Kẹt vốn xây bảo tàng 11.000 tỷ: Hai lần xin giúp

Hoàn tất thiết kế từ năm 2005 nhưng đến nay dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia vẫn dậm chân tại chỗ và đã 2 lần lên tiếng xin giúp đỡ.

10 năm vẫn dậm chân tại chỗ

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia đang dậm chân tại chỗ do thiếu vốn.

Theo văn bản gửi Thủ tướng, Bộ xây dựng cho biết, mặc dù các bộ liên quan đã nhiều lần có kiến nghị nhưng đến thời điểm hiện tại, kinh phí chuẩn bị đầu tư các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 vẫn không được bố trí.

Các Ban quản lý dự án (bao gồm cả Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày thuộc Bộ VHTT-DL) không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, chi trả tiền lương và Bảo hiểm xã hội cho cán bộ viên chức.

Trao đổi với báo chí, chiều ngày 8/9, Thứ trưởng Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: “Dự án đã hoàn tất thiết kế, lên khái toán từ 10 năm trước. Vì khó thu xếp vốn nên bị lùi tiến độ triển khai nhiều lần. Bộ có văn bản đề nghị Thủ tướng họp ban chỉ đạo bàn xem làm tiếp hay lùi, hoãn. Bộ không hề có ý thúc đẩy triển khai ngay lúc này vì làm gì có vốn”.

Mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Thực tế, dự án bảo tàng xây dựng quốc gia được khởi động từ năm 2005 với kinh phí dự tính lúc đó cho riêng phần xây dựng gần 11.300 tỉ đồng, từng được đặt mục tiêu khánh thành năm 2010, vào dịp 1.000 năm Thăng Long.

Công trình dự kiến được triển khai tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây với tổng diện tích sử dụng gần 10 ha. Do việc bố trí nguồn vốn gặp khó khăn, dự án đã nhiều lần phải giãn tiến độ, kể từ năm 2014 đến nay.

Thậm chí, Bộ Xây dựng phải bố trí cho ban quản lý dự án quản lý thêm một số dự án nhỏ khác lấy kinh phí nuôi quân nhưng cũng không đủ, đội quân từ 28 người, giờ chỉ còn 17 người bám trụ.

2 lần xin giúp đỡ

Ở góc độ khác, đây không phải lần đầu tiên Bộ Xây dựng lên tiếng xin giúp đỡ trước khó khăn của dự án trên.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015, đại diện Chính phủ đã kết luận, cần thiết chưa để xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia dù ý nghĩa của nó là rất to lớn hay câu hỏi là ý nghĩa công trình rất to lớn nhưng đã cấp bách chưa?.

Về ý nghĩa thì không muốn bàn sâu vì đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nhằm lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc. Đó là điều cần thiết. Thế nhưng, cấp bách thì chắc chắn là chưa cấp bách bằng nhiều và rất nhiều những công trình, những chi tiêu khác của đất nước.

Nếu vì thiếu tiền, chưa xây dựng ngay được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng không có nghĩa là đất nước chưa có bảo tàng lịch sử.

Hơn nữa, chúng ta chưa đủ điều kiện xây dựng một bảo tàng hoành tráng với 11.000 tỉ đồng thì vẫn có hệ thống gần 100 bảo tàng đang vận hành, chứ không phải không có, dù quy mô nhỏ hơn. Như vậy, đủ để thấy dự án này chưa cấp bách.

Đặc biệt vào thời điểm này là giai đoạn mà Chính phủ và chính quyền các địa phương phải dè sẻn chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, vừa trả nợ công, vừa chia sẻ và cân đối thu chi trong túi tiền đang rất eo hẹp.

Chắc chắn rằng, 11.000 tỉ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ không thể cấp bách bằng nhiều công trình hạ tầng và nhu cầu an sinh xã hội đang đè nặng lên vai Chính phủ.

Trước mắt nên tạm hoãn

Đặc biệt, ngay chính Trưởng Ban quản lý dự án - Nguyễn Quang Nam cũng từng lên tiếng: “Cá nhân tôi là công dân cũng không đồng tình triển khai ngay dự án lúc này. Kinh tế, ngân sách khó khăn, sao mà làm được. Ngay lãnh đạo Chính phủ cũng nhận thức như vậy mà.

Hồi cuối năm 2015, họp Thường trực Chính phủ, lúc ấy cũng chỉ kết luận là phấn đấu khởi công dự án vào năm 2021. Như vậy có gì chắc chắn đâu”.

Về phía chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh đã lên tiếng: "Tôi đánh giá cao nên có bảo tàng lịch sử. Có điều trong điều kiện ngân sách khó khăn thì chưa nên chi tiền đầu tư vào dự án lớn như vậy. Dự án này không cấp bách bằng các dự án trường học, bệnh viện, cầu, đường…

Trước mắt, Chính phủ nên tạm hoãn đến khi nào ngân sách dồi dào, có bội thu và các điều kiện khác đáp ứng được thì triển khai".

Câu chuyện này làm chúng ta nhớ đến nhận định của ông Bùi Quang Vinh - nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khi nói về đầu tư công: "Ngoài nguyên nhân thất thoát trong thi công, xây dựng, thủ phạm chính là do chủ trương đầu tư sai ngay từ ban đầu.

Lãng phí nhất, thất thoát nhất chính là chủ trương đầu tư, còn thi công thất thoát 3 – 5% chỉ là đồng tiền cụ thể...

Rồi dự án khổng lồ mấy chục nghìn tỉ đồng quyết định một cái là xong, không qua quy trình thẩm định gì cả, đến lúc không có tiền mà vẫn cứ phải lao theo. Việc này vô cùng lãng phí”.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ket-von-xay-bao-tang-11000-ty-hai-lan-xin-giup-3342761/