Khắc ghi tùy tiện trong di tích

Bài văn bia và bài ký trên chuông đồng cổ của chùa Thiện Khánh ở xã Quảng Phú, H.Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) được dịch và khắc vào đá, nhưng nội dung lại lệch lạc, tùy tiện khiến dư luận bất bình.

Chùa cổ Thiện Khánh nhìn từ tiền đường

Chùa Thiện Khánh (còn gọi là chùa Bác Vọng Tây) là ngôi chùa cổ từng được sách Ô Châu cận lục nhắc đến và sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn liệt kê trong 36 chùa ở phủ Thừa Thiên.

Nhiều ý kiến cho rằng, chùa được hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1712. Tại chùa, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như quả chuông đồng do thượng thư Đặng Văn Hòa cúng dường dưới thời Tự Đức và nhiều hoành phi, bia đá, tượng Phật, tượng hộ pháp… Năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xếp hạng chùa là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ông Đặng Hưng Thước (trú tại 90 Nguyễn Phúc Nguyên, P.Hương Long, TP.Huế), hậu duệ của danh nhân Đặng Hữu Phổ, Đặng Văn Hòa, phản ánh khoảng 4 - 5 tháng trước, bà Hải Đăng (tức A Chước Đăng, vợ ông Đặng Mậu Liên ở TP.Đà Nẵng) đã cùng một số cá nhân họ Đặng ở nước ngoài tự ý thuê khắc trên đá bản dịch bia, bài ký trên chuông rồi gắn vào di tích. Đáng nói, nội dung của bản dịch này bị cắt xén, chưa được thẩm định nội dung và tùy tiện thêm tên của các cá nhân này vào bên dưới, gây hiểu lầm về hiện vật của di tích.

Ngoài quả chuông đồng cổ, tại chùa xuất hiện thêm một phiên bản chuông đồng mới được sao chép y như chuông cổ. Đặt bên cạnh quả chuông mới đúc này là 2 tấm đá khắc bản dịch của bài minh trên chuông và văn bia, nhưng phần lạc khoản đã bị cắt bỏ. Thay vào đó lại ghi thêm 3 cái tên: Gia đình Đặng Mậu Quế, Đặng Mậu Tố Lan, Đặng Mậu Liên. Theo ông Thước, các ông bà Đặng Mậu Tố Lan (định cư tại Đức), Đặng Mậu Quế (định cư tại Úc) là những người chi tiền cho bà Hải Đăng thực hiện bản dịch này và không hề thông qua họ tộc.

Không chỉ vậy, bà Hải Đăng còn làm bài vị cụ Đặng Hữu Phổ đưa vào thờ tại chùa làng Bác Vọng Đông, một ngôi chùa làng bên cạnh chùa Thiện Khánh, với nội dung sai lệch: Phụng vị cựu tổ thị độc Đặng Hữu Phổ lịch đợi quá vãng chư tôn linh. Ông Thước giải thích, nội dung ghi trong bài vị trên có nhiều chỗ sai như chữ cựu tổ (đã là tổ thì không có cựu hay tân), lịch đợi (có nghĩa là nhiều đời), chư tôn linh (có nghĩa là nhiều vị tôn linh); trong khi bài vị của cụ Đặng Hữu Phổ chỉ là 1 người.

“Nói tóm lại, cả cái bài vị ngoài cái tên là chưa sai, còn lại là tầm bậy. Cụ Đặng Hữu Phổ là nhân vật lịch sử, miếu thờ và lăng mộ cụ đã được công nhận di tích, việc làm này trong gia tộc chúng tôi cũng không được biết gì cả. Ngay cả chính quyền xã, đơn vị quản lý tại địa phương cũng không được biết”, ông Thước nói.

Từ phản ánh của ông Thước, sáng 23.5, ông Nguyễn Ánh Cầu, Trưởng phòng VH-TT Quảng Điền, đã cùng PV Thanh Niên đến hiện trường và ghi nhận đúng là có những nội dung sai lệch và tùy tiện này trong di tích. Ông Cầu cho biết, những cá nhân trên đã tự làm và chưa hề thông qua đơn vị quản lý nhà nước về di tích. “Từ ghi nhận thực tế này, trong tuần tới, chúng tôi sẽ mời đại diện Ban quản lý di tích gồm chính quyền địa phương, thôn và thầy trụ trì Thích Hải Thanh để làm việc, lập biên bản và chính thức có văn bản đề xuất hướng xử lý”, ông Cầu nói.

Bùi Ngọc Long

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/khac-ghi-tuy-tien-trong-di-tich-838107.html