Khả năng FED từ bỏ QE3 đẩy chứng khoán đi xuống

Tiếp nối màu đỏ phiên trước trên các sàn chứng khoán châu Âu và Mỹ, chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/8 cũng đang trong chiều đi xuống.

Một phiên giao dịch chứng khoán ở New York. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nguyên nhân chính đẩy các thị trường cổ phiếu toàn cầu mất điểm là tâm lý bất an lại trở lại đeo bám các nhà đầu tư về thời gian mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu chấm dứt chương trình kích thích kinh tế khổng lồ, hay còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE3).
Báo cáo chính thức từ Bộ Lao động Mỹ cho biết lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này trong tuần trước đã chạm mức thấp nhất trong vòng sáu năm qua. Thông tin tích cực này đã châm ngòi cho một làn sóng bán tháo cổ phiếu trên thị trường Phố Wall do nhà đầu tư cho rằng đây sẽ là tín hiệu cho thấy FED có thể sẽ sớm giảm dần gói QE3 trị giá 85 tỷ USD hàng tháng, có khả năng vào ngay trong tháng Chín này.
Mở cửa phiên 16/8, các thị trường chủ chốt của châu Á đều đồng loạt đỏ sàn, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Tokyo để mất ngay 1,27%, Hang Seng của Hong Kong và Shanghai Composite của Thượng Hải cũng để mất lần lượt là 0,88% và 0,94%.
Đêm trước (15/8) trên thị trường Mỹ, chứng khoán Phố Wall cũng lao dốc phiên thứ hai liên tiếp dưới tác động từ "mặt trái" của thông tin tích cực trên thị trường việc làm. Ngoài ra, thị trường cổ phiếu Mỹ còn bị ảnh hưởng bởi một số báo cáo kết qua kinh doanh và lợi nhuận kém cỏi của các doanh nghiệp niêm yết, trong đó có hai đại diện lớn của chỉ số Dow Jones là Cisco và Walmart.
Đóng cửa phiên 15/8, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều mất điểm khá mạnh, trong đó Dow Jones Industrial Average để mất 225,47 điểm (1,47%) xuống 15.112,19 điểm; S&P 500 mất 24,07 điểm (1,43%) xuống 1.661,32 điểm và Nasdaq Composite lùi 63,16 điểm (1,72%) về 3.606,12 điểm.
Cùng ngày, chứng khoán châu Âu cũng cùng chiều đi xuống khi các nhà đầu tư có phản ứng tương tự đối với số liệu việc làm tích cực nói trên của Mỹ. Thêm vào đó, doanh thu bán lẻ tăng mạnh tại Anh cũng tạo nên hiệu ứng tâm lý tương tự, khiến nhà đầu tư lo ngại Chính phủ Anh có thể sẽ rút lại các chương trình kích thích kinh tế khi nền kinh tế đang ngày càng được cải thiện.
Những số liệu kinh tế tích cực mới đây từ các nền kinh tế lớn (Mỹ, Trung Quốc, Khu vực Eurozone, Anh...) đang khiến nhà đầu tư tiếp tục cảm nhận sức ép đối với các thị trường chứng khoán từ khả năng các chính phủ sẽ giảm dần hoặc kết thúc các chương trình kích thích kinh tế mạnh tay - nhân tố đẩy thị trường này trên thế giới đi lên trong phần lớn thời gian gần đây.
Đóng cửa phiên 15/8, cả ba chỉ số chính của khu vực đều giảm điểm, trong đó DAX 30 của Đức mất 0,73% xuống 8.376,29 điểm; CAC 40 của Pháp lùi 0,51% xuống 4.093,20 điểm; FTSE 100 của Anh giảm 1,58% xuống 6.483,34 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/kha-nang-fed-tu-bo-qe3-day-chung-khoan-di-xuong/20138/211630.vnplus