẫn khâu cung cấp thông tin cho truyền thông một cách hiệu quả. Giải quyết được khâu “tắc” này mới giảm bớt thiệt thòi cho các cá nhân, đơn vị, nhà khoa học trong nước và các doanh nghiệp phải mua sáng chế từ nước ngoài vì… thiếu thông tin!

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/item/31696302-ket-noi-thi-truong-khoa-hoc-cong-nghe-va-truyen-thong.html