Kết quả kiểm nghiệm bất nhất: Đăng kiểm tàu cá không thể vô can

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định, Trung tâm đăng kiểm tàu cá chắc chắn phải có trách nhiệm khi để xảy ra hư hỏng của tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67.

Tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định được đưa lên đà sửa chữa - Ảnh: Vĩnh Nhân

Tàu gỉ sét do thép không đạt tiêu chuẩn

Tại buổi họp báo chiều 6/9, thông tin về việc khắc phục tàu cá vỏ thép bị hư hỏng, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho hay: Cả nước hiện có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của ngư dân tỉnh Bình Định (19 tàu) và Phú Yên (2 tàu), Thanh Hóa (18 tàu), Quảng Nam (1 tàu) bị hư hỏng, gỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống, máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản.

"Bộ NN&PTNT cần rà soát các cơ sở đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới và công bố các công ty có năng lực đóng tàu cá tốt nhất để ngư dân liên hệ đóng tàu. Đồng thời, chỉnh sửa các mẫu thiết kế tàu cho phù hợp với các nghề khai thác và vùng biển hoạt động. Vấn đề bảo hiểm, nhiều lãnh đạo các địa phương ven biển cũng đề xuất cho phép thêm nhiều doanh nghiệp tham gia bảo hiểm ở địa bàn các tỉnh để ngư dân có sự lựa chọn. Hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu để chủ tàu thuê tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm giám sát quá trình đóng tàu đảm bảo chất lượng. Hỗ trợ về đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 trở lên cho tàu cá đóng mới theo Nghị định 67”.

Ông Trần Hữu Thế
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

“Tại Bình Định, Công ty Nam Triệu đã thỏa thuận được phương án sửa chữa 13 tàu vỏ thép với ngư dân. Đến nay đã sửa xong 7 tàu, dự kiến tới ngày 15/9 sẽ hạ thủy. Số tàu còn lại đang được lắp lại máy, cuối tháng 9 sẽ hạ thủy nốt”, ông Oai thông tin.

Đối với 5 tàu cá vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, ông Oai cho biết, các bên vẫn chưa thống nhất phương án sửa chữa. “5 tàu này đều bị gỉ sét. Sau khi lấy mẫu vỏ thép kiểm nghiệm, các chuyên gia cho biết, tiêu chuẩn mangan thấp hơn quy định. Vì vậy, Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định nghiên cứu kết quả thử nghiệm mẫu thép, phối hợp với chủ tàu lên phương án sửa chữa”, ông Oai nói và cho biết, ngay trong sáng nay (7/9), cơ quan chức năng sẽ tiếp tục có cuộc họp với cơ sở đóng tàu và ngư dân. “Chúng tôi đang chờ kết quả cuộc họp để xem xét làm rõ trách nhiệm, cũng như phương án sửa chữa”, ông Oai nói.

Trước đó, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định tổ chức lấy 10 mẫu thép ở phần mạn và đáy của 5 tàu vỏ thép hư hỏng do Công ty Đại Nguyên Dương đóng để kiểm tra. Kết quả, 7 mẫu của 4 tàu do cơ sở này đóng không đạt chuẩn mác A. Từ đây, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đề nghị 2 phương án. Thứ nhất, thay thế các tấm thép trên vỏ thép không đạt chuẩn mác A hoặc thay thế toàn bộ vỏ thép bằng thép Hàn Quốc đạt chuẩn mác A theo hợp đồng. Thứ hai, sửa chữa, sơn lại tàu theo đúng quy trình và công ty trả lại tiền chênh lệch về vỏ tàu cho chủ tàu. Tuy nhiên, cả 2 phương án trên đều bị UBND tỉnh Bình Định bác bỏ. Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phải thốt lên: “Không thể làm ăn giả dối như thế được. Doanh nghiệp đóng tàu phải trả lại chiếc tàu theo đúng như hợp đồng cho ngư dân”.

Kết quả kiểm nghiệm trước sau bất nhất?

Mới đây, tại buổi làm việc với cơ quan chức năng và 5 chủ tàu thép, ông Lê Văn Thục, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho rằng, trong số 80 tấn thép để đóng 5 tàu cá vỏ thép của ngư dân có 60 tấn thép Trung Quốc và 20 tấn thép Hàn Quốc đạt mác A. Khi doanh nghiệp nhập thép về, Trung tâm đăng kiểm tàu cá lấy mẫu kiểm tra thép đạt chuẩn và đồng ý cho sử dụng làm vật liệu đóng tàu. Giờ lại bảo thép đó không đạt chuẩn mác A thì không thể chấp nhận được. “Chúng tôi sẽ kiện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá vì đơn vị này từng cắt mẫu thép kiểm tra cho phép đóng tàu, giờ buộc phải tháo thép ra thay lại là vô lý. Riêng 5 chủ tàu thép đến tháng 11/2017, nếu không đạt thỏa thuận thì công ty sẽ làm hồ sơ gửi TAND TP Hà Nội để kiện họ”, ông Thực khẳng định.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về quan điểm của Tổng cục Thủy sản về thông tin trên, ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết: “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với doanh nghiệp. Đến nay, chúng tôi cũng chưa nhận được đơn kiện nào”.

Được biết, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng từng khẳng định, chủ đóng tàu chịu trách nhiệm chính trong vụ việc tàu thép hư hỏng. Vậy, phải chăng, trung tâm đăng kiểm tàu cá vô can? Trả lời câu hỏi này, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: “Không thể nói Trung tâm đăng kiểm tàu cá không có trách nhiệm. Cụ thể là những cán bộ trực tiếp thực hiện đăng kiểm cho số tàu vỏ thép bị hư hỏng phải có trách nhiệm nhưng trách nhiệm tới đâu Bộ đang nghiêm túc xem xét để xử lý”.

Hoàng Ngân - Vĩnh Nhân

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ket-qua-kiem-nghiem-bat-nhat-dang-kiem-tau-ca-khong-the-vo-can-d223883.html