Kết nối trực tiếp não người với máy tính

GD&TĐ - Công ty của tỷ phú Elon Musk có tên là Neuralink, được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ Neural lace cho phép con người có thể kết nối thẳng trực tiếp với máy tính mà không cần thông qua các thao tác vật lý thông thường.

"Gài" trí thông minh nhân tạo vào não người

Theo bài báo đăng trên Wall Street Journal, Neural lace cho phép cấy các điện cực vào não người và sau đó người được cấy có thể tải lên/tải xuống các ý tưởng, dữ liệu và thông tin vào máy tính mà không cần phải thao tác vật lý. Nó cho phép cấy các điện cực nhỏ xíu vào não, mà sau đó chúng ta có thể kết nối với máy tính và tải lên hoặc tải xuống các ý tưởng, dữ liệu và thông tin.

Trước đó, tại Hội nghị Code do Vox Media tổ chức vào tháng 6/2016, Elon Musk đã từng đề cập đến một công nghệ nano mới có tác dụng thêm một lớp trí thông minh nhân tạo vào não người, giúp con người đạt được khả năng cộng sinh với máy móc.

CEO Tesla nói công nghệ này có thể sẽ là "tấm khiên sắc bén" để con người không trở thành "mèo giữ nhà" cho AI. "Giải pháp tốt nhất có lẽ là chúng ta nên sở hữu một lớp trí thông minh nhân tạo", Elon Musk nói tại Hội nghị Code. Hồi tháng 1, vị CEO Tesla đăng trên Twitter rằng ông đang chuẩn bị đưa ra một tuyên bố về Neural lace. Phía Facebook cũng đang thử nghiệm một công nghệ tương tự tại tổ chức nghiên cứu bí mật Building 8.

Nhóm này đang phát triển công nghệ liên kết máy tính với não người không qua tiếp xúc cho phép con người liên kết với các thiết bị công nghệ bên ngoài.

Những tác dụng trước mắt

Giới khoa học còn khá hoài nghi về tính khả thi của ý tưởng trên. Giáo sư Claude Touzet - chuyên gia về tự động học và sinh học của ĐH Aix Marseille (Pháp) - giải thích: “Cho đến hiện nay, việc kích thích não bộ bằng điện cực để ngăn bệnh Parkinson chỉ có hiệu quả hạn chế. Khi kích thích như thế, não tiết ra chất dopamin làm chặn được tình trạng run tay nhất thời nhưng về lâu dài thì có thể để lại triệu chứng nặng nề hơn”.

Ông cũng cho biết việc kết nối điện cực vào não những người bị ảnh hưởng thần kinh gây suy giảm vận động tứ chi cũng đã được thực hiện ở đây nhưng “kết quả vẫn chỉ còn ở mức căn bản”.

Trước mắt, những ứng dụng từ ý tưởng của Elon Musk là chữa trị một số chứng bệnh liên quan đến tế bào thần kinh của con người, chẳng hạn giúp hồi phục trí nhớ, tăng cường khả năng trí nhớ. Elon Musk tiên liệu về viễn cảnh ứng dụng của công nghệ “điên rồ” của mình: ngăn chặn sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo.

Không riêng gì Musk, một số nhà khoa học nổi tiếng khác gần đây đã tỏ ý lo lắng về một thảm họa của loài người do trí tuệ nhân tạo gây ra trong tương lai. Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking từng cảnh báo: “Con người bị hạn chế bởi sự tiến hóa sinh học chậm sẽ không thể cạnh tranh với trí thông minh nhân tạo và sẽ bị thay thế”.

Musk không phải người duy nhất đang cố gắng tạo ra cách thức để đảm bảo rằng nhân loại có thể theo kịp với AI. Tất nhiên, còn rất nhiều rào cản để các ý tưởng này trở thành hiện thực. Các nhà nghiên cứu thần kinh cho rằng chúng ta có sự hiểu biết rất hạn chế về cách các nơron trong não của con người giao tiếp. Vì thế, việc phát triển các thiết bị cấy ghép vào não người sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/ket-noi-truc-tiep-nao-nguoi-voi-may-tinh-3555247-c.html